Tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững khu vực miền Trung

17:44' - 06/10/2017
BNEWS Trong giai đoạn 2011 - 2016, hầu hết các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung đều có tốc độ tăng trưởng trên 8,4%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của cả nước (5,9%/năm).
Miền Trung được coi là vùng kinh tế trọng điểm quốc gia, với tiềm năng to lớn về phát triển kinh tế biển và liên kết các vùng duyên hải. Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết dẫn tới sự liên kết kinh tế giữa các địa phương còn lỏng lẻo, chưa tạo được sức lan tỏa và mang lại những giá trị tích cực đảm bảo cho sự phát triển kinh tế bền vững của cả vùng. 
Theo số liệu tổng hợp của Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung, trong giai đoạn 2011 - 2016, hầu hết các tỉnh, thành phố trong khu vực đều có tốc độ tăng trưởng trên 8,4%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của cả nước (5,9%/năm). Tổng thu ngân sách của 9 tỉnh, thành phố thuộc vùng duyên hải miền Trung trong năm 2016 đạt 132.200 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của 8/9 tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận đều đạt trên mức trung bình 5,73% của cả nước; trong đó Đà Nẵng đạt tới 8,1%. 
Tàu cá của ngư dân các tỉnh miền Trung rời âu thuyền Thọ Quang vươn khơi bám biển. Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN

Mặc dù bức tranh kinh tế là thế, song tiềm năng và lợi thế của các địa phương vẫn chưa phát huy hiệu quả rõ rệt, nhiều lực cản còn đang "níu kéo" sự phát triển của khu vực kinh tế này. Trước thực tế đó, đòi hỏi phải có sự chung tay, góp sức của các bộ, ngành, các địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh để đưa kinh tế miền Trung phát triển. Đây là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành khi đánh giá về tình trạng vốn tồn tại lâu nay là "mạnh ai nấy làm". 
Một trong nhiều nguyên nhân được nêu ra là khu vực miền Trung chưa dành nguồn lực và sự quan tâm thích đáng để tạo điều kiện phát triển đối với khu vực kinh tế tư nhân hay nói khác đi là miền Trung rất thiếu những doanh nghiệp tư nhân đầu đàn. Cùng với đó, các doanh nghiệp lớn cũng chưa được quan tâm, hỗ trợ. Đó là nhận định của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc. 
Theo ông, khu vực miền Trung đang thiếu những năng lực cốt lõi để có sự bảo đảm về tài chính, hạ tầng nhân lực, công nghệ và thị trường cũng như những lợi thế và điều kiện phát triển căn bản trong bối cảnh hội nhập, mở cửa. Cụ thể như cảng biển, tài nguyên du lịch…chưa được phát huy và đem lại tác động tích cực, thay đổi toàn diện và đồng đều giữa các địa phương. Nhiều tỉnh, thành phố vẫn còn loay hoay với vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế… 
Từ thực tiễn địa phương, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng thẳng thắn cho rằng, thực tế còn thiếu sự liên kết vùng giữa các tỉnh duyên hải miền Trung. Nguyên nhân là do tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh, thành phố trong vùng tương đối đồng đều; địa phương nào cũng phát triển về biển, cảng biển, sân bay, khu kinh tế hay khu công nghiệp... Phần lớn các địa phương đều có xu hướng phát triển dựa trên tiềm năng, thế mạnh hiện có. Do vậy, cơ cấu ngành, sản phẩm của các địa phương trong vùng khá trùng lắp, thiếu các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ... 
Để tạo động lực thúc đẩy kinh tế của các tỉnh duyên hải miền Trung nói riêng và toàn vùng nói chung, vấn đề cốt lõi vẫn là sự quan tâm, tạo cơ hội và môi trường phát triển cho các cá thế đơn lẻ thuộc khối kinh tế. Nói theo cách khác là sự quan tâm cần thiết đối với từng doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, vốn là tế bào góp phần tạo nên sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp. 
Ông Lộc khẳng định, miền Trung sẽ thực sự phát triển nếu tạo nên những liên kết hiệu quả giữa cộng đồng các doanh nghiệp trong vùng. Chính quyền các địa phương cần có các giải pháp và thực thi một cách quyết liệt để tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng; đồng thời xác định tinh thần hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt, cần thiết đề cao vai trò của khởi nghiệp, chú trọng tới việc tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và dành nhiều ưu đãi, điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ... 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục