Sóc Trăng quy hoạch, phát triển sản xuất rau sạch

16:18' - 11/09/2017
BNEWS Tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu có 60.000 ha rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày. Trong sản xuất rau màu, tỉnh quy hoạch, định hướng người dân sản xuất rau sạch theo hướng hiệu quả, an toàn và bền vững.
Vườn rau sạch trồng trong nhà lưới tại huyện Mỹ Xuyên. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.

Để đạt được mục tiêu trên, ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo mỗi địa phương phải có ít nhất một mô hình điểm sản xuất rau an toàn trên rau màu, từ đó làm cơ sở để nhân rộng mô hình.

Mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất một điểm hoặc cửa hàng kinh doanh sản phẩm rau sạch để phục vụ người dân trên địa bàn.

Một số địa phương như huyện Mỹ Xuyên, thành phố Sóc Trăng và các huyện Châu Thành, Trần Đề… thực hiện khá tốt chủ trương của ngành. Tuy nhiên, khó khăn trong sản xuất rau an toàn tại Sóc Trăng hiện nay là thiếu điểm kinh doanh sản phẩm rau sạch.

Tổ hợp tác sản xuất rau sạch Ngọc Minh, ấp Đại Nghĩa Thắng, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên là một trong những tổ hợp tác sản xuất rau sạch của tỉnh Sóc Trăng.

Được thành lập từ tháng 3/2017, tổ có 11 thành viên tự nguyện tham gia. Hiện 3 trong 11 thành viên đã sản xuất rau trong nhà lưới. Định hướng mỗi thành viên trong tổ sẽ sản xuất chuyên về một loại rau để cung ứng đều đặn mỗi ngày cho thị trường.

Bà Đào Thị Ngọc Điệp, Tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất rau sạch Ngọc Minh cho biết, nỗi lo của tổ hợp tác hiện nay là đầu ra cho sản phẩm. Cụ thể, 6 công đất (6.000m2) trồng rau sạch trong nhà lưới của gia đình cho thu hoạch khoảng 150 kg/ngày.

Nếu tính cả diện tích của các thành viên khác, sản phẩm nhiều quá sẽ bán không hết. Tổ hợp tác mong muốn sớm được hỗ trợ, có địa điểm bán rau sạch tại thành phố Sóc Trăng.

Để giải bài toán cho đầu ra của rau sạch, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng chủ trương kêu gọi sự hợp tác của ngành giáo dục, quân đội và các công ty đóng chân trên địa bàn để hợp đồng cung ứng rau sạch trong các bếp ăn tập thể, bếp ăn nội trú.

Nhưng số lượng cơ quan, đơn vị hợp đồng với các điểm sản xuất rau sạch hiện nay khá ít, chủ yếu là trường mầm non và trường mẫu giáo nên lượng rau thu mua không nhiều.

Về điểm kinh doanh sản phẩm rau sạch, hiện các huyện như Mỹ Xuyên, Thạnh Trị và thành phố Sóc Trăng đã có điểm kinh doanh và cung ứng rau sạch.

Tuy nhiên, để việc sản xuất, phát triển rau sạch bền vững cần có sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền các cấp trong việc xem xét, hỗ trợ cơ sở vật chất và tuyên truyền, nâng cao ý thức người tiêu dùng hướng đến rau sạch để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bên cạnh đó, cần tính toán hợp lý bài toán về cung - cầu, tăng cường liên kết tạo chuỗi cung ứng liên tục cho thị trường thì vấn đề phát triển rau sạch tỉnh Sóc Trăng mới bền vững.

Ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo: Để sản xuất và hình thành chuỗi sản xuất rau sạch cho người tiêu dùng, Chi cục khuyến cáo người dân giữ chữ tín hàng đầu.

Hiện các biện pháp kỹ thuật trồng rau sạch tương đối đảm bảo lợi nhuận cho người dân. Vì vậy, người dân không nên bất chấp vì lợi nhuận dẫn đến mất chữ tín với người tiêu dùng.

Giải thích vấn đề này, một số người trồng rau cho biết, thực tế việc sản xuất rau sạch làm cho rau có trọng lượng nhẹ hơn khoảng 30% so với rau thông thường.

Nhưng do không sử dụng phân bón hóa học nên chi phí đầu tư giảm khoảng 50%. Cùng với đó, sản xuất rau an toàn thì tỷ lệ hao hụt và thất thoát sau thu hoạch thấp hơn so với rau thông thường. Với sự tính toán này, việc bán rau sạch bằng giá rau thường, người dân vẫn có lời.

Hiện ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã liên kết với trường Đại học Cần Thơ để sản xuất rau sạch chỉ sử dụng phân khoáng hữu cơ tại xã Đại Hải, huyện Kế Sách nhằm tìm ra những phương pháp sản xuất rau sạch hiệu quả.

Chủ trương không sản xuất nhỏ, lẻ, không “đánh trống bỏ dùi” mà liên kết chuỗi để tiến tới sản xuất rau sạch bền vững là một trong những hướng đi mà ngành nông nghiệp tỉnh quan tâm, đẩy mạnh trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục