Tái đàm phán NAFTA: Các nước Bắc Mỹ nhất trí hiện đại hóa quy định thương mại nội khối

09:53' - 17/08/2017
BNEWS Trong vòng đàm phán đầu tiên diễn ra từ ngày 16-20/8, tất cả các bên đưa các đề xuất của mình và thống nhất về cách thức tiến hành tái đàm phán.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland và Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo Villarreal tại cuộc đàm phán (thứ tự từ trái qua phải). Ảnh: THX

Ngày 16/8, tại Washington, các quan chức của Mỹ, Canada và Mexico đã bắt đầu vòng tái đàm phán đầu tiên về Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) trong bối cảnh gia tăng quan ngại về tương lai của thỏa thuận thương mại 3 bên kéo dài hàng thập kỷ qua này.

Trong vòng đàm phán đầu tiên diễn ra từ ngày 16-20/8, tất cả các bên đưa các đề xuất của mình và thống nhất về cách thức tiến hành tái đàm phán. Trong khi đó, vòng đàm phán thứ 2 sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 9 tại Mexico.

Các bên liên quan sẽ tiến hành 7 vòng đàm phán, mỗi vòng đàm phán cách nhau 3 tuần và có gắng hoàn tất hiện đại hóa hiệp định vào đầu năm 2018.

Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, phát biểu khai mạc vòng đàm phán đầu tiên, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết cả Mỹ, Canada và Mexico đều nhất trí rằng cần hiện đại hóa NAFTA do các nền kinh tế hiện rất khác so với những năm 90 của thế kỷ trước, thời điểm NAFTA bắt đầu có hiệu lực.

Ông nêu rõ 3 quốc gia Bắc Mỹ cần xây dựng các điều khoản bảo vệ thương mại số, thương mại dịch vụ, thương mại điện tử, cũng như cập nhật thủ tục hải quan, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cải thiện các quy định trong lĩnh vực năng lượng, tăng cường các quy tắc minh bạch và thúc đẩy thương mại nông nghiệp dựa trên khoa học.

Quan chức thương mại Mỹ giữ nguyên quan điểm của chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc cần thiết đàm phán từ “gốc rễ” NAFTA nhằm giải quyết tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ và thắt chặt quy định về xuất xứ hàng hóa.

Trước đó, hồi tháng 7 vừa qua, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ đã trình Quốc hội nước này một văn bản liệt kê các mục tiêu của Mỹ trong tái đàm phán NAFTA, trong đó nổi bật là giảm thâm hụt thương mại, thắt chặt quy định về xuất xứ và đưa vào một chương về kinh tế số.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland phản đối việc coi thâm hụt thương mại là một chỉ dấu cho sự thành công của một hiệp định thương mại. Bà Freeland nêu rõ Canada không coi thặng dư thương mại hoặc thâm hụt là thước đo cơ bản để đánh giá tính hiệu quả của một mối quan hệ thương mại, đồng thời khẳng định mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Canada là "cân bằng và cùng có lợi".

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo cho rằng các mục tiêu trong quá trình tái đàm phán NAFTA cần hướng tới việc "giao thương nhiều hơn và không gây hại".

Trước đó, các đại diện của Mexico và Canada đều kỳ vọng đàm phán NFFTA sẽ diễn ra với tinh thần xây dựng và hiệu quả, cũng như khẳng định quan điểm về một NAFTA nâng cấp đem lại lợi ích cho các bên liên quan, đảm bảo tự do thương mại, nâng khả năng cạnh tranh nhằm hướng tới một khối Bắc Mỹ thịnh vượng.

Liên quan tới tái đàm phán NAFTA, các chuyên gia kinh tế cho rằng có 6 điểm quan trọng trên bàn tái đàm phán, gồm yếu tố chính trị liên quan tới bầu cử, giảm thâm hụt thương mại, thắt chặt quy tắc xuất xứ, đường đến "thương mại quy định", mức lương cơ bản cao hơn ở Mexico và tranh cãi về giải quyết tranh chấp.

NAFTA có hiệu lực từ ngày 1/1/1994. Theo thống kê, trao đổi thương mại giữa 3 quốc gia Bắc Mỹ đạt tăng trưởng cao kể từ khi NAFTA có hiệu lực, với tổng kim ngạch trên 1.300 tỷ USD vào năm 2016.

Tổng thống Donald Trump, người luôn chủ trương bảo hộ sản xuất nội địa, từng mô tả hiệp định thương mại này là "thảm họa" và là nguyên nhân khiến Mỹ mất đi hàng triệu việc làm trong lĩnh vực công nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục