Sản xuất thức ăn nhân tạo, góp phần bảo tồn loài Tê tê Java

08:28' - 14/01/2018
BNEWS Việt Nam hiện có hai loài Tê tê là: Tê tê Java và Tê tê vàng, là loài động vật quý hiếm rất cần được bảo tồn.
Sản xuất thức ăn nhân tạo, góp phần bảo tồn loài Tê tê Java. Ảnh minh họa: TTXVN

Hiện nay, loài Tê tê Java đang được cứu hộ, bảo tồn tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình. Nguồn thức ăn cho Tê tê Java chủ yếu là thức ăn tự nhiên nhưng nguồn thức ăn này ngày càng khan hiếm, không đáp ứng được nhu cầu và số lượng ngày càng tăng của Tê tê tại địa phương.

Nhằm phục vụ công tác cứu hộ, bảo tồn Tê tê trên toàn quốc, anh Trần Quang Phương, Quản lý Chương trình bảo tồn thú ăn thịt và Tê tê (Chương trình hợp tác giữa Vườn Quốc gia Cúc Phương và Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn động vật hoang dã) đã nghiên cứu sản xuất thức ăn nhân tạo thay thế thức ăn tự nhiên từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương cho loài Tê tê Java. Giải pháp được đánh giá cao, đoạt giải Ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Ninh Bình lần thứ VIII (2016 -2017).
Trực tiếp nghiên cứu, chăm sóc Tê tê Java tại Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật, anh Trần Quang Phương nhận thấy sự cấp bách của việc tìm ra một giải pháp thay thế nguồn thức ăn tự nhiên nhưng vẫn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng để Tê tê Java có sức khỏe tốt nhất trước khi được tái thả lại tự nhiên. Nguồn nguyên liệu nhân tạo này phải có sẵn tại địa phương và chi phí thấp, phù hợp với ngân sách cứu hộ của Trung tâm.
Năm 2010, dựa vào những kiến thức thực tiễn từ việc chăm sóc Tê tê Java và những nghiên cứu về loài này, anh Phương đã đưa ra giải pháp sản xuất thức ăn nhân tạo thay thế cho thức ăn tự nhiên cho loài Tê tê Java. Anh Phương cho biết, thông qua sản xuất nguồn thức ăn nhân tạo từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, mục tiêu của giải pháp là cải thiện, nâng cao công tác cứu hộ, phục hồi sức khỏe và tái thả lại tự nhiên đối với loài Tê tê Java được tịch thu từ các vụ săn bắt, buôn bán trái phép.
Thức ăn nhân tạo mà anh nghiên cứu sản xuất bao gồm hỗn hợp nhộng tằm và đậu tương (đậu nành). Đậu tương và nhộng tằm được luộc chín rồi đưa vào tủ lạnh làm đông cứng, sau đó xay nhỏ thành dạng bột. Hỗn hợp này được trộn với số lượng nhỏ kiến đông lạnh (tỷ lệ 40% nhộng tằm, 40% đậu tương luộc, 20% kiến).

Quy trình này được tính toán dựa vào số lượng kiến mà nhân viên có thể thu lượm được trong Vườn Quốc gia Cúc Phương và vùng đệm, đảm bảo tính bền vững để thu hoạch lâu dài, đồng thời đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho vật nuôi.

Sau quá trình áp dụng ở Trung tâm cho thấy, Tê tê Java đã chấp nhận hỗn hợp thức ăn này, tình trạng sức khoẻ được cải thiện rõ rệt do luôn được ăn no và đầy đủ chất dinh dưỡng.
Đánh giá cao giải pháp sản xuất thức ăn nhân tạo thay thế thức ăn tự nhiên từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương cho loài Tê tê Java, ông Đỗ Văn Lập, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương cho biết, thức ăn chủ yếu của Tê tê Java là mối, kiến, côn trùng nhỏ ở mặt đất, đôi khi có cả cỏ, lá cây mục.

Tuy nhiên, việc thu hoạch kiến, mối với số lượng lớn để đáp ứng được nhu cầu cứu hộ và phục hồi số lượng Tê tê được cứu hộ ngày càng gia tăng là không thể. Việc nghiên cứu, sản xuất, áp dụng, thử nghiệm nguồn thức ăn nhân tạo cho Tê tê Java tại Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật từ năm 2010 đến nay đã đem lại kết quả tốt.

Từ khi triển khai giải pháp đến nay, không cá thể động vật nào bị chết do thiếu dinh dưỡng hoặc liên quan đến thức ăn. Trung tâm đã tiến hành tái thả thành công gần 400 cá thể Tê tê Java vào tự nhiên.

Chỉ tính riêng năm 2016, Trung tâm đã phối hợp, hỗ trợ Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội cứu hộ và tái thả thành công hơn 50 cá thể Tê tê Java.
Sau khi áp dụng giải pháp cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt đối với công tác nuôi, cứu hộ Tê tê tại Vườn Quốc gia Cúc Phương bởi giá thành chế biến thức ăn nhân tạo chỉ bằng 1/2 hoặc nhỏ hơn giá thành mua kiến sống, đặc biệt là giảm áp lực phụ thuộc nguồn thức ăn tự nhiên.

Giải pháp này được đánh giá có triển vọng áp dụng, triển khai phổ biến tại các vườn quốc gia, các trung tâm cứu hộ ở Việt Nam nơi cứu hộ, bảo tồn Tê tê Java bởi nguồn nguyên liệu dễ kiếm, chi phí thấp, dễ áp dụng.
Việc cứu hộ và phục hồi để tái thả lại tự nhiên đối với loài Tê tê Java là ưu tiên hàng đầu của Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật, Vườn Quốc gia Cúc Phương. Vì vậy, việc sản xuất ra được nguồn thức ăn nhân tạo cho loài này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc góp phần làm giảm áp lực cứu hộ, quần thể các loài kiến không bị khai thác quá mức mà vẫn đảm bảo nguồn thức ăn đầy đủ, bền vững cho Tê tê Java; giúp loài này duy trì được bản năng tự nhiên khi được tái thả về tự nhiên./.

>>>Yêu cầu điều tra bổ sung vụ án hai vợ chồng “trùm” sản phẩm động vật quý hiếm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục