Quan hệ Trung-Nhật "ấm lên" giúp ổn định cục diện Đông Bắc Á?

07:01' - 22/05/2018
BNEWS Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có chuyến thăm chính thức lần đầu tiên tới Nhật Bản kể từ khi nhậm chức và tham dự cuộc gặp thượng đỉnh ba bên Trung-Nhật-Hàn.
Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản - Trung Quốc - Hàn Quốc lần thứ 7 khai mạc tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản ngày 9/5. Ảnh: EPA/TTXVN

Báo Văn Hối (Hong Kong) có bài viết cho rằng chuyến thăm lần này của ông Lý Khắc Cường không chỉ có ý nghĩa tượng trưng quan trọng mà còn có ý nghĩa nội hàm thực chất mạnh mẽ.

Chuyến thăm vừa là dấu hiệu cho thấy sự ấm lên trong quan hệ Trung-Nhật, vừa thể hiện rằng ba nước Trung-Nhật-Hàn đã mở ra cục diện mới, đây cũng là kết quả của một loạt sự điều chỉnh quan trọng trong khu vực thời gian gần đây.

Do đó, chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường tới Nhật Bản có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện quan hệ Trung-Nhật và ổn định cục diện chung ở Đông Bắc Á.

Quan hệ Trung-Nhật đã gặp phải vô số trắc trở trong những năm gần đây. Việc Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới, Nhật Bản có tâm lý lo ngại sâu sắc, coi Bắc Kinh là mối đe dọa tiềm ẩn.

Chính quyền Abe bắt đầu theo bước chân của Mỹ, “bắn tỉa” Trung Quốc ở khu vực Đông Bắc Á, châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhằm làm nổi bật sự tồn tại của Nhật Bản. Đây là lý do chính khiến quan hệ Trung-Nhật xấu đi.

Nhưng thời đại đang thay đổi, tình hình cũng đang thay đổi. Chính quyền Trump không chỉ từ bỏ chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của người tiền nhiệm Obama mà còn từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). 

Mặc dù ông Trump đã đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với phạm vi lớn hơn, những chiến lược này không có nội dung thực chất. Vì vậy, TPP đã biến thể thành Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với sự tham gia của 11 quốc gia, trong đó có Nhật Bản, nhưng thiếu Mỹ chẳng khác gì thiếu đi thực lực của ván bài địa kinh tế. 

Quan trọng hơn, nội hàm của quan hệ liên minh quân sự Mỹ-Nhật cũng đang yếu đi và trở nên thực dụng hơn. Mặc dù ông Abe đã nhiều lần thể hiện với Tổng thống Trump, song mối quan hệ liên minh Mỹ-Nhật sẽ không còn được như ở thời kỳ Obama. 

Về thương mại, Mỹ không chỉ coi Nhật Bản là một “nước thao túng tiền tệ” chính mà còn không cho Nhật Bản được hưởng ưu đãi miễn trừ thuế quan trong “biện pháp 232” (thuế nhập khẩu bổ sung). 

Điều quan trọng, trong bối cảnh tái hiện “ánh bình minh” hòa giải trên bán đảo Triều Tiên và các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ lần lượt có các cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Nhật Bản lại hoàn toàn bị gạt ra ngoài lề vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Trong bối cảnh này, chính quyền Abe tìm cách điều chỉnh thích hợp trong quan hệ với Bắc Kinh cũng là điều dễ hiểu. 

Hiện cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ vẫn đang tiếp diễn, kinh nghiệm lịch sử và thực tế cho thấy mục tiêu tiếp theo của Mỹ trong cuộc chiến thương mại có thể là Nhật Bản. Do vậy, Trung Quốc và Nhật Bản cần xây dựng quan hệ hợp tác kiểu mới.

Năm nay đánh dấu kỷ niệm 40 năm ký Hiệp ước hòa bình và hữu nghị Trung-Nhật, trước chuyến thăm của Lý Khắc Cường, hai nước cũng đã khởi động lại “Đối thoại kinh tế cấp cao” (cấp Bộ trưởng) bị gián đoạn 7 năm qua, trong khi Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ba nước Trung-Nhật-Hàn cũng sẽ có cuộc gặp kêu gọi phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại. 

Xóa bỏ những rào cản chính trị, những vấn đề lịch sử phức tạp và những trở ngại thực tế, đặc biệt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên xuất hiện những bước ngoặt, ba nước Đông Bắc Á rất có khả năng sẽ đạt được sự hội nhập năng động nhất, tiềm năng nhất và có thế mạnh nhất toàn cầu. 

Mặc dù Mỹ là một nhân tố bất định, ảnh hưởng đến quan hệ Trung-Nhật cũng như quan hệ địa chính trị và kinh tế ở Đông Bắc Á, sự phục hồi quan hệ Trung-Nhật sẽ giúp ổn định cục diện chung ở Đông Bắc Á./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục