Tái đàm phán NAFTA: Chỉ được tiến chứ không lùi

17:26' - 23/08/2017
BNEWS Các bên tham gia đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) “chỉ được tiến chứ không lùi” bởi đây là cơ hội để làm mới thỏa thuận này theo hướng phù hợp hơn với tiến trình hội nhập kinh tế.
Các bên tham gia đàm phán NAFTA chỉ được tiến chứ không lùi. Ảnh minh họa: TTXVN


* Lập trường cứng rắn của Mỹ
Vòng tái đàm phán đầu tiên về NAFTA giữa Mỹ, Canada và Mexico diễn ra từ ngày 16 đến 20/8/2017 tại Washington trong bối cảnh quan ngại gia tăng về tương lai của thỏa thuận thương mại ba bên kéo dài hàng thập kỷ qua này. Vòng đàm phán này được dự đoán sẽ tập trung vào việc thống nhất các đề xuất và yêu cầu từ cả ba nước.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng những yêu cầu của phía Mỹ có thể khiến các nhà đàm phán khó đạt được đồng thuận về các kế hoạch hiện đại hóa NAFTA - vốn được kỳ vọng sẽ bao gồm nhiều chương mới về thương mại năng lượng và kỹ thuật số, cũng như các tiêu chuẩn về tiền tệ, lao động và môi trường.
Ngay từ khi chưa bắt đầu, quá trình tái đàm phán NAFTA đã được xem là sẽ khá sóng gió, bởi những lập trường cứng rắn và mục tiêu mà Mỹ đề ra, đòi hỏi nhiều nhượng bộ quan trọng từ phía Mexico và Canada. Ưu tiên hàng đầu của Mỹ là xóa bỏ thâm hụt thương mại trên 60 tỷ USD/năm với Mexico. Đối với ngành công nghiệp ô tô, Mỹ có thể đưa ra các biện pháp hạn chế thông qua quy định về hạn ngạch sản xuất trong nước.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá "quy tắc xuất xứ" NAFTA là lỗi thời và đề xuất nâng thị phần của hàng nội địa lên đến 62,5% - điều mà nhiều nhà sản xuất ô tô phản đối vì cho rằng biện pháp này có thể phản tác dụng vì Mỹ chỉ áp thuế nhập khẩu 2,5% đối với các xe ô tô nhập khẩu từ ngoài khối NAFTA.
Mỹ cũng đề xuất áp đặt các hạn chế mới dưới hình cách thức sử dụng rộng rãi hơn hạn ngạch. Điều đó sẽ đại diện cho một sự thay đổi hướng tới "thương mại quy định". Hạn ngạch đã là một đặc trưng thương mại trong NAFTA đối với các sản phẩm nông sản như đường và các sản phẩm sữa.

Trong trường hợp Mỹ kiên quyết đẩy mạnh áp dụng hạn ngạch, NAFTA sẽ đổ vỡ. Các bên liên quan đã mô tả mục tiêu của các cuộc đàm phán mới là "hiện đại hóa" NAFTA. Điều đó có nghĩa đưa vào các chương mới như thương mại điện tử, nhưng chính quyền của ông Trump và giới công đoàn Mỹ cũng muốn thêm vào các tiêu chuẩn lao động mới bắt buộc việc tăng lương ở Mexico nhằm giảm lợi thể về chi phí lao động - điều thu hút các nhà đầu tư tại Mexico.

Ngoài ra, Mỹ còn muốn loại bỏ một tính năng của NAFTA liên quan tới giải quyết tranh chấp được gọi là "Chương 19," điều cho phép Washington áp thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa của Canada và Mexico, đồng thời áp dụng các biện pháp thương mại chặt chẽ khác. Đây là vấn đề mà Canada kiên quyết phản đối.
NAFTA là hiệp định thương mại giữa Mexico, Mỹ và Canada, có hiệu lực từ ngày 1/1/1994. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mô tả hiệp định thương mại này là "thảm họa" và cho rằng đây là nguyên nhân khiến Mỹ mất đi hàng triệu việc làm trong lĩnh vực công nghiệp. Hồi tháng 4/2017, các nước thành viên đã nhất trí thúc đẩy kế hoạch đàm phán lại những điều khoản trong hiệp định này. Vòng đàm phán NAFTA thứ hai sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 9 tới tại Mexico.

Theo dự kiến, các bên liên quan sẽ tiến hành 7 vòng đàm phán, mỗi vòng đàm phán cách nhau 3 tuần và có gắng hoàn tất hiện đại hóa hiệp định vào đầu năm 2018.
* Canada và Mexico khó nhượng bộ
Theo thống kê, trao đổi thương mại giữa ba quốc gia Bắc Mỹ đã tăng trưởng cao kể từ khi NAFTA có hiệu lực, với tổng kim ngạch đạt trên 1.300 tỷ USD vào năm 2016. Bản danh sách dài những yêu cầu của Mỹ có thể khiến các nhà đàm phán khó đạt thỏa thuận về các kế hoạch hiện đại hóa NAFTA. Cả Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland và Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo đều phản đối các yêu cầu của Mỹ và lên tiếng bảo vệ NAFTA.
Canada phản đối việc dùng vấn đề thâm hụt thương mại làm tôn chỉ cho thành công của một thỏa thuận thương mại như NAFTA. Danh sách những ưu tiên của Canada trong tiến trình đàm phán lại NAFTA bao gồm những vấn đề: Các bên cần xây dựng chương mới về các tiêu chuẩn lao động, xác định mục tiêu cho các quy tắc lao động khắc nghiệt hơn như gia tăng tiền lương ở Mexico để khiến các nhà sản xuất ô tô ở Mỹ và Canada có thể cạnh tranh tốt hơn.

Bên cạnh đó, vấn đề môi trường cũng cần được quan tâm để đảm bảo không quốc gia nào bị thụt lùi trong lĩnh vực này nhằm thu hút đầu tư. Tiếp đến là việc tập trung xây dựng các chương về quyền liên quan đến giới, quyền của thổ dân bản địa. Việc cải tổ cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư cũng cần được ưu tiên. Canada muốn cải cách cơ chế này để "các chính phủ có quyền không thể chối bỏ trong việc điều chỉnh lợi ích công".

Quy định này không được nhầm lẫn với Chương 19, quy định về tranh cãi giữa các công ty liên quan đến hoạt động phá giá và chống bán phá giá mà chính quyền Mỹ đang tìm cách loại bỏ. Canada cũng nhấn mạnh vào hoạt động mở rộng mua sắm công và tạo điều kiện qua lại biên giới cho các chuyên gia. Cuối cùng, Canada đề xuất duy trì cơ chế điều chỉnh các tranh chấp thương mại về chống bán phá giá và chống trợ cấp. Canada từng rút khỏi các cuộc đàm phán hồi năm 1987 khi các bên không chấp nhận cơ chế này.
Trong khi đó, Mexico nhấn mạnh mục tiêu của việc tái đàm phán NAFTA là làm thế nào để thương mại “phát triển hơn” và không làm nảy sinh những tiêu cực. Mexico muốn tiếp tục được duy trì nguồn hàng và dịch vụ tại Mỹ và Canada, nơi chiếm tới 85% khối lượng xuất khẩu của nước này.

Mục tiêu tại NAFTA lần này của Mexico cũng là thúc đẩy hơn nữa hội nhập với thị trường lao động và lĩnh vực năng lượng trong khu vực. Là một quốc gia theo đuổi thương mại tự do, Mexico tin tưởng vào các thị trường mở và sẽ không chấp nhận bất kỳ bước giật lùi nào trong NAFTA, như đưa ra thuế quan và hạn ngạch mới.

Mexico sẽ không chấp nhận đưa ra các hạn chế thương mại mới vì đây sẽ là một thảm họa thực sự cho khả năng cạnh tranh của Bắc Mỹ và tạo ra bất ổn cho doanh nghiệp cũng như công nhân ở cả ba nước. Làm gián đoạn chuỗi cung ứng có tính tích hợp cao sẽ làm tăng chi phí sản phẩm, đánh vào túi tiền của người tiêu dùng và triệt tiêu việc làm trên toàn Bắc Mỹ.
* NAFTA vẫn sẽ tồn tại
Mặc dù đều cho rằng những tuyên bố cứng rắn từ phía Mỹ cho thấy các cuộc đàm phán NAFTA rất khó khăn và căng thẳng nhưng các chuyên gia thương mại và kinh tế đều tin rằng NAFTA vẫn tồn tại sau khi các bên giải quyết được bất đồng.

Giới phân tích cũng nhận định Mỹ sẽ không rút khỏi NAFTA bởi việc rút khỏi NAFTA sẽ là hành động “thiếu khôn ngoan” và cái giá phải trả cho sự gián đoạn về kinh tế giữa ba nước “là rất khủng khiếp”. Có nhiều ý kiến tỏ ra khá lạc quan về khả năng hiệp định này vẫn tồn tại dù kết quả các cuộc đàm phán có như thế nào.
Trên thực tế, bất chấp các bất đồng, hiệp định NAFTA “rất có lợi” cho các bên, kể cả Mỹ. Khu vực tự do thương mại Bắc Mỹ ra đời năm 1994, đã mang lại hàng triệu việc làm mới, dù thâm hụt ngày càng lớn về phía Mỹ trong trao đổi mậu dịch với Mexico, các doanh nghiệp Mỹ đã tận dụng được hoàn cảnh này để cải thiện đáng kể khả năng cạnh tranh.
Quá trình hiện đại hóa NAFTA cần bao gồm nhiều mục tiêu: từ giải quyết các vấn đề liên quan đến thương mại mới như thương mại điện tử; hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; cập nhật các quy tắc hiện có… tới xử lý các vấn đề gây tranh cãi như thâm hụt thương mại thông qua mở rộng giao thương.

Các nhà quan sát khẳng định, điều mà ba đối tác cần phải nhớ là họ không chỉ đơn giản bán hàng cho nhau. Với tư cách là các đối tác trong NAFTA, ba nước phải hợp tác và làm việc cùng nhau cũng như phải tăng cường và cải thiện các chuỗi cung ứng xuyên biên giới. Hiện các hàng xuất khẩu của Mexico sang thị trường Mỹ có tới 40% thành phần có xuất xứ tại Mỹ. Tỷ lệ này trong hàng hóa xuất khẩu của Canada sang Mỹ là 25%.

Ngoài ra, NAFTA cũng tạo ra rất nhiều lựa chọn về chất lượng, giá cả, mẫu mã, chủng loại… cho người tiêu dùng, các ngành công nghiệp, nông nghiệp và các ngành nghề liên quan ở cả ba nước. Sự gắn kết và hội nhập của ba nền kinh tế cũng đã và đang diễn ra rất sâu rộng trong các lĩnh vực về phát triển công nghệ, quy trình sản xuất và tiêu chuẩn hóa. Việc phá bỏ những lợi thế cạnh tranh này sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai.
Theo nhận định của giới phân tích, trong tiến trình đàm phán lại NAFTA từ nay đến cuối năm, có thể sẽ có những thời điểm thăng- trầm, giống như bất kỳ một cuộc đàm phán thương mại nào khác. Tuy nhiên, có một số điều quan trọng cần nhớ là Mexico sẽ tổ chức bầu cử Tổng thống vào năm sau, trong khi Mỹ cũng sẽ có cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào cuối năm 2018 và Canada có cuộc bầu cử liên bang vào cuối năm 2019. Đây đều là những sự kiện quan trọng để cả ba nước muốn đẩy mạnh quyết tâm kết thúc đàm phán trước cuối năm nay. Vì vậy, đây chính là thời điểm để NAFTA tiến về phía trước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục