Tận dụng yếu tố thuận lợi phát triển công nghiệp thương mại

12:12' - 09/07/2018
BNEWS Sáng 9/7, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị sơ kết trực tuyến tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm và giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2018.

Sáng 9/7, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị sơ kết trực tuyến tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm và giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2018 tại 3 đầu cầu Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Dương Duy Hưng-Vụ trưởng Vụ Kế hoạch trình bày báo cáo sơ kết hoạt động công nghiệp thương mại 6 tháng đầu năm. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Báo cáo chung về kết quả toàn ngành đã đạt được từ đầu năm đến nay, ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, kế thừa đà tăng trưởng ấn tượng từ quý I, tình hình kinh tế trong quý II tiếp tục cải thiện so với cùng kỳ.

Điều này đạt được nhờ tác động tích cực từ cả những yếu tố bên ngoài và nội lực bên trong nền kinh tế. Yếu tố ngoại lực quan trọng phải kể đến là sự phục hồi tích cực của kinh tế thế giới, giá dầu và giá một số khoáng sản tăng đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa và thu hút đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp và gián tiếp).

Đáng lưu ý, động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2018 chủ yếu là môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, tiêu dùng trong nước tăng trưởng khả quan, sự tăng trưởng vượt trội của ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và đà tăng trưởng tốt của khu vực dịch vụ.

Cùng với đó, mức tăng trưởng kinh tế tương đối thấp của nửa đầu năm 2017 cũng là nguyên nhân khiến tăng trưởng nửa đầu năm 2018 so với cùng kỳ đạt mức cao.

Cũng theo ông Dương Duy Hưng, nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng nên tiếp tục chịu ảnh hưởng nhiều chiều từ những biến động của kinh tế thế giới.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam được hưởng lợi từ sự phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới, tăng trưởng thương mại toàn cầu và từ tiến trình xúc tiến đàm phán các Hiệp định kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế Việt Nam nói chung và ngành công thương nói riêng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức từ sự thay đổi một số chính sách của các nền kinh tế/khu vực chủ chốt trên thế giới, thuế nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu của Việt Nam vào Mỹ tăng cao, công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng tăng chậm lại, cán cân thương mại nhập siêu trong 2 tháng gần đây, sức ép lạm pháp tăng lên, diễn biến thời tiết phức tạp ảnh hưởng đến nguồn hàng xuất khẩu...

Ông Dương Duy Hưng cũng đánh giá cao nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo, động lực tăng trưởng cho toàn ngành công nghiệp. Đây là nhóm tăng trưởng rất tốt, rất cao so với cùng kỳ năm 2017.

Ngoài ra, nhóm ngành khai khoáng, giảm, mức giảm thấp hơn nửa đầu năm 2017, giảm theo hướng tái cơ cấu của toàn ngành công thương. Trong đó chủ yếu là khai khoáng dầu thô khai thác và khí nên nếu xếp về sản lượng thì nửa đầu năm nay nhóm hàng này đã vượt kế hoạch đề ra và có những kết quả đạt được tốt so với kế hoạch.

Ông Phan Văn Chinh-Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu chia sẻ về kết quả xuất khẩu từ đầu năm đến nay. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Chia sẻ thêm về những thành tích đã đạt được trong lĩnh vực xuất khẩu, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, nửa đầu năm tín hiệu thị trường được các doanh nghiệp rất quan tâm, thể hiện việc đầu tư sản xuất của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lẫn doanh nghiệp nội địa, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu.

Mặt khác, Việt Nam đã phát triển được 12 thị trường FTA, ASEAN trước chỉ tăng trưởng quanh quẩn khoảng 10% nay là 17%. Điều này khẳng định năng lực sản xuất tiếp cận vào khối ASEAN.

Riêng với xuất khẩu gạo, thời gian qua Việt Nam đã chủ động chuyển đổi hình thức doanh nghiệp đấu thầu mở và những tín hiệu theo thị trường và được doanh nghiệp cũng như dư luận đánh giá cao.

Bên cạnh đó, việc phát triển các thị trường thông qua Hiệp định thương mại tự do FTA cũng như tái cơ cấu, tổ chức bộ máy ngành gắn với cải cách hành chính, tinh giản bộ máy, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết 19 đã được triển khai đồng bộ và từng bước khẳng định vai trò trong tham mưu xây dựng chính sách.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo tại Hội nghị giao ban trực tuyến của Bộ Công Thương. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao việc xuất khẩu gắn liền với chiến lược hội nhập, nhiều vấn đề phải tiếp tục nghiên cứu sâu hơn trong đánh giá, định hướng, ngoài chiến lược phát triển ngành hàng,

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng lưu ý rằng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là vấn đề lớn và tổng thể của nhiều vấn đề, khía cạnh, phản ánh vấn đề mang tính toàn diện về chính trị, không phải chiến tranh thương mại đơn thuần.

Hiện tại, Mỹ đang chủ động áp dụng hàng loạt vấn đề kinh tế mang tính đơn phương bởi những vấn đề liên quan tới cuộc chiến này không chỉ là sắc thuế mà chứa đựng cả vấn đề bản quyền công nghệ, cơ cấu kinh tế, tiền tệ, tín dụng… Tổng thể chung lại, cạnh tranh của hai siêu cường, đặt ra những cái yêu cầu cho từng quốc gia riêng rẽ trong định hướng tiếp theo của toàn cầu hóa.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, mặc dù đã có định hướng rõ ràng trong việc nâng cao chiến lược xuất nhập khẩu nhưng đến nay mới chỉ đạt được một vế ở chiều rộng.

Ngoài ra, trong bối cảnh xung đột thương mại xảy ra hiện nay, hàng rào kỹ thuật và bảo hộ ngày càng chặt chẽ đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành. Đơn cử như câu chuyện đánh bắt thủy hải sản trái phép là vấn đề lớn song đòi hỏi ở đây là làm thế nào để chủ động hơn và có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng để giữ vững thị trường.

Mặt khác, Việt Nam có các FTA và hàng loạt các Hiệp định thương mại song phương với từng lĩnh vực cụ thể nhưng thực tế hàng rào kỹ thuật và thủ tục hành chính trong thâm nhập vào thị trường còn rất phức tạp, khó khăn.

Chính vì vậy, tới đây cần nghiên cứu kỹ thị trường để phục vụ điều hành chính sách trên cơ sở cân bằng lợi ích, đồng thời phải rà soát thực tiễn thấy được hạn chế trong cơ chế hợp tác và tạo điều kiện cho ngành hàng, nhóm sản phẩm được chính thức có mặt tại các thị trường lớn.

Một điểm rất quan trọng nữa cần lưu ý là với quy mô tần suất ngày càng dày đặc của điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, nguy cơ các sản phẩm tràn ngập vào thị trường nội địa, đòi hỏi sự vào của của cơ quan quản lý Nhà nước. Vì thế, không thể bằng cơ chế vài trò của cơ quan quản lý nhà nước đơn thuần mà còn phải có sự góp mặt của cộng đồng doanh nghiệp.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, để hoàn thành kế hoạch năm 2018, tới đây cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ phát triển các lĩnh vực công nghiệp. Đặc biệt, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp công nghiệp.

Không những thế, phải đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công thương, nhất là cơ cấu thực chất ngành công nghiệp nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Ngoài ra, tiếp tục bám sát diễn biến của thị trường để điều hành linh hoạt, kịp thời và hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai phương án sản xuất, kinh doanh tối ưu.

Toàn cảnh Hội nghị giao ban trực tuyến. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Bộ trưởng cũng lưu ý, xuất nhập khẩu 6 tháng cuối năm có nhiều yếu tố thuận lợi để tăng trưởng như xuất khẩu nông, thủy sản thường đạt mức cao nhất vào thời điểm cuối năm; các mặt hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép, đồ gỗ đều bước vào mùa vụ xuất khẩu từ giữa quý II…

Chưa kể, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho thu hút đầu tư FDI, giúp Việt Nam có thêm năng lực sản xuất mới.

Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ chú trọng tạo nguồn hàng có chất lượng cho sản xuất, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng; sản xuất các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và phù hợp với nhu cầu thị trường nhập khẩu.

Mặt khác, Bộ sẽ tăng cường các biện pháp tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là nông, thủy sản thâm nhập vào các thị trường mới.

Dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, kịp thời chỉ đạo các giải pháp cụ thể, quyết liệt, có định hướng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, phát triển thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục