Quan hệ thương mại Mỹ-Nhật: Thách thức đến từ bối cảnh mới (Phần 2)

07:00' - 08/07/2018
BNEWS Đằng sau va chạm thương mại Mỹ-Nhật là ngành công nghiệp Nhật Bản đang nhanh chóng tìm kiếm bước đột phá mới xuất khẩu sang Mỹ, không ngừng thay đổi nội dung xuất khẩu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng ngày 7/6. THX/ TTXVN

So sánh kinh doanh giữa doanh nghiệp Nhật Bản và Mỹ

Kiyoko Imura - Giáo sư danh dự khoa Kinh tế thuộc Đại học Keio đã giảng dạy lý luận kinh tế Nhật Bản hơn 40 năm. Khi nhắc đến va chạm thương mại Mỹ-Nhật, bà nói: “Việc xuất khẩu các sản phẩm của Nhật Bản một mặt dựa vào Mỹ, mặt khác lại tấn công các ngành nghề của Mỹ”.

Đằng sau va chạm thương mại Mỹ-Nhật là ngành công nghiệp Nhật Bản đang nhanh chóng tìm kiếm bước đột phá mới xuất khẩu sang Mỹ, không ngừng thay đổi nội dung xuất khẩu, còn Mỹ lại dường như không hài lòng về mặt sản xuất truyền thống, ngày càng cần khai thác mặt trận mới về các lĩnh vực như dịch vụ tài chính...

Dưới tiền đề có thị trường lớn (Mỹ), các doanh nghiệp Mỹ mạnh dạn đầu tư thiết bị, dùng công nghệ sản xuất mới nhất để tham gia cạnh tranh toàn cầu.

“Lý luận kinh tế Nhật Bản hiện đại” do giáo sư Kiyoko Imura viết đã chỉnh lý toàn bộ quá trình va chạm thương mại Mỹ-Nhật. Sở dĩ Nhật Bản có thể chấn hưng được nền kinh tế ở châu Á, việc này không tách rời với sự ủng hộ của Mỹ đối với nền kinh tế Nhật Bản trên các phương diện công nghệ, tiền vốn…

Trong thời gian phát động Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã tạo cơ hội cho Nhật Bản xuất khẩu hàng hóa, thiết bị máy móc cho các nước láng giềng có chiến tranh, giúp nền kinh tế của các nước đó được phục hưng.

Singapore, Hàn Quốc, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong và Vùng lãnh thổ Đài Loan của Trung Quốc sau đó trở thành 4 con rồng châu Á, không tách rời với việc Nhật Bản cung cấp thiết bị sản xuất cho các nước và vùng lãnh thổ này.

Nhưng dân số, quy mô thị trường của “4 con rồng” này nhanh chóng khiến cho xuất khẩu của Nhật Bản chạm đỉnh, cũng chỉ khi khai thác đầy đủ thị trường Mỹ thì mới có thể khiến kinh tế Nhật Bản đạt được thành công lớn.

Giáo sư Kiyoko Imura cho rằng ảnh hưởng của các sản phẩm công nghiệp nhẹ như mặt hàng dệt may của Nhật Bản đến nền kinh tế Mỹ dường như không đáng kể: “Va chạm thương mại sớm nhất là bắt đầu từ mặt hàng dệt may, nhưng nhanh chóng xuất hiện va chạm giữa Nhật Bản với Mỹ trên các phương diện như sắt thép, điện gia dụng, ô tô, chất bán dẫn…

Sự va chạm về mặt ngành nghề này khiến Nhật Bản ở chừng mực nhất định đã thay thế các doanh nghiệp Mỹ trong nhiều lĩnh vực, cuối cùng vẫn tấn công các doanh nghiệp Mỹ”.

Không phải ngay từ đầu các doanh nghiệp Nhật Bản đã muốn chèn ép các doanh nghiệp cùng ngành của Mỹ.

Thập niên 80 của thế kỷ 20, ông Ichiro Ozawa khi vừa mới vào công  ty ống thép của Nhật Bản đã nhanh chóng được cử sang nhà máy thép của Mỹ giúp doanh nghiệp ở đó cải tạo thiết bị, hy vọng giúp cho nhà máy bị thâm hụt chồng chất được “cải tử hoàn sinh” dưới sự hỗ trợ về mô hình kỹ thuật và kinh doanh của Nhật Bản. 

Ông Ichiro Ozawa nhớ lại: “Khi vừa đến nhà máy, có quá nhiều máy móc, thiết bị đo ở đó mà tôi chưa từng nhìn thấy ở Nhật Bản. Hỏi công nhân ở đó, họ nói rằng đã có từ trước Chiến tranh Thế giới thứ hai, sử dụng được mấy chục năm. Muốn kiến nghị với nhà máy thay thiết bị, nhưng dường như cần xây dựng lại, phần thay thế không giúp cho việc sản xuất của nhà máy”.

Trong con mắt của nhiều chuyên gia về thép của Nhật Bản thì các doanh nghiệp thép của Mỹ ngoài lĩnh vực được nhà nước đảm bảo lợi nhuận vượt mức như tập đoàn công nghiệp quân sự… có thể tồn tại, các lĩnh vực khác muốn cạnh tranh với các nhà máy thép ngoài nước Mỹ thì hoàn toàn không có hy vọng.

Mỹ là quốc gia khiến cho mặt hàng ô tô đi theo hướng từ hàng tiêu dùng gia đình sang hàng tiêu dùng đại chúng, ngày nay cũng vẫn có khả năng sản xuất lớn mạnh, nhưng về các mặt như hiệu quả tiết kiệm năng lượng, sản xuất linh phụ kiện, lắp ráp nguyên chiếc… mặt hàng ô tô không những khó có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp Nhật Bản, mà so với các doanh nghiệp ô tô của Đức và Hàn Quốc, cũng không có ưu thế như trước Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Đối với các sản phẩm điện tử như điện gia dụng có công nghệ sản xuất tương đối đơn giản, Mỹ ngay từ thập niên 80 của thế kỷ 20 đã không mảy may nghĩ đến việc nhường vị trí cho Nhật Bản.

Ông Ichiro Ozawa nói: “Tuy tôi không nhìn thấy Mỹ chấn hưng lại lĩnh vực thép, nhưng trong hơn 10 năm ở đây, tôi đã nhìn thấy các doanh nghiệp Mỹ trong các lĩnh vực khác duy trì được mức độ hiệu quả kinh tế rất cao, không ngừng phát triển các lĩnh vực mới.

Mỹ không vì từ bỏ một số ngành nghề mà khiến cho vị thế thống trị của họ về mặt kinh tế có sự lung lay, ngược lại Nhật Bản dường như trụ vững qua các giai đoạn va chạm thương mại, kinh tế Nhật Bản cuối cùng lại bị ‘mất mát’”.

Giảm bớt va chạm dựa vào “từ thực sang ảo”

Va chạm thương mại Mỹ-Nhật bắt đầu từ thập niên 60 của thế kỷ 20, đến thập niên 90 sau khi nền kinh tế bong bóng của Nhật Bản bị sụp đổ, các va chạm liên quan dần dần mờ nhạt trong tâm trí của mọi người, nhưng đồng thời kinh tế Nhật Bản cũng bắt đầu bước vào “thập kỷ mất mát”. Sự mất mát này đến nay vẫn đang tiếp tục.

Ông Ryutaro Hashimoto trước khi làm Thủ tướng từng làm Bộ trưởng kinh tế và công thương, phụ trách thương lượng về vấn đề tranh chấp thương mại với Mỹ. Nhớ lại việc điều đình với Mỹ khi đó, ông nói: “Chúng tôi biết võ judo, khi điều đình thường sẽ có tiến có lùi, nhưng khi vừa tới Mỹ, phát hiện thấy người ta khi đánh bóng bầu dục sẽ tấn công mạnh mẽ, (chúng tôi) không dám lùi về phía sau nửa bước”.

Hiệp định Plaza mà Mỹ thông qua năm 1985 buộc Nhật Bản nâng tỷ giá hối đoái, từ 360 yen Nhật đổi được 1 USD ban đầu, từng bước cố định ở mức tỷ giá 110 yen đổi được 1 USD, tăng hơn gấp 3 lần.

Mặc dù Nhật Bản có mặt hàng xuất khẩu mới, đầu tư của nước này ở nước ngoài khiến bản thân các doanh nghiệp có thể thu được lợi nhuận tương đối cao, nhưng đầu tư ở trong nước lại giảm đi, dòng vốn chảy về thị trường bất động sản và cổ phiếu.

Giáo sư Ichiro Ozawa cho biết: “Sau khi giá bất động sản và cổ phiếu tăng lên, cuối cùng chỉ có thể thu hẹp lại bằng suy thoái lâu dài chưa từng có trước đây”.

Kinh tế Nhật Bản sau khi đã trải qua hai thập kỷ mất mát, sự va chạm với Mỹ trong lĩnh vực thép, ô tô... cũng vẫn chưa kết thúc. Trong thời gian này Mỹ đã xuất hiện các doanh nghiệp kiểu mới như Google, Amazon, Twitter, Tesla..., còn Nhật Bản lại dừng ở giai đoạn chất bán dẫn, về mặt đổi mới công nghệ đã có sự đình trệ.

Cùng với sự trỗi dậy nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc, sau khi Trung Quốc trở thành đối thủ cạnh tranh lớn nhất trong con mắt của Mỹ, va chạm thương mại giữa Nhật Bản và Mỹ cuối cùng dần dần giảm đi.

Tổng quan toàn bộ quá trình va chạm thương mại Mỹ-Nhật có thể thấy không phải vì Nhật Bản nhượng bộ với Mỹ, tự chủ hạn chế xuất khẩu sang Mỹ, ký với Mỹ nhiều thỏa thuận nhập khẩu sản phẩm từ nước này.

Nhật Bản không xuất khẩu sang Mỹ thì cũng có nước khác xuất khẩu; không phải do cơ cấu kinh tế của Nhật Bản có vấn đề, đa số nguyên nhân nằm ở cơ cấu thâm hụt kép của Mỹ (thâm hụt tài chính và thâm hụt thu chi thương mại). Quá khứ và tương lai của Mỹ luôn phải nảy sinh va chạm thương mại với một số quốc gia đặc biệt nào đó./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục