Sóng gió trên chính trường Brazil chưa thấy hồi kết

07:07' - 28/07/2017
BNEWS Cuộc khủng hoảng chính trị tại Brazil bước vào giai đoạn mới sau khi Ủy ban Hiến pháp và Tư pháp Hạ viện bác bỏ cáo buộc Tổng thống Michel Temer phạm tội tham nhũng liên quan đến vụ bê bối Petrobras.
Tổng thống Brazil Michel Temer tại một sự kiện ở Brasilia ngày 13/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng lúc đó, trong một phiên tòa sơ thẩm ngày 12/7, Thẩm phán liên bang Sergio Moro, người thụ lý điều tra vụ bê bối của Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras, đã tuyên án 9 năm rưỡi tù giam đối với cựu Tổng thống Lula da Silva (2003-2010).

Phán quyết cho rằng ông Lula da Silva đã nhận một căn hộ trị giá 2,2 triệu real (tương đương 690.000 USD) từ một công ty xây dựng, giúp họ giành được các hợp đồng khống để hợp tác với một nhà máy lọc dầu.

Mặc dù đã có nhiều diễn biến mới diễn ra trong tuần qua, sóng gió trên chính trường Brazil dường như vẫn chưa thể đi tới hồi kết.

Cả hai sự việc trên đều phơi bày mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng chính trị tại Brazil, bởi đây là lần đầu tiên trong lịch sử nền kinh tế số một Mỹ Latinh này, một Tổng thống đương nhiệm bị yêu cầu đưa ra xét xử trong một tòa án hình sự và cũng là lần đầu một cựu Tổng thống bị tuyên án tù giam.

Trong tuần vừa qua, Quốc hội đã bắt đầu thảo luận về việc có cho tiến hành một phiên xét xử đương kim Tổng thống trung hữu Michel Temer, người bị cáo buộc đã nhận khoản đút lót trị giá 150.000 USD, bất chấp việc ông Temer cũng đã bác bỏ những lời tố cáo này.

Các luật sư của ông Lula cho biết ông chỉ là nạn nhân của một “cuộc điều tra mang động cơ chính trị”. Quyết định có đưa ông Temer ra xét xử tại tòa án hình sự hay không sẽ do Hạ viện quyết định trong phiên bỏ phiếu toàn thể dự kiến diễn ra vào ngày 2/8 tới.

Ông Temer sẽ vẫn được tự do trong thời gian kháng cáo, nhưng phán quyết này sẽ khiến nỗ lực tái đắc cử tổng thống của ông vào năm 2018 trở nên khó khăn hơn nhiều.

Mặt khác, điều đó cũng làm dấy lên những tranh cãi xung quanh chiến dịch “Rửa xe” với danh nghĩa một cuộc điều tra bê bối rửa tiền dài hơi, liệu có phải là một chiến dịch nhằm triệt tiêu những kẻ bất đồng chính kiến hay không.

Chiến dịch này đã vượt ra ngoài các liên đoàn công ty xây dựng từng được hưởng các hợp đồng hào phóng quá mức từ Petrobras thông qua các khoản hối lộ cho các quan chức và chính trị gia. Trọng tâm gần đây nhất là JBS, công ty giết mổ gia súc lớn nhất thế giới.

Hai ông chủ Joesley và Wesley Batista của công ty này đã thừa nhận bỏ ra tổng cộng tới 185 triệu USD để hối lộ hàng trăm chính trị gia. Trong một đoạn băng ghi âm cuộc gặp kín giữa ông Joesley Batista và Tổng thống Temer, ông Joesley ngụ ý rằng một trong các giám đốc quản lý của ông ta đã đưa tiền cho một trợ lý của tổng thống, gốc rễ của tội danh tham nhũng.

Sóng gió trên chính trường Brazil chưa thấy hồi kết. Ảnh: Reuters

Bằng cách dùng chiến thuật hứa hẹn “không bị bỏ tù” và thương lượng với các luật sư để thay đổi lời biện hộ của các bị cáo, các công tố viên đã thu thập được những lời thú tội và các bằng chứng để đi đến kết tội một số nhân vật sừng sỏ nhất trong giới doanh nghiệp và chính trị gia của đất nước.

Tuy nhiên, họ cũng biện luận rằng những cuộc điều tra dài hơi trong chiến dịch "Rửa xe" đang cướp đi sự ổn định chính trị mà đất nước cần có.

Giáo sư Ricardo Caldas, Đại học Brasilia (UnB), nhận định tuần qua là một tuần thắng lợi đối với chính phủ tại Quốc hội, trong đó có việc cơ quan lập pháp đã thông qua dự thảo Luật Lao động, mặc dù vậy ông Temer vẫn phải đối mặt với nhiều trở ngại để có thể kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của mình vào cuối năm 2018.

Theo ông Caldas, hiện tại ông Temer, người chỉ nhận được 7% phiếu ủng hộ, đang giành lợi thế về mặt thời gian, nhưng nhiều khả năng ông này chỉ có thể trụ được tới hết năm. Không chỉ gặp rắc rối trên mặt trận chính trị, chính phủ của ông Temer cũng gặp nhiều khó khăn trong lĩnh vực kinh tế bởi những hy vọng về việc nền kinh tế được cải thiện trong năm nay còn quá hạn chế.

Ngày 14/7 vừa qua, Ngân hàng trung ương Brazil thông báo kinh tế nước này trong tháng 5/2017 tăng trưởng -0,51% so với tháng trước đó. Con số này đã khiến các chuyên gia vô cùng lo ngại bởi nó nằm ngoài dự đoán và khiến người ta nghi ngờ những dự báo về việc Brazil có thể thoát khỏi suy thoái trong năm nay.

Triển vọng khả quan của nền kinh tế Brazil trở nên xa vời có lợi cho những ai chỉ trích chính phủ của ông Temer, tuy nhiên hoàn cảnh của cựu Tổng thống Lula, người đứng đầu phe đối lập, cũng khó khăn không kém ông Temer và có thể trở nên tồi tệ hơn trong những tháng tới.

Theo các kết quả thăm dò, ông Lula sẽ dẫn đầu và bỏ xa các chính trị gia khác nếu ông ra tranh cử chức Tổng thống vào năm 2018. Bên cạnh đó, nếu ông Lula bị kết tội trong phiên tòa vòng hai, ông này sẽ bị mất quyền tham gia cuộc bầu cử.

Công ty tư vấn chính trị Eurasia Group nhận định rằng tình trạng ngày càng có nhiều chính trị gia dính líu tới tham ô và sự phản đối quyết liệt của người dân đối với hệ thống chính trị sẽ khiến các cử tri mong muốn có sự thay đổi triệt để trong kỳ bầu cử năm 2018.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục