Sacombank xử lý hơn 19.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2017

09:25' - 08/01/2018
BNEWS Kết thúc năm 2017, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã xử lý được hơn 19.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng mà hơn 15.000 tỷ đồng trong số đó là thuộc Đề án tái cơ cấu.
Ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT Sacombank. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Con số này được đưa ra trong báo cáo riêng năm 2017 của ngân hàng vừa được công bố sáng 8/1.

Cụ thể, 19.000 tỷ đồng nêu trên bao gồm: thanh lý tài sản nhận cấn trừ nợ gần 2.800 tỷ đồng; bán nợ theo giá thị trường 2.600 tỷ đồng cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); tự xử lý, thu hồi nợ xấu và các khoản phải thu được hơn 14.200 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu của Sacombank giảm từ 6,68% hồi đầu năm 2017 xuống còn 4,28% vào cuối năm 2017 và dự kiến sẽ giảm về 3% trong năm 2018.

Cũng theo báo cáo này, tổng tài sản của Sacombank đạt hơn 364.000 tỷ đồng, tăng 10,6% so với đầu năm; tổng vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt gần 323.000 tỷ đồng, tăng 11,4%; dư nợ tín dụng hơn 219.000 tỷ đồng, tăng 12,6%. Đặc biệt, tỷ suất sinh lời của ngân hàng dần được cải thiện với tổng thu nhập đạt 8.200 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước, tạo nguồn lực tài chính để xử lý các tồn đọng.

Năm 2017, Sacombank là một trong những ngân hàng có hoạt động tái cơ cấu diễn ra mạnh mẽ nhất, đặc biệt trong 6 tháng cuối năm sau khi Đại hội đồng cổ đông được tổ chức ngày 30/6 bầu ra Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2017 - 2021, ông Dương Công Minh chính thức đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank. Trọng tâm của hoạt động tái cơ cấu tại Sacombank là xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng.

Năm 2017, bên cạnh công tác xử lý nợ xấu, Sacombank vẫn tiếp tục tập trung mở rộng hoạt động ngân hàng bán lẻ.

Giai đoạn 2018 – 2020, Sacombank xác định 2 nhiệm vụ chiến lược hàng đầu. Thứ nhất là đưa Sacombank tiến bước vững chắc thông qua đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu Sacombank theo Đề án, ưu tiên công tác xử lý nợ xấu để nâng cao chất lượng tài sản qua đó hạ giá thành vốn huy động; mặt khác nâng cao khả năng thích ứng với sự thay đổi của thế giới kinh doanh đang thay đổi bằng kế hoạch tái cơ cấu thượng tầng kiến trúc và tái cấu trúc hạ tầng cơ sở nhằm đẩy mạnh nghiệp vụ bán lẻ, doanh thu từ dịch vụ nhằm đóng góp rất tích cực vào lợi nhuận của ngân hàng.

Thứ hai là tăng cường sức cạnh tranh bằng chiến lược khác biệt hóa, kết hợp với chiến lược tối ưu hóa chi phí và bằng việc mở rộng các mối quan hệ hợp tác, liên kết, kế cả hợp tác, liên kết với các tổ chức tín dụng và các định chế tài chính trong và ngoài nước nhằm giảm bớt áp lực cạnh tranh trong phạm vi nội ngành, với phương châm “Đồng hành cùng phát triển”, quyết tâm đưa Sacombank trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại, đa năng hàng đầu Việt Nam và vươn tầm Khu vực./.

>>> Các ngân hàng lớn lần lượt báo lãi khủng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục