Start-up Việt Nam: Nhìn thẳng vào thất bại để tồn tại và thành công

18:51' - 03/03/2018
BNEWS Start-up là con đường đầy thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội. Vấn đề là bản thân có dám chấp nhận thử thách và biết tìm cách vượt qua các thử thách đó để tiếp tục để tồn tại hay không.
Các diễn giả tại buổi Start-up talk. Ảnh: Trần Tình

Tại buổi Start-up talk “Hướng đi cho Start-up Việt Nam trên đấu trường quốc tế” do Tập đoàn Trung Thuỷ (TTG Holding) tổ chức ngày 3/3 tại Tp. Hồ Chí Minh, ông Edward Jung, đồng sáng lập Window NT (Top 12 nhà phát minh trong lịch sử thế giới với hơn 1.000 bằng sáng chế trong lĩnh vực y tế, máy tính, mạng, năng lượng, khoa học vật liệu) cho rằng, start-up là con đường đầy thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội.

Vấn đề là bản thân có dám chấp nhận thử thách và biết tìm cách vượt qua các thử thách đó để tiếp tục để tồn tại hay không. Mặt khác, thành công không thể chỉ đến một mình mà cần cộng sự. Tuy nhiên phải thấy rằng, khi hợp tác với cộng sự thì cũng đồng nghĩa với việc chia sẻ thành công và các rủi ro, thất bại.

“Việt Nam có nhiều lợi thế cho phong trào Start-up, nhất là chi phí nhân công. Ở đây có những doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm đặc biệt như công nghệ bán dẫn, dây tóc bóng đèn… Ngoài ra, phong trào Start-up Việt Nam có thể khai thác nền công nghiệp ứng dụng trên điện thoại di động, nơi mà giới trẻ toàn cầu đang dành nhiều thời gian trong một ngày cho điện thoại di động”, ông Edward Jung chia sẻ thêm.

Trong khi đó, ông Max Scheichenost, đối tác sáng lập Alps Venture, đồng sáng lập hơn 15 Startup tại Việt Nam và thế giới cho rằng, phong trào Start-up Việt Nam đang vào thời điểm bùng cháy và có nhiều cơ hội như Châu Âu vào những năm 2010, 2011. Vấn đề là doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình khởi nghiệp nên nghĩ rộng ra thị trường khu vực và quốc tế hơn chỉ nhắm vào thị trường nội địa.

Bà Trần Mai Hương, đồng sáng lập Coco Sin (thương hiệu thời trang đầu tiên tại Việt Nam) chia sẻ những thất bại trong quá trình thành lập thương hiệu Coco Sin nhưng nhờ đó càng có quyết tâm thực hiện ý tưởng đến cùng. Vì thế thương hiệu Coco Sin đã thành công trong việc xuất khẩu đồ thủ công mỹ nghệ của Việt Nam ra thị trường quốc tế.

Dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, ông Kiên Vũ, phụ trách đề án số hoá quy hoạch đô thị bản đồ (thuộc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh) chia sẻ thành công mô hình cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp.

Theo ông Kiên Vũ, trước khi có dự án nói trên, người dân phải đến cơ quan hành chính thành phố chờ đợi 15-20 ngày để có thông tin quy hoạch đất đai, tốn kém thời gian và sự phiền hà. Tuy nhiên khi thực hiện đề án số hoá quy hoạch đô thị, người dân, doanh nghiệp chỉ cần thao tác trên ứng dụng điện thoại di động trong khoảng 2 giờ là có thể có được các thông tin quy hoạch.

Ngoài ra đề án này cũng giúp các cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra, quản lý nhanh chóng hơn các quy hoạch đô thị được giao.

>>> Cơ hội nhận 30.000 USD từ chương trình Tăng tốc khởi nghiệp du lịch vùng Mê Kông

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục