Sắn rớt giá, nông dân Phú Yên chuyển sang trồng rừng kinh tế

18:33' - 03/11/2016
BNEWS Do giá sắn thấp nên nhiều hộ nông dân ở tỉnh Phú Yên đã chuyển sang trồng rừng kinh tế. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là họ không chỉ trồng rừng trên đất gò đồi mà còn trồng trên cả đất nông nghiệp.
Sắn rớt giá, nông dân Phú Yên chuyển sang trồng rừng kinh tế. Ảnh minh họa: Lê Đức Hoảnh - TTXVN
Những ngày qua, tranh thủ có mưa, nông dân ở xã Sơn Định, Sơn Long (huyện miền núi Sơn Hòa) đi mua giống cây keo về trồng rừng kinh tế. Ông Nguyễn Văn Sơn ở xã Sơn Long chở cây giống vào trồng tại khu đất trước nhà cho biết: “Trước đây nhiều hộ khai hoang gò đồi trồng sắn, mía, lâu ngày đất rửa trôi, bạc màu. Nhưng với giá hiện nay nếu tiếp tục trồng sắn không lãi nên chuyển sang trồng rừng”. 

Hiện giá gỗ nguyên liệu từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/tấn, nhưng đối với cây sắn, thương lái mua tại chân ruộng chỉ còn 500.000 - 700.000 đồng/tấn nên nông dân đang chuyển sang trồng rừng lấn cả xuống đất nông nghiệp lâu nay trồng sắn. Nguyên nhân giá sắn giảm do thời tiết có mưa, nếu không thu hoạch thì độ bột trong sắn sẽ giảm. Ngoài ra, còn có yếu tố niên vụ này bệnh rệp sáp bột hồng trên cây sắn vẫn còn xảy ra nên độ bột giảm xuống còn 15 - 20%, trong khi niên vụ trước là 25,9%. 

Với giá mua hiện nay, sau khi trừ toàn bộ chi phí như phân bón, cày bừa, vận chuyển, nông dân không có lãi bao nhiêu. Trong khi đó, với giá gỗ nguyên liệu với năng suất trung bình từ 60 - 70 tấn/ha nông dân có thể lãi được 40 - 50 triệu đồng/ha sau chu kỳ từ 5 - 7 năm trồng. 

Ông Nguyễn Văn Hoàng ở xã Sơn Định cho biết: “Với giá sắn như hiện nay thì tính ra không có lãi. Cũng diện tích đất đó trồng cây lâm nghiệp rồi đi làm mướn kiếm tiền, còn vườn cây lâm nghiệp kiểu như “của để dành” chờ 5 năm sau bán cũng được lãi khá hơn cây sắn”. 

Giám đốc Công ty TNHH lâm nghiệp Hồng (có trụ sở tại xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa), Nguyễn Văn Hồng cho hay: “Năm nay doanh nghiệp ươm 2 triệu cây keo lai giâm hom, gần gấp 3 lần năm ngoái nhưng đến nay đã có người đến đặt cọc mua hết toàn bộ số cây giống với giá bán bình quân 600 đồng/cây”. 

Điều đáng lo ngại nhất là nông dân trong vùng quy hoạch trồng sắn lại chuyển sang trồng rừng kinh tế nên có nguy cơ phá vỡ quy hoạch. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên, diện tích sắn niên vụ năm nay là 20.504 ha, giảm hơn 2.450 ha so với niên vụ trước. 

Ông Trần Quốc Huy, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đồng Xuân cho biết, phong trào trồng rừng tuy mang lại thu nhập cao cho nông dân, nhưng nguy cơ phá vỡ vùng quy hoạch sắn, mía vốn cung cấp nguyên liệu chế biến cho các nhà máy trên địa bàn. Vì vậy huyện khuyến cáo người dân không nên chạy theo giá cả, nay trồng mai chặt mà tuân thủ quy hoạch đã được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt. Nếu nông dân đổ xô trồng rừng, lo ngại thời gian sau lặp lại điệp khúc “trồng, chặt”. 

Còn trên địa bàn huyện Tây Hòa, diện tích mía theo quy hoạch là 1.100 ha nhưng nông dân chỉ trồng hơn 700 ha; diện tích còn lại trồng sắn; nhưng do bệnh rệp sáp bột hồng, giá bán thấp nên nay nông dân có xu hướng chuyển sang trồng cây lâm nghiệp. 

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tây Hòa Nguyễn Văn Tân cho hay: những ngày qua, Phòng cử cán bộ về các địa phương họp bàn vận động nhân dân không nên chạy theo lợi nhuận trước mắt mà đổ xô trồng cây nguyên liệu giấy, phá vỡ quy hoạch. Đồng thời các nhà máy sắn, đường cần có giá thu mua hợp lý để khuyến khích nông dân đảm bảo diện tích./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục