Tầm quan trọng của kinh tế biển xanh trong phát triển của thế giới và khu vực

15:41' - 24/11/2017
BNEWS Hội thảo với chủ đề ASEAN - Ấn Độ: “Kinh tế biển xanh - từ khái niệm đến hành động” đã được tổ chức tại Nha Trang trong hai ngày 24-25/11.
Tầm quan trọng của kinh tế biển xanh trong phát triển của thế giới và khu vực. Ảnh minh họa: TTXVN

Hội thảo do Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Ấn Độ phối hợp cùng Viện Nghiên cứu kinh tế về ASEAN và Đông Á (ERIA) tổ chức. Đây là sáng kiến của Việt Nam và nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối thoại giữa ASEAN - Ấn Độ. Hơn 50 đại biểu gồm quan chức Chính phủ, học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài khu vực đã tham dự hội thảo. 

Phát biểu tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng hoan nghênh ý tưởng về kinh tế biển xanh, nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh tế biển xanh trong phát triển của thế giới và khu vực.

Điểm lại các hoạt động hợp tác biển trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đề nghị các đại biểu cần có những đề xuất cụ thể, hướng tới xây dựng nhận thức chung trong khu vực về bảo vệ và bảo tồn môi trường biển, đồng thời xây dựng các cơ chế hợp tác kinh tế phù hợp, kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển bền vững.

Mô hình nuôi cá lồng bè tại huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) vừa cho hiệu quả kinh tế, vừa thu hút sự quan tâm của khách du lịch. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Thay mặt Chính phủ Ấn Độ, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish đề xuất ASEAN và Ấn Độ cần đẩy mạnh hợp tác kinh tế bền vững dựa trên luật pháp quốc tế và tiềm năng, thế mạnh về biển của hai bên. Đại sứ Parvathaneni Harish gợi ý các nước tổ chức các nghiên cứu khoa học về kinh tế biển xanh, khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản, xem xét khả năng hợp tác về năng lượng đại dương…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Duy Bắc đã có bài phát biểu tại hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm của Khánh Hòa trong bảo vệ và bảo tồn môi trường biển, đặc biệt là khu bảo tồn biển Hòn Mun trên vịnh Nha Trang.

Đây là khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam được thành lập vào năm 2001, việc gắn kết giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường tại đây đã phát triển hài hòa. Ông Nguyễn Duy Bắc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các chính sách đồng bộ, rộng khắp để phát triển kinh tế, nhất là về sử dụng, khai thác tài nguyên biển và tái tạo môi trường.
Tại hội thảo, các đại biểu cùng trao đổi nhiều lĩnh vực khác nhau thuộc kinh tế biển xanh trong đó có đánh giá tình hình thực tiễn, hợp tác trong khai thác cảng, vận tải, năng lượng xanh, cơ chế tài chính sáng tạo trong kinh tế biển xanh.

Đại biểu các nước khẳng định trong bối cảnh tài nguyên biển và đại dương đang dần cạn kiệt, đa dạng sinh học bị suy giảm, ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, hợp tác khu vực và liên khu vực trong kinh tế biển xanh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nền móng cho hợp tác ở tầm toàn cầu, từ đó bảo đảm môi trường đại dương an toàn, bền vững.

Các đại biểu đã trao đổi và đề xuất một số kiến nghị hợp tác để lãnh đạo ASEAN và Ấn Độ xem xét quyết định tăng cường hợp tác trong thời gian tới.
Khái niệm "Kinh tế biển xanh" nổi lên trong thời gian gần đây tại các diễn đàn quốc tế, mở ra xu hướng khai thác và phát triển kinh tế dựa vào biển và đại dương một cách bền vững. Tài liệu tại hội thảo cho thấy, với đường bờ biển dài 173.000 km giáp với một số khu vực đại dương giàu kinh tế và sinh thái nhất trên thế giới, khu vực Đông Nam Á sở hữu gần 30% rạn san hô trên thế giới, 35% rừng ngập mặn và ít nhất 18% các đồng cỏ biển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục