RBS nhất trí trên nguyên tắc với Bộ tư pháp Mỹ về số tiền phạt

17:11' - 10/05/2018
BNEWS Đây được coi là cột mốc mới đối với RBS, bởi điều đó giúp mở đường cho Chính phủ nước Anh gia tăng hoạt động bán cổ phiếu trong ngân hàng có trụ sở tại Edinburgh này.

Ngân hàng Royal Bank of Scotland (RBS) của Vương quốc Anh cho biết họ đã đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc với Bộ tư pháp Mỹ (DoJ) về việc nộp khoản tiền phạt lên tới 4,9 tỷ USD liên quan đến hành vi sai trái trong việc bán các chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản thế chấp dưới chuẩn.
Đây được coi là cột mốc mới đối với RBS, bởi điều đó giúp mở đường cho Chính phủ nước Anh gia tăng hoạt động bán cổ phiếu trong ngân hàng có trụ sở tại Edinburgh này.
RBS đã đạt được thỏa thuận trên với DoJ trong nỗ lực giải quyết các vụ điều tra mà các cơ quan chức năng Mỹ tiến hành nhằm vào các hành vi được cho là sai trái trong các hoạt động phát hành và bảo lãnh các chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản thế chấp của Mỹ trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2007.

Bước tiếp theo, hai bên sẽ cần đạt được một thỏa thuận pháp lý. Khoản tiền phạt kể trên đánh giá là thấp hơn rất nhiều so với dự báo của giới phân tích.
Trước đó, hồi tháng 7/2017, RBS cũng đã nhất trí nộp khoản tiền phạt trị giá 5,5 tỷ USD cho Cơ quan Tài chính Nhà ở Liên bang Mỹ (FHFA) cũng với lý do tương tự.
Chính phủ nước Anh hiện nắm giữ 71% cổ phần trong RBS kể từ sau khi RBS nhận được khoản cứu trợ lớn nhất thế giới trong lĩnh vực ngân hàng từ chính phủ nước này vào lúc cao điểm của khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Nguồn tin từ Bộ Tài chính nước Anh cho biết London có thể bán một phần cổ phần mà họ nắm giữ trong RBS trước mùa Hè năm nay.
Trước đó hồi cuối năm ngoái, Chính phủ nước Anh đã thông báo kế hoạch tư nhân hóa RBS, với mục tiêu cho đến năm 2023 bán lượng cổ phần trị giá 15 tỷ bảng thuộc sở hữu của chính phủ. Song London cũng cho biết kế hoạch trên chỉ có thể được thực hiện khi án phạt dành cho RBS được dàn xếp.
RBS là một trong những ngân hàng lớn cuối cùng đạt được thỏa thuận với giới chức Mỹ về vụ điều tra những hành vi tài chính sai trái đã dẫn đến cuộc khủng hoảng hồi năm 2008.

Phần lớn các ngân hàng của Mỹ đã nhất trí nộp các khoản phạt trị giá nhiều tỷ USD, trong đó Bank of America và JPMorgan là hai ngân hàng phải nộp các khoản phạt lớn nhất. Ngân hàng HSBC của nước Anh hồi tuần trước cho biết họ đã “để ra” gần 900 triệu USD để chi trả các án phạt nhằm chấm dứt các vụ điều tra của DoJ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục