Sạt lở đất tại xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, Nghệ An

10:36' - 27/10/2017
BNEWS Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới ngày 9/10, địa bàn xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An có mưa lớn, gây sạt núi, gần hai mươi nhà dân tại các xóm 2, 3, 4, 5, 6 và 10 có nguy cơ bị vùi lấp.

Điều đáng nói, gần 20 ngày trôi qua, nhiều hộ dân nơi đây vẫn phải sống chung với đất sạt lở, bởi chưa thể khắc phục được sự cố do thời tiết chưa nắng ráo.

Sạt lở đất tại xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Ảnh minh họa: Văn Đức/TTXVN

Sống ở dưới chân Rú Trét đã 30 năm, đối với gia đình ông Trần Văn Hà, xóm 10, xã Nam Lộc, đây là đợt mưa lớn gây sạt lở nặng nề nhất. Đất sạt lở đã đâm thủng 5m2 bờ tường hậu phòng ngủ, làm hư hỏng nhà cửa và một số tài sản khác, uy hiếp an toàn tính mạng của các thành viên trong gia đình.

Nhờ sự hỗ trợ của lực lượng dân quân tự vệ, công an xã, các thành viên và một số tài sản của gia đình ông đã được di dời đến nơi an toàn.

Hiện gia đình ông chuyển sang sống nhờ nhà người em trai bên cạnh. “Chưa năm nào xảy ra tình trạng sạt lở núi như năm nay và gây thiệt hại nặng nề cho gia đình. Không những thế còn tác động đến tâm lý các thành viên trong gia đình rất lo lắng, cứ thấy thông báo mưa bão là không dám ngủ.

Rất mong các cấp chính quyền giải quyết, hỗ trợ cho gia đình san ủi đất đá để chúng tôi nhanh chóng tu sửa nhà cửa, đảm bảo cuộc sống gia đình”, ông Trần Văn Hà đề nghị.

Tương tự, gia đình bà Võ Thị Hương gom góp mãi mới xây dựng được cho con trai một căn nhà. Mới vào ở chưa được một tháng, ảnh hưởng của cơn bão số 10 và áp thấp nhiệt đới khiến sạt lở núi, đất đá đổ xuống tràn vào che lấp cánh cửa hậu và công trình phụ.

Nhìn đống đất đá đổ vào nhà, gia đình bà Hương không khỏi xót xa. “May mắn là không ai trong gia đình bị thương tích, thiệt hại về người. Chúng tôi mong muốn cấp trên xử lý đất sạt lở để ổn định cuộc sống”, bà Hương nói.

Theo thống kê sơ bộ, độ dài sạt lở của đồi rú Trét là hơn 250m, độ cao khoảng 50 m. Toàn bộ khối lượng đất đá sạt lở đã tiến sát vào nhà dân, gây nhiều thiệt hại về tài sản của nhân dân.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở là do kết cấu địa chất ở đây không ổn định, đất chủ yếu là đất sỏi cốm, rời rạc, nên khi mưa lâu ngày sẽ khiến hở chân núi, tạo nên vết nứt tương đối dài và tình trạng sạt lở đất đã diễn ra.

Ông Nguyễn Văn Quảng, cán bộ địa chính xã Nam Lộc cho biết, trước tình hình trên, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã khẩn trương di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Đồng thời, giúp dân nạo vét bùn đất, khơi thông dòng chảy để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nhân dân. Xã đã huy động máy móc vào để san ủi, xúc đất đi.

Tuy nhiên, thời gian này, thời tiết vẫn còn mưa, đất bùn nhão chưa thể đưa máy móc vào làm được. Vì vậy, phải chờ đợi thêm thời gian nữa, thời tiết hoàn toàn tạnh ráo, đất khô mới có thể tiến hành công việc.

Về lâu dài, địa phương kiến nghị với tỉnh, các cấp, ngành, cơ quan chuyên môn tiến hành khảo sát thổ nhưỡng tại khu vực này để lập dự án xin kinh phí hỗ trợ chống sạt lở.

“Tuy nhiên, trước mắt, để đảm bảo an toàn cho người và tài sản của những hộ dân sống ven chân núi, xã Nam Lộc đã tính đến giải pháp chống sạt lở đất như: xã phối hợp với các gia đình thuê máy múc đất tạo thành 2 đến 3 cấp, mỗi cấp rộng 3,5m, tùy theo địa hình cụ thể từng gia đình, diện tích xin cải tạo khắc phục khoảng 3.500m2.

Trong quá trình cải tạo, dự kiến số lượng đất khoảng 10.500m3 đất, số lượng đá UBND xã Nam Lộc tận dụng để đắp các trục đường nội đồng, cơ sở hạ tầng của xã theo chương trình nông thôn mới”, ông Hoàng Nghĩa Hùng, Chủ tịch UBND xã Nam Lộc cho biết./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục