Sức hút vốn ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam

09:21' - 04/11/2017
BNEWS Thị trường chứng khoán Việt Nam đã thực sự trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Nền kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng tốt cùng những quyết tâm của Chính phủ trong cải thiện môi trường đầu tư, phát triển kinh tế tư nhân được xem là những điểm hấp dẫn dòng vốn ngoại đến với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Những con số biết nói

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang có sự phát triển vượt bậc. Ảnh minh họa:TTXVN

Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, mặc dù có quy mô khiêm tốn khoảng 124 tỷ USD và xếp hạng ở thị trường cận biên, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam đang có sự phát triển vượt bậc, thể hiện sức hấp dẫn ngày càng tăng của thị trường vốn - thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hơn 1.867.000 tài khoản giao dịch đã được mở; trong đó có trên 21.000 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài, cho thấy rõ điều này.

“Nếu như năm 2016 chúng ta chứng kiến có sự rút vốn nhẹ của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường cổ phiếu, thì trong năm 2017, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khá nhiều trên cả thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu. Tổng giá trị danh mục đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài đến tháng 10/2017, tăng 47,4% so với cuối năm 2016”, ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Việt Đức, chuyên gia cao cấp chiến lược thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán MB - MBS cho biết, tính từ đầu năm tới ngày 25/10, khối ngoại đã mua ròng khoảng 14.900 tỷ đồng; trong đó mua vào gần 93.900 tỷ đồng (chiếm 14% giá trị giao dịch thị trường) và bán ra trên 79.000 tỷ đồng (chiếm 11,94% giá trị giao dịch thị trường).

Xét về tỷ trọng giao dịch trên toàn thị trường, khối ngoại giảm cả mua lẫn bán so với cùng kỳ năm ngoái (mua 17,37%, bán 18,15%) nhưng xét vị thế ròng thì xu hướng năm nay đảo ngược hoàn toàn tính từ đầu năm đến 25/10, từ bán ròng 3.240 tỷ năm 2016 sang mua ròng mạnh vào năm 2017.

Theo ông Đức, điểm đáng chú ý đầu tiên của các quỹ ngoại năm nay là vai trò giảm sút của các ETF (Quỹ hoán đổi danh mục, là quỹ đầu tư nắm giữ các loại tài sản như cổ phiếu, hàng hóa, hoặc trái phiếu), khi các ETF không còn khuấy động mạnh thị trường và nổi lên vai trò của các quỹ nước ngoài đã hoạt động trong nhiều năm tại Việt Nam đang cơ cấu mạnh danh mục sau một chu kỳ đầu tư.

“Thứ hai là sự tham gia ngày càng đông của các quỹ ngoại mới khi chứng khoán Việt Nam đứng trước triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi trong tương lai gần", ông Đức cho biết.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, trong 9 tháng năm 2017 các nhà đầu tư ngoại đã mua ròng 1,45 tỷ USD; trong đó 800 triệu USD là mua ròng trái phiếu, 650 triệu USD là mua ròng cổ phiếu. Tổng giá trị thị trường của danh mục do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ đến thời điểm hiện nay là khoảng 27,2 tỷ USD và 9 tháng năm nay đã tăng 34% so với cuối năm 2016; trong đó thì sở hữu nước ngoài đối với cổ phiếu doanh nghiệp Việt Nam chiếm tới 19,2%, còn đối với trái phiếu là 5,3%.

Hấp dẫn khối ngoại

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đã thực sự trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế và có cơ cấu ngày càng vững chắc và hoàn thiện.

Vốn hóa của thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu đã đạt mức trên 100% GDP, so với mức 130% GDP của dư nợ tín dụng ở thời điểm hiện tại, cho thấy thị trường tài chính - tiền tệ của Việt Nam đang từng bước đạt được cơ cấu cân bằng, vững chắc hơn so với trước đây.

Ông Dũng cũng chỉ ra những yếu tố chính hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ nhất, về vĩ mô, tốc độ tăng trưởng GDP dự báo sẽ đạt mức trên 6,7% trong năm nay và được dự báo duy trì ở mức cao cho 5 năm tiếp theo, trong khi lạm phát được kiềm chế dưới mức mục tiêu, tỷ giá tương đối ổn định và mặt bằng lãi suất vốn được duy trì ở mức hợp lý.

“Quan điểm phát triển của Việt Nam đang có sự chuyển dịch: chính thức coi kinh tế tư nhân và phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Đây là điều kiện rất cơ bản tạo nền tảng cho sự phát triển tiếp theo của thị trường vốn – thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới”, ông Dũng nhận định.

Thứ hai, chủ trương và kế hoạch cụ thể đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn trong thời gian tới của Chính phủ sẽ cung cấp một lượng hàng hóa có chất lượng cho thị trường.

Trong 9 tháng năm 2017, Chính phủ đã cổ phần hóa thành công 34/44 doanh nghiệp nhà nước nằm trong kế hoạch. Chính phủ cũng đã công bố kế hoạch cổ phần hóa thêm 64 doanh nghiệp trong năm 2018; trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone và nhiều doanh nghiệp lớn khác trong ngành vàng bạc đá quý, bất động sản, phát điện,…

Năm 2019, mặc dù kế hoạch của Chính phủ dự kiến chỉ cổ phần hóa thêm 18 doanh nghiệp, nhưng có thể nhìn thấy nhiều tên tuổi lớn, hấp dẫn như Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản…

Từ nay đến cuối năm, một số doanh nghiệp sẽ được đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa như Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam và thực hiện đẩy mạnh bán cổ phần tại Tổng Công ty cổ phần Bia- Rượu- nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Như vậy, trong thời gian 1-2 năm tới, hàng trăm doanh nghiệp nhà nước sẽ được thực hiện cổ phần hóa và tham gia niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ tăng trưởng về quy mô và tạo ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thứ ba, một số sản phẩm sắp tới sẽ được đưa vào giao dịch trên thị trường chứng khoán sẽ làm tăng tính hấp dẫn, tăng cơ hội đầu tư. Trong các sản phẩm sắp tới có chứng quyền bảo đảm dự kiến đưa vào giao dịch vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ (bond futures) sẽ được đưa vào giao dịch, trong năm 2018.

Một số chứng khoán phái sinh khác đang được tiếp tục nghiên cứu để đưa vào giao dịch trong năm 2019 và 2020, đáp ứng nhu cầu đầu tư và nhu cầu phòng ngừa rủi ro cho thị trường cơ sở.

Thứ tư, khuôn khổ pháp lý cho thị trường vốn, thị trường chứng khoán sẽ được tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới; trong đó Bộ Tài chính dự kiến sẽ hoàn thành việc sửa đổi Luật Chứng khoán trong năm 2019.

Cùng với Luật Doanh nghiệp 2015 và các luật liên quan, Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu, tạo khung khổ pháp lý cho các sản phẩm mới trên thị trường, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thanh tra, giám sát.

Còn theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Việt Nam là một trong 7 thị trường chứng khoán có tốc độ phát triển nhanh trong 2 năm vừa qua. Trong 9 tháng năm 2017, chỉ số chứng khoán đã tăng khoảng 21%; hàng hóa vào thị trường cũng đã được đa dạng hóa mà cụ thể là thị trường chứng khoán phái sinh đi vào hoạt động, đã bổ sung hàng hóa chứng khoán phái sinh.

Giá chứng khoán ở Việt Nam vẫn còn tương đối hấp dẫn với chỉ số P/E (hệ số giá trên thu nhập một cổ phiếu) ở Việt Nam khoảng 17 lần, mức này hấp dẫn hơn so với thị trường chứng khoán của Trung Quốc, Indonesia và Philippines.

Theo ông Nguyễn Việt Đức, chuyên gia cao cấp chiến lược thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán MB- MBS, vấn đề của các quỹ ngoại không phải là tiền bởi lẽ thị trường Việt Nam còn rất nhỏ bé so với khu vực và thế giới. Vấn đề chính là hàng hóa và thanh khoản.

Năm 2017 khi có nhiều công ty có chất lượng được niêm yết với quy mô đủ lớn thì nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua từ rất sớm và rất mạnh, như trường hợp của Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPbank), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX), Công ty cổ phần Hàng không VietJet (Vietjet).

Thanh khoản cao của thị trường cũng giúp cho các quyết định đầu tư của quỹ ngoại dễ dàng hơn vì nhiều quỹ sẽ bị rằng buộc bởi yếu tố này, chẳng hạn phải bán hết danh mục trong vòng 5-10 ngày khi cần thiết.

Ông Đức cũng cho rằng, với định giá P/E hiện nay của Việt Nam là 16.75 và P/E 2018 là 14.91 lần, thị trường Việt Nam hiện nay có định giá tương đương các thị trường trong khu vực Đông Nam Á.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, để nhà đầu tư ngoại nói chung và quỹ ngoại nói riêng tham gia thị trường chứng khoán bền vững thì điều quan trọng là Việt Nam phải kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, đặc biệt là thúc đẩy chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

“Cần phải đảm bảo thị trường, nhất là thị trường chứng khoán hoạt động minh bạch để giảm thiểu sở hữu chéo cũng như thao túng thị trường”, ông Lực nhấn mạnh. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường chứng khoán và yêu cầu các tổ chức kinh doanh chứng khoán hoạt động minh bạch có quản trị công ty và quản lý rủi ro theo thông lệ.

Còn theo ông Nguyễn Việt Đức, chuyên gia cao cấp chiến lược thị trường Công ty cổ phần chứng khoán MB- MBS, những vấn đề chính mà nhà đầu tư nước ngoài vẫn yêu cầu Việt Nam cải thiện là cần công bố thông tin bằng tiếng Anh, hoặc những hạn chế như đồng tiền của Việt Nam chưa được tự do chuyển đổi và room hiện vẫn hạn chế ở một số ngành nghề.

Cái khó là các yếu tố trên đây đều là các điểm yếu chung của đa số thị trường mới nổi trong khi việc đánh giá của MSCI ( Morgan Stanley Capital International là một tổ chức chuyên xây dựng các bộ chỉ số thị trường nhằm mục đích hỗ trợ nhà đầu tư quốc tế trong việc đánh giá cơ hội đầu tư trên phạm vi toàn cầu) có thể có những yếu tố định tính.

“Do vậy, cá nhân tôi cho rằng cần có cơ chế tương tác với MSCI và nhà đầu tư tổ chức nước ngoài để chúng ta có thể hiểu được các đánh giá của họ rồi đáp ứng trong khả năng cho phép”, ông Đức nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục