Sản xuất mía đường thời hội nhập – Bài 1: Công nghệ lạc hậu, giống chất lượng thấp

10:40' - 26/02/2018
BNEWS Trong số 10 nhà máy mía đường tại Đồng bằng sông Cửu Long thì đến nay đã có 4 nhà máy phải đóng cửa do sản xuất không hiệu quả.
Nhà máy đường Thành Thành Công đang tiếp nhận mía tại nhà máy của người dân. Ảnh: Thanh Tân-TTXVN
Nông dân đang thu hoạch mía tại đồng ở huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Thanh Tân-TTXVN

Nguyên nhân chính là sản phẩm đường không thể cạnh tranh giá bán với mặt hàng đường từ các nước khu vực ASEAN.

Đây chỉ là những hậu quả ban đầu thời hội nhập ASEAN đối với sản xuất mía đường khi công nghệ nhà máy lạc hậu, diện tích trồng mía nhỏ lẻ, sử dụng nhiều nhân công và giống kém chất lượng.
* Tồn kho hơn 200.000 tấn đường
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến hết tháng 1/2018, các nhà máy đường trong cả nước còn tồn kho hơn 200.000 tấn đường. Nguyên nhân chủ yếu là giá đường thị trường thấp, nếu nhà máy xuất bán sẽ bị lỗ.

Số nhà máy đường tại Đồng bằng sông Cửu Long đã phải đóng cửa do sản xuất đường không bán được chắc sẽ chưa dừng lại ở con số 4, nếu hàng trăm tấn đường còn tồn kho ở những nhà máy còn lại, cũng như hàng loạt tồn tại trong sản xuất mía đường không sớm được giải quyết.
Theo ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (CASUCO), đến nay CASUCO còn tồn kho hơn 30.000 tấn đường các loại.

Do giá đường vào thời điểm đầu vụ ép (tháng 10/2017), dao động từ 13.000 đến 13.500 đồng/kg, giảm từ 2.000 đến 2.500 đồng/kg so cùng kỳ năm 2016; qua tháng 1/2018 và kéo dài đến nay giá đường chỉ còn 12.500 đồng/kg, trong khi chi phí sản xuất đường của CASUCO là hơn 15.000 đồng/kg.
Ông Phạm Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị CASUCO, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, đến nay đã có 4/10 nhà máy đường vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải đóng cửa trước sức ép hội nhập.

Bởi mặt hàng đường đang chịu ảnh hưởng lớn nhất và tác động mạnh mẽ tới các doanh nghiệp mía đường khi thuế nhập khẩu đường của các nước ASEAN từ 30% xuống còn 5% trong năm 2018 và dự báo sẽ còn khó khăn hơn khi thuế suất nhập khẩu 0% vào năm 2020.
Nguyên nhân chính làm hàng trăm nghìn tấn đường khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiêu thụ chậm, giá bán giảm mạnh trong vụ ép mía đang diễn ra là do khách hàng chờ sang năm 2018 mới mua với giá rẻ hơn khi Việt Nam hạ thuế nhập khẩu mặt hàng đường.

Hiện lượng đường Thái Lan vào thị trường Việt Nam đang tăng mạnh với giá thấp hơn đường trong nước khoảng 1.000 đồng/kg. Từ đó, nhiều nhà máy mía đường vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang rơi vào tình trạng mất mối, không thể bán đường được giá mong muốn.
* Sản xuất lạc hậu
Gía thành sản xuất của nhiều nhà máy mía đường khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang cao hơn một số nước trong khu vực ASEAN từ 2.000 đồng/kg đến hơn 5.000 đồng/kg. Nguyên nhân do công nghệ nhà máy chậm đổi mới.

Hiện công suất ép mía của các nhà máy đường vùng Đồng bằng sông Cửu Long dao động từ 2.000 tấn mía/ngày đêm đến 3.500 tấn mía/ngày đêm.
Theo ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng Giám đốc CASUCO, tỷ lệ mía/đường trong sản xuất của các nhà máy của SASUCO rất cao, tương đương khoảng 11 kg mía mới cho ra 1 kg đường.

Nguyên nhân một phần là do công nghệ sản xuất, nhưng cái chính là chất lượng nguồn mía nguyên liệu lẫn nhiều tạp chất.
Cụ thể, chất lượng mía vùng Đồng bằng sông Cửu Long thấp nhất cả nước, bình quân mía đạt mức 9,0 chữ đường đến 9,5 chữ đường, thấp hơn từ 1 chữ đường đến 2 chữ đường so các vùng khác trong nước, do đó tỉ lệ mía/đường trong sản xuất của các nhà máy rất cao.

Ngoài ra, hộ trồng mía khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích nhỏ lẻ và manh mún, bình quân diện tích dưới 1 ha/hộ.
Mặt khác, chi phí sản xuất mía khu vực này đang ở mức cao. Tại tỉnh Hậu Giang, địa phương có diện tích mía lớn nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với trên dưới 11.000 ha, có chi phí sản xuất mía từ 740 - 761 đồng/kg.

Phần lớn chi phí sản xuất chiếm tỉ lệ cao nhất là khâu công lao động, chiếm hơn 60% tổng chi phí. Tiếp đó là mía giống và phân bón lần lượt là hơn 19% và hơn 15%. Còn lại là hơn 4% chi phí thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu.
Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang cho biết, tỉnh phấn đấu từ nay đến năm 2020 giữ ổn định vùng mía nguyên liệu tập trung khoảng 10.000 ha.

Tuy nhiên, diện tích trồng mía đang có xu hướng giảm thời gian qua, do giá thu mua mía giảm. Năm 2012, toàn tỉnh có hơn 14.000 ha mía thì đến năm 2017 chỉ còn hơn 10.000 ha mía, tập trung tại các địa phương là huyện Phụng Hiệp, thành phố Vị Thanh, thị xã Ngã Bảy và huyện Long Mỹ.
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là nơi trồng mía lớn nhất của cả nước, với diện tích xuống giống trong những năm gần đây khoảng 50.000 ha, sản lượng đường cung ứng ra thị trường nhiều năm qua ở mức khoảng 500.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, đến nay thì ngành hàng mía đường của khu vực đang gặp phải nhiều thách thức khi hội nhập ASEAN đã bắt đầu.

Trong thời gian tới, để giữ vững ổn định, cũng như phát triển bền vững mía đường vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chính quyền, doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân nơi đây đang có những động thái tích cực bắt tay thực hiện./.
Bài 2: Giải pháp để phát triển bền vững

Xem thêm:

>>>Mía đường Sơn La chi trả cổ tức 2016-2017 với tổng tỷ lệ 25%

>>>Ngành đường lo ứng phó với ATIGA

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục