Tái đàm phán NAFTA: Khó đạt đồng thuận

12:49' - 17/08/2017
BNEWS Vòng đàm phán đầu tiên về cập nhật Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) từ ngày 16-20/8 sẽ tập trung vào việc thống nhất các đề xuất và yêu cầu từ cả ba nước Mỹ, Canada và Mexico
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (giữa) tham dự vòng đàm phán thứ nhất về NAFTA  tại Washington Mỹ ngày 16/8/2017. Ảnh: Xinhua

Vòng đàm phán đầu tiên về cập nhật Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), diễn ra từ ngày 16-20/8, được dự đoán sẽ tập trung vào việc thống nhất các đề xuất và yêu cầu từ cả ba nước Mỹ, Canada và Mexico . Tuy nhiên, theo giới quan sát, những yêu cầu của phía Mỹ có thể khiến các nhà đàm phán khó có thể đạt được đồng thuận về các kế hoạch hiện đại hóa NAFTA vốn được kỳ vọng sẽ bao gồm nhiều chương mới về thương mại năng lượng và kỹ thuật số, cũng như các tiêu chuẩn về tiền tệ, lao động và môi trường.
Mỹ ngày 16/8 đã đưa ra quan điểm cứng rắn trong tái đàm phán NAFTA, đòi hỏi nhiều nhượng bộ quan trọng nhằm giảm thâm hụt thương mại với Mexico và Canada, và tăng “hàm lượng Mỹ” đối với ô tô.

Mở đầu các cuộc đàm phán ở Washington, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, cho biết NAFTA cần những điều chỉnh lớn. Ông Lighthizer cảnh báo rằng Mỹ sẽ dùng ảnh hưởng của mình với tư cách là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Mexico và Canada để có được những nhượng bộ, đồng thời cho biết Wasshington muốn có những quy định về xuất xứ chặt chẽ hơn nữa, trong đó có yêu cầu về “hàm lượng Mỹ” cao đối với mặt hàng ô tô.
Đại diện thương mại Mỹ còn phát đi tín hiệu cho biết Washington sẽ đấu tranh để thay đổi hệ thống giải quyết tranh chấp thương mại của NAFTA nhằm cho phép nước này áp nhiều loại thuế chống bán phá giá đối với Canada và Mexico, và cho rằng điều khoản này cần “tôn trọng chủ quyền quốc gia” của Mỹ.
Trước đó trong tuần này, bà Chrystia Freeland, Bộ trưởng Ngoại giao Canada cho biết Canada có thể sẽ từ bỏ NAFTA nếu Mỹ kiên quyết xóa bỏ hệ thống giải quyết tranh chấp thương mại được quy định trong Chương 19 NAFTA. Bà Freeland đã đáp trả lại quan điểm của Mỹ trong việc cắt giảm thâm hụt thương mại, nêu rõ Canada không coi thặng dư hay thâm hụt thương mại là thước đo cơ bản để đánh giá tính hiệu quả của một mối quan hệ thương mại.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo cho rằng NAFTA cần được hiện đại hóa để tạo điều kiện tăng cường giao thương giữa các nước thành viên. Ông Guajardo cho rằng còn quá sớm để ba nước bắt đầu thu hẹp những khác biệt, song hối thúc các bên hoàn tất đàm phán trước cuộc bầu cử Tổng thống Mexico năm 2018.
NAFTA có hiệu lực từ ngày 1/1/1994. Theo thống kê, trao đổi thương mại giữa ba quốc gia Bắc Mỹ đạt tăng trưởng cao kể từ khi NAFTA có hiệu lực, với tổng kim ngạch trên 1.300 tỷ USD vào năm 2016. Tổng thống Mỹ Donald Trump, người luôn chủ trương bảo hộ sản xuất nội địa, từng mô tả hiệp định thương mại này là "thảm họa" và là nguyên nhân khiến Mỹ mất đi hàng triệu việc làm trong lĩnh vực công nghiệp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục