Phòng chống buôn lậu qua biên giới An Giang: Bài 2 - Tăng cường công tác phối hợp

13:14' - 20/11/2017
BNEWS Để phòng chống buôn lậu qua biên giới hiệu quả, Hải quan An Giang thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng như Biên phòng, Công an, Đội Đặc nhiệm liên ngành phòng, chống ma tuý tỉnh An Giang.
Một lô hàng đường nhập lậu bị lực lượng chức năng thu giữ. Ảnh: Thanh Tân/TTXVN

Biên giới tỉnh An Giang với các tỉnh Kandal và Tà Keo của Campuchia có thể qua lại dễ dàng bằng đường thủy, lẫn đường bộ. Cư dân biên giới hai bên thường xuyên qua lại để trao đổi, mua bán hàng hóa, thăm thân, cư dân Việt Nam thường thuê đất canh tác bên phía Campuchia.

Chính vì thế mà các đối tượng buôn lậu có thể lợi dụng cư dân biên giới để vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là hàng nông sản. Tuy nhiên, hàng hóa nhập lậu trọng điểm dự báo vẫn là đường cát và thuốc lá điếu ngoại do có lợi nhuận cao và nhu cầu của thị trường.

Thường vào mùa nước nổi, nước lũ tràn về khắp các cánh đồng trên tuyến biên giới, tạo thành một khoảng không gian rộng lớn, nước mênh mông nên rất thuận lợi cho đối tượng buôn lậu sử dụng các phương tiện có gắn động cơ như vỏ lãi, xuồng máy cao tốc để vận chuyển hàng hóa qua biên giới, gây nhiều khó khăn cho các lực lượng chống buôn lậu.

Phó Cục trưởng Cục Hải quan An Giang Nguyễn Tấn Bửu nhận định, lực lượng làm công tác đấu tranh chống buôn lậu còn mỏng, cùng lúc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác (đặc biệt trong giai đoạn này đơn vị đang rất thiếu nhân lực), chủ yếu hoạt động tuần tra công khai; trình độ nghiệp vụ về kiểm soát chống buôn lậu còn có mặt hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

Thêm vào đó, mặc dù cầu Long Bình - ChayThum đã đi vào hoạt động song trên tuyến biên giới vẫn còn nhiều đường mòn, bến đò ngang hoạt động nên rất khó kiểm soát tình trạng buôn lậu. Tại các địa bàn trọng điểm buôn lậu, việc kiểm soát người qua lại biên giới vẫn còn lỏng lẻo và xử lý chưa nghiêm.

Đối với mặt hàng đường cát trắng, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp mua hóa đơn đầu vào từ các doanh nghiệp kinh doanh đường và các công ty sản xuất đường để hợp thức hóa nguồn đầu vào nhập lậu. Một số khác đã biến tướng từ đường cát thành đường phèn để đối phó với các lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, gây khó khăn cho công tác chống buôn lậu.

Nhận thức về pháp luật của người dân tại các khu vực biên giới đa số là thấp; không có việc làm ổn định để đảm bảo cuộc sống nên dễ bị các đối tượng đầu nậu lợi dụng.

Trong năm 2017, Cục Hải quan tỉnh An Giang đã bám sát Kế hoạch và văn bản chỉ đạo của Chính phủ Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang đồng thời có sự hỗ trợ của các Vụ Cục chuyên môn thuộc Tổng cục Hải quan; đặc biệt là sự hỗ trợ của Cục Điều tra chống buôn lậu và các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh An Giang trong công tác phòng chống buôn lậu.

Cục Hải quan An Giang xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại đợt cao điểm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018; bám sát, thực hiện Kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại năm 2018 trên cơ sở tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, gian lận thương mại theo yêu cầu chỉ đạo của các Bộ, các văn bản chỉ đạo của Ngành và UBND tỉnh An Giang...

Hải quan An Giang cũng sẽ tiếp tục điều tra nắm tình hình, lập hồ sơ sưu tra những đối tượng có dấu hiệu buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới; thường xuyên thực hiện công tác phối hợp và trao đổi thông tin nghiệp vụ với các lực lượng chức năng như Biên phòng, Công an, Đội Đặc nhiệm liên ngành phòng, chống ma tuý tỉnh An Giang.

Một số giải pháp cụ thể nữa là: tiếp tục duy trì tốt và nâng cao hiệu quả trong thực hiện các Quy chế phối hợp hoạt động giữa Hải quan với Bộ đội Biên phòng, Công an, Quản lý thị trường, Thuế đã được ký kết trong việc trao đổi thông tin, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, trong xử lý vi phạm...; tăng cường và thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin phối hợp công tác với các đơn vị của Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan; tăng cường giáo dục đối với cán bộ được phân công làm công tác kiểm soát chống buôn lậu, không để xảy ra hiện tượng buôn lỏng, tiếp tay, bao che cho đối tượng buôn lậu; kết hợp với cấp ủy, chính quyền xã biên giới tăng cường vận động quần chúng nhân dân không tham gia hoặc tiếp tay cho đối tượng buôn lậu và các loại tội phạm khác trên tuyến biên giới, đồng thời tham gia tố giác tội phạm.

>> Phòng chống buôn lậu qua biên giới An Giang: Bài 1 - Thủ đoạn buôn lậu tinh vi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục