Quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc có hiệu lực từ 15/4/2018

07:58' - 12/04/2018
BNEWS Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu theo quy định tại Nghị định này.

Bắt đầu từ ngày 15/4 tới đây, các cơ sở như: chung cư, khách sạn, nhà nghỉ từ 5 tầng trở lên, trường đại học, nhà trẻ, trường mẫu giáo có từ 100 cháu trở lên, bệnh viện, trụ sở cơ quan hành chính nhà nước… đều phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Không báo bảo hiểm cho các cơ sở chưa đủ tiêu chuẩn. Ảnh: TTXVN

Quy định này được nêu cụ thể trong Nghị định số 23/2018/NĐ-CP quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đã được Chính phủ ban hành vào tháng 2-2018.

* Không báo bảo hiểm cho các cơ sở chưa đủ tiêu chuẩn

Nghị định số 23/2018/NĐ-CP gồm 03 Chương, 18 Điều quy định cụ thể về điều kiện, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu; mức thu, chế độ quản lý, sử dụng nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan có liên quan và doanh nghiệp bảo hiểm trong việc thực hiện bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc...

Theo đó, cơ quan, tổ chức và các nhân quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ theo quy định của pháp luật.

Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu theo quy định tại Nghị định này. Ngoài ra, bên mua và doanh nghiệp có thể thỏa thuận mở rộng điều kiện bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tăng thêm và mức phí bảo hiểm bổ sung tương ứng.

Về mức phí bảo hiểm, đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (trừ cơ sở hạt nhân) có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm dưới 1.000 tỷ đồng: mức phí bảo hiểm được xác định bằng số tiền bảo hiểm tối thiểu nhân tỷ lệ phí bảo hiểm. Trên cơ sở mức phí bảo hiểm quy định tại điểm này, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận tăng mức phí bảo hiểm áp dụng đối với từng cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ căn cứ vào mức độ rủi ro của từng cơ sở và theo quy định pháp luật.

Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm từ 1.000 tỷ đồng trở lên và cơ sở hạt nhân: Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận mức phí bảo hiểm theo quy định pháp luật và trên cơ sở được doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm chấp thuận.

Nghị định cũng quy định số tiền bồi thường bảo hiểm với tài sản bị thiệt hại không vượt quá số tiền bảo hiểm của tài sản đó trừ đi mức khấu trừ bảo hiểm theo quy định. Giảm trừ tối đa 10% số tiền bồi thường bảo hiểm trong trường hợp cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ không thực hiện đầy đủ các quy định dẫn đến tăng thiệt hại khi xảy ra cháy nổ. Phía bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường với những khoản tiền phát sinh, tăng thêm do hành vi gian lận bảo hiểm theo quy định tại Bộ luật hình sự.

Đáng chú ý, theo Nghị định số 23, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bán bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho: cơ sở chưa được nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) theo quy định pháp luật; cơ sở không có biên bản kiểm tra an toàn về PCCC của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy hoặc biên bản kiểm tra đã quá 1 năm tính từ thời điểm lập đến thời điểm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; cơ sở đang bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định về PCCC.

Và Bộ Tài chính có trách nhiệm xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của doanh nghiệp bảo hiểm; Bộ Công an chịu trách nhiệm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.

Ngoài ra, Bộ Công an còn có trách nhiệm công bố danh sách các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (trừ các cơ sở liên quan đến quốc phòng, an ninh và bí mật nhà nước) chậm nhất là ngày 31-12 hàng năm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an.

* Cấp thiết khắc phục tồn đọng về bảo đảm an toàn PCCC

Vụ cháy nghiêm trọng xảy tại chung cư Carina Plaza ở số 1648 Võ Văn Kiệt, Quận 8 (Thành phố Hồ Chí Minh) làm 13 người tử vong rạng sáng 23/3. Ảnh: TTXVN

Sau hàng loạt các vụ cháy nhà chung cư xảy ra liên tục trong thời gian vừa qua mà đỉnh điểm là vụ cháy nghiêm trọng tại chung cư cao cấp Carina Plaza, đòi hỏi các cơ quan chức năng, nhà đầu tư và người dân phải cấp thiết khắc phục và cải thiện những tồn đọng về bảo đảm an toàn PCCC tại các chung cư.

Kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng về công tác đảm bảo an toàn PCCC ở các chung cư trên địa bàn Hà Nội cho thấy, vẫn còn nhiều chung cư không có phòng kỹ thuật theo đúng tiêu chuẩn trong quy định PCCC, hệ thống báo cháy chưa chính xác, bình chữa cháy hết hạn sử dụng, nhân lực PCCC tại chỗ chưa sử dụng thành thục các thiết bị PCCC.

Tính đến ngày 3-4-2018, trên địa bàn còn 29 công trình tồn tại vi phạm PCCC, trong đó 14 công trình có khả năng khắc phục được, 15 công trình không có khả năng khắc phục do liên quan đến kết cấu tòa nhà, hệ thống giao thông kết nối.

Hạn chế chung về nhân lực và vật lực của công tác PCCC cơ sở của hầu hết các chung cư trên địa bàn là chưa bảo đảm chất lượng, mang tính chất hình thức, đối phó với các cơ quan chức năng.

Những ngày qua, trước yêu cầu quyết liệt của cư dân, một loạt công trình chưa bảo đảm an toàn PCCC đã được chủ đầu tư gấp rút khắc phục. Tuy nhiên, hiệu quả của công tác khắc phục theo kiểu “nước đến chân mới nhảy” này có đạt yêu cầu về chất lượng PCCC hay không vẫn là một câu hỏi lớn.

Ngoài ra, có thể dễ dàng nhận thấy, một trong những nguyên nhân gây ra các vụ cháy phần nào xuất phát từ chính những cư dân. Chính sự chủ quan và nhận thức chưa đầy đủ của cư dân đã vô tình hay hữu ý gây nên các vụ hỏa hoạn với những hậu quả vô cùng lớn.

Mặt khác, theo Đại tá Trần Văn Vụ, Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, mặc dù cơ quan cảnh sát PCCC thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho người dân nhưng nhiều người vẫn khá thờ ơ. Bởi thế, khi xảy ra sự cố người dân khá lúng túng trong các kỹ năng thoát hiểm cũng như các phản xạ dập tắt đám cháy.

Có thể nói, cuộc chiến với “giặc lửa” chưa bao giờ dễ dàng và cần phải có sự chung tay góp sức tích cực của cả xã hội, từ người dân, doanh nghiệp đến các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

Theo các chuyên gia, những việc cần làm ngay để lấp đầy những “lỗ hổng” trong công tác PCCC là Nhà nước và nhân dân nỗ lực phối hợp với doanh nghiệp khắc phục những hạn chế ở các công trình xây dựng cũ; tìm giải pháp để giải quyết dứt điểm và đưa ra những phương án tối ưu vừa tránh lãng phí trong xây dựng, bảo đảm chính sách an dân nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về PCCC.

Cùng với đó, cần thường xuyên kiểm tra các thiết bị, nhân lực, công tác vận hành về PCCC. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến số lượng và chất lượng nguồn nhân lực PCCC cơ sở. Bên cạnh việc đảm bảo về sức khỏe, nhân lực làm công tác PCCC phải được đào tạo một cách bài bản với đầy đủ kiến thức và thực hành thường xuyên để có thể vận hành hệ thống chữa cháy một cách thành thạo trong trường hợp xảy ra sự cố.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác truyên truyền để người dân nhận thức rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình trong công tác PCCC; đưa chương trình huấn luyện kỹ năng PCCC vào hệ thống giáo dục trong các trường học, cơ sở giáo dục để tạo ra phản xạ phòng vệ cho mỗi trẻ em, người dân.

Về phía người dân, mỗi người cũng cần tự nâng cao ý thức của mình về PCCC thông qua việc tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, tự giác trau dồi các kỹ năng dập tắt đám cháy, kỹ năng thoát hiểm… phòng khi có sự cố cháy, nổ xảy ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục