Phát triển vận tải hành khách công cộng ở Hà Nội - Bài cuối: Đưa chiến lược vào cuộc sống

06:52' - 22/11/2017
BNEWS Đánh dấu sự đổi mới xe buýt ở Thủ đô, vừa qua, lần đầu tiên Hà Nội đã đưa vào vận hành 15 xe buýt mới được thiết kế và sản xuất tại châu Âu trên tuyến số 03 (bến xe Giáp Bát - bến xe Gia Lâm).

Với những ưu điểm vượt trội đem lại tiện ích cho hành khách cũng như phù hợp với điều kiện giao thông, sự đổi mới này hy vọng sẽ phát huy hiệu quả, tạo thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng của người dân Thủ đô.

Những bước đột phá

Đề án “Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”, Hà Nội đã đưa ra 7 nhóm giải pháp cơ bản để phát triển vận tải hành khách công cộng; trong đó, tập trung hợp lý hóa, phát triển mạng lưới tuyến, mở rộng vùng phục vụ; đầu tư hạ tầng ưu tiên cho xe buýt; đầu tư đổi mới nâng cao chất lượng đoàn phương tiện.

Đồng thời, tăng cường công tác quản trị, áp dụng công nghệ hiện đại; đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên phục vụ xe buýt; cơ chế, chính sách tài chính đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng và tăng cường tuyên truyền, đảm bảo an ninh trật tự cho xe buýt.

Mục tiêu của đề án đến năm 2020, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội sẽ mở thêm 62 tuyến buýt, nâng tổng số lên 162 tuyến bao gồm các tuyến nội đô, tuyến gom kết nối, tuyến ngoại thành, tất cả các khu vực của Hà Nội đều đã có buýt phục vụ. Số lượng xe buýt cũng sẽ được nâng từ 1.300 xe lên 2.300 xe.

“Hai năm 2016 – 2017, xe buýt Thủ đô đã tạo được phát triển đột phá về phủ mạng, đổi mới phương tiện và ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, điều hành xe buýt, cung cấp tiện ích cho hành khách. Nếu như trước năm 2015, xe buýt mới chỉ tập trung ở khu vực nội thành.

Đến đầu năm 2016, các huyện Ứng Hòa, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ba Vì còn chưa có xe buýt thì nay xe buýt đã phủ mạng ra tất cả các quận, huyện. Đoàn phương tiện cũng được đổi mới để nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút hành khách”, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Công Nhật cho biết.

Buýt nhanh BRT 01 chạy trên đoạn Giảng Võ-Láng Hạ. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Theo ông Nguyễn Công Nhật, trong 2 năm 2016 - 2017, Tổng Công ty đã điều chỉnh hợp lý hóa 41 tuyến, mở mới 22 tuyến xe buýt (7 tuyến năm 2016 và 15 tuyến năm 2017). Trong đó có 2 tuyến kết nối sân bay quốc tế Nội Bài, 7 tuyến gom kết nối các khu đô thị với tuyến trục chính và 13 tuyến mở rộng vùng phục vụ đến các huyện ngoại thành Hà Nội chưa có xe buýt.

Đến tháng 9/2017, mạng lưới tuyến buýt có trợ giá đã phủ khắp đến toàn bộ 30 quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hoạt động của các tuyến buýt mới đã kết nối gần hơn các huyện ngoại thành với trung tâm thành phố, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương và giảm phương tiện cá nhân từ ngoại thành vào khu vực trung tâm Hà Nội.

Về đổi mới đoàn phương tiện, Tổng Công ty đã đầu tư thay thế trên 300 xe buýt mới với màu sơn, logo và bộ nhận diện thương hiệu mới của xe buýt Hà Nội, mang lại hình ảnh thân thiện và tạo nên diện mạo mới cho xe buýt của Thủ đô. Ngoài ra, Tổng Công ty đã tập trung nguồn lực để đầu tư đổi mới cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động xe buýt.

Đến nay, tất cả 12 đơn vị hoạt động xe buýt của Tổng Công ty đã được đầu tư hệ thống trạm điều độ trung tâm và nhà xưởng (depot) tiêu chuẩn với cơ sở bãi đỗ có tổng diện tích trên 18 ha, trang thiết bị hiện đại để đáp ứng các yêu cầu về công tác bảo dưỡng sửa chữa, đảm bảo chất lượng đoàn phương tiện.

Đánh dấu sự đổi mới phương tiện, sự kiện gần đây nhất, lần đầu tiên Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã đưa 15 xe buýt đạt tiêu chuẩn châu Âu vào hoạt động trên tuyến buýt 03. Những xe buýt này được thiết kế và sản xuất tại châu Âu với đặc điểm chung là mang logo, màu sơn, nhận diện thương hiệu mới, gam màu sơn chủ đạo là xanh nước biển, đặc trưng màu sơn của các tuyến buýt nội đô, trục chính. Các tiện ích cho khách hàng gồm hệ thống cabin độc lập cho lái xe; trang bị đồng bộ gồm 3 bảng điện tử thông tin led hiện đại, văn minh.

Đồng thời, có wifi miễn phí trên xe, hệ thống quản trị GPS hiện đại, hệ thống âm thanh kết nối GPS tự động, âm thanh thông báo trên xe được biên tập và cập nhật theo hướng thuận tiện, ngắn gọn, dễ hình dung và xác định địa điểm, gần gũi thân thiện hơn với khách hàng.

Điểm đặc biệt của loại phương tiện mới này so với các loại buýt hiện nay là "xe sàn thấp", có thể nâng, hạ sàn xe phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông và tạo thuận lợi cho hành khách tiếp cận lên xuống xe, đặc biệt là đối với người khuyết tật. Bên cạnh đó, xe còn được trang bị hộp số tự động, động cơ Mercedes tiêu chuẩn khí thải châu Âu.

Với những cố gắng trên, năm 2017 là năm đổi mới mạnh mẽ và toàn diện nhất về chất lượng đoàn phương tiện cùng với hàng loạt giải pháp về nâng cao chất lượng phương tiện, xây dựng thương hiệu buýt Thủ đô.

Nâng cao chất lượng dịch vụ

Cùng với việc tập trung phát triển mạng lưới tuyến và tăng cường thêm số lượng xe buýt, chất lượng dịch vụ cũng được cải thiện qua các giải pháp đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chăm sóc khách hàng; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý cung cấp thêm nhiều dịch vụ cho hành khách sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng.

Tổng công ty đã thành lập Phòng khách hàng Hanoibus với đầu số hotline 1900.1296 giải đáp thông tin tư vấn và tiếp nhận ý kiến góp ý của khách hàng về chất lượng dịch vụ xe buýt của Tổng công ty. Trên các tuyến xe buýt khu vực nội đô, các tuyến trục có lưu lượng khách lớn, Tổng công ty đã lắp đặt wifi miễn phí trên 37 tuyến buýt với 570 xe để cung cấp thêm tiện ích cho khách hàng.

Tổng công ty đã áp dụng quy trình và phần mềm quản lý kết nối tất cả các mảng hoạt động của xe buýt từ công tác quản trị nhân sự, lập kế hoạch, điều hành, nghiệm thu đến công tác quản lý kỹ thuật, bảo dưỡng sửa chữa phương tiện.

Đặc biệt Tổng công ty là đơn vị đi tiên phong triển khai phần mềm quản lý điều hành xe buýt - Bus WebGPS và phần mềm Timbuyt.vn.

Đây là 2 phần mềm hiện đại, ứng dụng công nghệ thông minh được Tổng Công ty đầu tư xây dựng công phu, đăng ký bản quyền và khai thác với mục tiêu chính là cung cấp những tiện ích, dịch vụ tốt nhất cho hành khách, giúp hành khách có thể dễ dàng tiếp cận, sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Thủ đô.

Trung tâm điều hành xe buýt của Tổng công ty được đầu tư các trang thiết bị hiện đại. Đây là đầu não điều hành mọi hoạt động của 92 tuyến với trên 1.100 xe buýt của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội.

Tất cả các xe buýt này đều được lắp đặt hệ thống thiết bị giám sát hành trình, truyền dữ liệu trực tuyến về tình trạng hoạt động của xe về Trung tâm điều hành. Riêng đối với tuyến BRT còn được kết nối cả thông tin hình ảnh trên xe và hình ảnh tại các camera lắp đặt dọc hành lang tuyến.

Tất cả các xe buýt này đều được lắp đặt hệ thống thiết bị giám sát hành trình. Ảnh minh họa: TTXVN

Trung tâm điều hành các thông tin về vị trí của xe, tình trạng vận hành, tình trạng ùn tắc giao thông được phần mềm phân tích giúp cho nhân viên đưa ra các quyết định điều hành tối ưu nhằm đảm bảo tốt dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Công tác điều hành được phối hợp nhịp nhàng giữa Trung tâm và lực lượng điều hành trên tuyến thông qua hệ thống bộ đàm để điều phối giao thông tại các khu vực trọng yếu trong giờ cao điểm nhằm duy trì biểu đồ chạy xe.

Hệ thống cơ sở dữ liệu GPS từ Trung tâm điều hành được kết nối với thiết bị thông báo điểm dừng cho khách hàng trên xe, các bảng điện tử thông báo giờ xe tại các nhà chờ chính.

Hệ thống phần mềm thông minh còn có chức năng giám sát, phát hiện những trường hợp vi phạm tiêu chí dịch vụ như không dừng đỗ đúng điểm, chạy sai lộ trình, xuất bến không đúng giờ, chạy quá tốc độ, mở cửa khi xe đang chạy... Những thông tin này được chuyển cho các đơn vị quản lý tuyến để chấn chỉnh, xử lý kịp thời.

Ngoài ra, Tổng Công ty cũng đang triển khai thí điểm ứng dụng lắp đặt camera và hệ thống OBU thông minh trên xe buýt, với tính năng tương tác trực tiếp giữa Trung tâm và lái xe, hỗ trợ lái xe vận hành an toàn và giúp lái xe duy trì khoảng cách chạy xe trên tuyến, thực hiện tối ưu hóa biểu đồ chạy xe nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.

Với việc thực hiện mô hình điều hành tập trung, áp dụng công nghệ tiên tiến trong điều hành xe buýt đã giúp cho công tác kiểm soát, điều hành, xử lý thông tin trong hoạt động xe buýt của Tổng công ty ngày càng phát huy hiệu quả.

Với hiện trạng hạ tầng giao thông của Hà Nội còn nhiều bất cập, để nâng cao năng lực vận chuyển hành khách bằng xe buýt cần sự nỗ lực của cả Nhà nước và doanh nghiệp để xe buýt thực sự phát huy hiệu quả thu hút người dân bỏ phương tiện cá nhân, chuyển sang đi xe buýt, giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn./.

>>> Hà Nội lần đầu tiên đưa vào khai thác xe buýt mới tiêu chuẩn châu Âu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục