Phát triển thương mại phía Nam - Bài 2: Gia nhập thị trường bán lẻ nước ngoài

15:25' - 07/09/2017
BNEWS Hợp tác phát triển công thương giữa các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã tạo động lực để hoạt động thương mại, dịch vụ trong khu vực phát triển với tốc độ khá nhanh.

Thúc đẩy các chương trình, hoạt động phối hợp liên kết giữa các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam không chỉ giúp các địa phương kịp thời trao đổi thông tin, hỗ trợ cải cách trong quản lý Nhà nước, mà còn góp phần hỗ trợ, đồng hành cùng đơn vị sản xuất kinh doanh trong ngành thương mại.

Đây cũng là "điểm sáng" trong giải pháp phát triển ngành thương mại phía Nam, đồng thời đã mang lại những tín hiệu tích cực trong hoạt động thương mại hàng hóa của mỗi địa phương và toàn khu vực.

Thúc đẩy tiêu thụ trong nước

Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại hệ thống siêu thị Co.op mart TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ–TTXVN

Trong thời gian qua, chương trình liên kết, hợp tác phát triển công thương giữa các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã tạo động lực để hoạt động thương mại, dịch vụ trong khu vực phát triển với tốc độ khá nhanh.

Thị trường hàng hóa sôi động, phát triển ổn định với nhiều mặt hàng phong phú, đa dạng. Mạng lưới kinh doanh và phân phối ngày càng được củng cố và mở rộng, đáp ứng kịp thời nhu cầu về hàng hóa, vật tư phục vụ đời sống và sản xuất của người dân.
Đơn cử, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu là một trong những địa phương tích cực và đã tham gia chương trình kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh, thành trong khu vực phía Nam từ năm 2013 đến nay.

Qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, các doanh nghiệp tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đã ký kết được 53 hợp đồng, biên bản ghi nhớ với các siêu thị Big C, LOTTE Mart, Co.opmart, VinMart, Satra…

Nhiều doanh nghiệp đã mở được đại lý phân phối tại các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Tây Nguyên và hầu hết các sản phẩm tham gia kết nối đều tìm được thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Tương tự, tỉnh Long An cũng là địa phương thường xuyên tham gia các chương trình kết nối cung cầu và đạt được kết quả tích cực. Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương Long An cho biết, đến nay có 30 hợp tác xã và doanh nghiệp của tỉnh Long An đã ký kết 58 biên bản ghi nhớ với hệ thống phân phối tại Tp. Hồ Chí Minh.

Trong đó, nhiều hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm gạo, rau, thịt và trứng gia cầm đã được triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương và đáp ứng được nhu cầu của các nhà phân phối tại Tp. Hồ Chí Minh.
Bên cạnh vai trò đầu mối của chính quyền địa phương, nhiều doanh nghiệp, nhà bán lẻ trong khu vực phía Nam cũng chủ động và thường xuyên phối hợp tổ chức các chương trình khuyến mãi, tuần lễ mua sắm vào các dịp Lễ, Tết... góp phần kích cầu tiêu dùng các tỉnh, thành trong khu vực.
Tính 6 tháng đầu năm 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vực phía Nam đạt hơn 1.097.000 tỷ đồng (tăng 8,86% so với cùng kỳ năm 2016). Những địa phương có tốc độ tăng trưởng doanh thu thương mại dịch vụ khá trong khu vực phía Nam, gồm: Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Kiên Giang...
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cho rằng, việc triển khai các hoạt động kết nối cung cầu giữa các tỉnh, thành trong khu vực đã mang lại hiệu quả tích cực, trở thành công cụ tiếp thị, giới thiệu hàng hóa và tạo điều kiện cho doanh nghiệp các địa phương tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại và nhiều đầu mối tiêu thụ tại Tp. Hồ Chí Minh.

Ngược lại, các nhà phân phối cũng tiết kiệm được thời gian, chi phí khảo sát thông tin, tìm kiếm nguồn nguyên liệu, hàng hóa. Hiệu quả các việc kết nối cung cầu đã tạo điều kiện cho người nông dân, các đơn vị chăn nuôi, sản xuất an tâm đầu tư chuồng trại, giống cây trồng vật nuôi chất lượng cao, trang bị máy móc thiết bị hiện đại để tạo nguồn hàng hóa có chất lượng, giá cả hợp lý, cung cấp kịp thời để bình ổn thị trường hiệu quả.

  Gia nhập thị trường bán lẻ nước ngoài

Về lĩnh vực xuất khẩu, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng các địa phương đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong chủ động tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng thị trường.

Nhờ đó, từ đầu năm 2017 đến nay, khu vực phía Nam có nhiều tỉnh, thành phố đạt tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu cao như Hậu Giang, Bình Phước, Cần Thơ, Bạc Liêu, Tiền Giang, Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh... Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng, chủ yếu tập trung vào ngành hàng dệt may, da giày, gạo, thủy hải sản, túi xách...

Nhiều mặt hàng của các tỉnh thành khu vực phía Nam như nước mắm, chuối, xoài, thanh long... đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh minh họa: Nguyên Lý-TTXVN

Bên cạnh hoạt động xuất khẩu chính ngạch, các kênh phân phối hiện đại như Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (Satra), Big C, Aeon, Auchan, LOTTE Mart... đang từng bước trở thành một trong những kênh quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu và bán lẻ hàng hóa Việt Nam ra thị trường nước ngoài.

Trong đó, nhiều mặt hàng của các tỉnh thành khu vực phía Nam như nước mắm, chuối, xoài, thanh long... và những sản phẩm chuyên dùng cho sinh hoạt hàng ngày đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Ghi nhận thực tế, hiện tại sản phẩm nông sản, thủy sản... của Việt Nam nói chung, tại khu vực phía Nam nói riêng, đang được kinh doanh trong hệ thống Auchan của Công ty Auchan Retail Việt Nam trực thuộc Tập đoàn bán lẻ Auchan (Pháp) ở 14 quốc gia.

Còn hệ thống bán lẻ Aeon Việt Nam đang có mối quan hệ hợp tác thu mua hàng hóa với khoảng 1.700 doanh nghiệp, nhà cung cấp tại Việt Nam.

Từ đó phân phối, bán lẻ đến hơn 14.000 cửa hàng tại các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Trong đó, tại thị trường Nhật, người tiêu dùng rất ưa chuộng các sản phẩm của Việt Nam như thủy hải sản, trái cây...
Đánh giá về hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam qua kênh phân phối hiện đại, ông Albin Bertrand, Giám đốc thu mua thực phẩm, Công ty Auchan Retail Việt Nam cho rằng, các đơn vị sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nói chung, tại khu vực phía Nam nói riêng đã đẩy mạnh khâu khảo sát và tìm hiểu xu hướng thị trường tiêu dùng.

Từ đó, lựa chọn chiến lược đưa hàng vào kênh phân phối hiện đại và từng bước thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thành công.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng đã từng bước khắc phục những hạn chế trong xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, có chiến lược phù hợp vào thị trường kết hợp cải thiện chất lượng.
Còn ông Yoon Byung Soo, Giám đốc chiến lược sản phẩm LOTTE Mart Việt Nam cho biết, mục tiêu về giá trị xuất khẩu sản phẩm Việt Nam của LOTTE trong năm 2017 ước khoảng 2.000 tỷ đồng.

Trong đó, hệ thống sẽ tăng cường phân phối các sản phẩm thực phẩm tươi sống bao gồm cả những sản phẩm nông sản, trái cây...
"Hiện tại, hàng hóa Việt Nam đã được LOTTE Mart Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường như Hàn Quốc, Indonesia... Trong thời gian tới, LOTTE Mart sẽ nỗ lực để góp phần xuất khẩu hàng Việt Nam ra thị trường thế giới", ông Yoon Byung Soo cho hay.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Thanh Tuấn, Giám đốc đối ngoại Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) chia sẻ, nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ và sâu rộng với khu vực cũng như thế giới, nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ là nhu cầu cấp thiết, liên tục và lâu dài mà còn là yếu tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp.

Mặt khác, để có thể cạnh tranh trên thị trường thương mại tự do, các doanh nghiệp cần chú trọng đến chất lượng sản phẩm, giá cả và dịch vụ hậu mãi.
Theo ông Đỗ Thanh Tuấn, các sản phẩm của Vinamilk không chỉ có mặt ở hầu hết các kênh phân phối hiện đại tại Việt Nam, mà đã xuất khẩu các sản phẩm của mình đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới là nhờ Vinamilk không ngừng nghiên cứu, sáng tạo để đưa ra nhiều sản phẩm có lợi cho sức khỏe, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng trong và ngoài nước.

Ngoài ra, Vinamilk đã triển khai chiến lược tập trung sản xuất những sản phẩm sữa chất lượng tiêu chuẩn quốc tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, không ngừng đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ với giá thành cạnh tranh./.

Bài 1: Hiệu quả từ cơ chế hợp tác liên vùng
Bài 3: Thắt chặt kết nối cung cầu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục