Số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội có xu hướng chững lại

21:25' - 17/08/2017
BNEWS Trong tuần, Hà Nội ghi nhận 3.440 trường hợp mắc sốt xuất huyết, so với tuần trước số mắc giảm 7 trường hợp, có xu hướng chững lại.
Số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội có xu hướng chững lại. Ảnh minh họa: Minh Quyết – TTXVN

Chiều 17/8, tại cuộc họp về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết: Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 90.626 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 24 trường hợp tử vong; trong đó 76.846 trường hợp mắc bệnh đã nhập viện. So với cùng kỳ năm 2016 (54.003/17) số mắc tăng 67,8%, số tử vong tăng 7 trường hợp. 

Số trường hợp mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội có xu hướng chững lại

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, năm 2017, tính đến hiện tại, theo số mắc tuyệt đối, Hà Nội đứng thứ 2 cả nước (sau Thành phố Hồ Chí Minh); tính số mắc trên 100.000 dân thì Hà Nội đứng thứ 3 trong cả nước (sau Đà Nẵng và Bình Dương). Trong tuần, Hà Nội ghi nhận 3.440 trường hợp mắc sốt xuất huyết, so với tuần trước số mắc giảm 7 trường hợp, có xu hướng chững lại; tỷ lệ mắc/100.000 dân là 196,6. Như vậy, tính từ ngày 1/1/2017 đến ngày 16/8/2017, Hà Nội ghi nhận 17.027 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, 7 trường hợp tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện; tập trung chủ yếu tại khu vực nội thành. Số bệnh nhân đang điều trị nội trú tại bệnh viện 2.588, (chiếm 15%); ghi nhận có xu hướng giảm trong những ngày gần đây.

Tại Hà Nội, hàng năm số mắc ghi nhận rải rác từ đầu năm và thường bắt đầu gia tăng từ tháng 7, tháng 8, sau đó tăng mạnh trong tháng 9 và tháng 10, đỉnh dịch thường rơi vào tháng 11. Tuy nhiên năm 2017, dịch đến sớm từ đầu tháng 5 và gia tăng nhanh trong các tháng 6 và tháng 7.

Tăng cường phun hóa chất diệt muỗi

Cục trưởng Trần Đắc Phu nhấn mạnh: Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố kiện toàn và duy trì mạng lưới cộng tác viên; họp với các Cục, Vụ và các đơn vị cung cấp để giải quyết tình hình thiếu dịch truyền tại một số bệnh viện; tăng cường công tác giám sát với nhiều đoàn đi kiểm tra thường xuyên.

Đồng thời, Bộ Y tế đã tăng cường 6 đội cơ động của 2 Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Sốt rét – Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương giám sát, hỗ trợ kỹ thuật, đặc biệt trong phun hóa chất và giám sát véc tơ. Đặc Biệt, Hà Nội đã thành lập 26.038 đội xung kích với 63.119 người tại 584/584 xã, phường. Từ ngày 12 - 16/8, các đội xung kích đã kiểm tra được trên 1.300.000 hộ trên tổng số 1.838.906 hộ (đạt tỷ lệ 73%), kiểm tra tổng số trên 2.700.000 dụng cụ chứa nước và đã xử lý 400.876 dụng cụ chứa nước có bọ gậy...

 Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội tổ chức phun thuốc diệt muỗi trên địa bàn phường Trung Liệt. Ảnh: Thành Đạt – TTXVN

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Hiệu quả phun muỗi tại cộng đồng và gia đình đã làm cho mật độ muỗi giảm rõ rệt. Số ca bệnh có xu hướng giảm so với tuần trước. Như vậy, có xu hướng giảm muỗi và giảm ca mắc bệnh.

Tuy nhiên, để việc phòng chống dịch hiệu quả, Bộ trưởng đề nghị công tác truyền thông phải đi trước một bước, tập trung tuyên truyền về ổ chứa muỗi, loăng quăng; những dấu hiệu của bệnh và hướng dẫn điều trị khi mắc bệnh.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu: Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương bắt một số loài muỗi để phân lập muỗi. Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương tăng cường tập huấn cho tuyến dưới về dịch tễ học thực địa...

Để phòng bệnh hiệu quả, hoạt động phun thuốc diệt muỗi vẫn phải tiếp tục tăng cường; đặc biệt là phun trên diện rộng ở bệnh viện, trường học, khu đất trống, công trường xây dựng...

Đồng thời, Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cần tổ chức tập huấn lại về những vấn đề liên quan đến điều trị sốt xuất huyết cho cả người lớn và trẻ em…/.

>>> Công khai điện thoại đường dây nóng bệnh viện tư vấn về sốt xuất huyết

>>> Mức độ nguy hiểm của sốt xuất huyết so với các loại sốt khác

>>> Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có gì đặc biệt hơn muỗi thông thường?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục