Phát triển thương mại khu vực phía Nam - Bài 1: Hiệu quả từ cơ chế hợp tác liên vùng

09:44' - 07/09/2017
BNEWS Khu vực phía Nam có các trung tâm thương mại lớn nhất cả nước, với vai trò đầu mối quan trọng trong việc kết nối, phát triển thị trường trong và ngoài khu vực.

Do đó, vấn đề liên kết phát triển thương mại khu vực phía Nam, đặc biệt là các tỉnh, thành phố lớn như Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ… luôn được chú trọng triển khai với bước đầu xây dựng nền tảng mạng lưới thương mại hiện đại, hỗ trợ cho hàng hóa Việt giữ vững thị trường nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu.

Bài 1: Hiệu quả từ cơ chế hợp tác liên vùng

Nhằm kết nối nguồn lực của các địa phương và thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại, trong những năm gần đây các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam; trong đó, Tp. Hồ Chí Minh với vai trò đầu tàu đã triển khai nhiều cơ chế hợp tác cũng như phát triển mạng lưới phân phối trên địa bàn.

Nhờ vào các chương trình hợp tác liên vùng, các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam từng bước xây dựng, quy hoạch đồng bộ mạng lưới hạ tầng thương mại trong khu vực.

  Đa dạng hình thức liên kết

Hội chợ nông sản sạch và an toàn năm 2017 tại Cần Thơ. Ảnh: Ngọc Thiện - TTXVN

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực phía Nam, những chương trình hợp tác xúc tiến thương mại và đầu tư giữa các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã được duy trì ký kết từ năm 2014 đến nay.

Cụ thể, giai đoạn từ 2014 – 2016, riêng chương trình Hợp tác Xúc tiến Thương mại và Đầu tư giữa các Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã triển khai gần 400 hoạt động xúc tiến nội địa, từ đó tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp địa phương có thể tiếp cận thị trường khu vực, củng cố và tăng cường uy tín của hàng Việt trên thị trường nội địa.

Đồng thời, triển khai hiệu quả các chương trình hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng Hàng Việt Nam” lan tỏa sâu rộng đến vùng sâu vùng xa của nhiều tỉnh, thành.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, trong giai đoạn 2017 - 2020, nhiều cơ chế liên kết giữa các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tiếp tục được triển khai và nhận sự quan tâm, hưởng ứng của nhiều địa phương.

Trong đó, ngay từ đầu năm 2017, Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang cũng phối hợp với các ban ngành của tỉnh, vận động, thông tin kịp thời cũng như có nhiều chính sách hỗ trợ tới các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các kỳ hội chợ, diễn đàn tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Cụ thể, như Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2017, Hội chợ triển lãm Giống nông nghiệp Tp. Hồ Chí Minh lần V; Hội chợ đồ gỗ, làng nghề và thương mại Tiền Giang lần thứ I năm 2017; Hội chợ Công Thương khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm 2017; Hội chợ Công Thương khu vực Tây Nguyên...

Ở một hình thức khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An là đơn vị đầu tiên của khu vực phía Nam ký kết với Ban Quản lý An toàn Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, phần lớn hàng hóa và nông sản chủ lực của Long An sẽ được kiểm soát về an toàn thực phẩm theo chuỗi.

Bên cạnh đó, các sở, ngành tại tỉnh Long An đang phối hợp với Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh thực hiện Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn; đồng thời từng bước tiến đến triển khai truy xuất nguồn gốc đối với những sản phẩm khác.

Không chỉ kết nối các tỉnh thành khu vực miền Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cũng vừa ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển giai đoạn 2017 – 2020 với Sở Công Thương tỉnh Gia Lai.

Qua đó, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ kết nối cung cầu, giới thiệu doanh nghiệp và sản phẩm đặc sản của Gia Lai với các hệ thống phân phối, nhà bán lẻ tại thành phố. Ngoài ra, tỉnh Gia Lai và Tp. Hồ Chí Minh sẽ phối hợp cập nhật trao đổi thông tin thị trường, điều phối hàng hóa với các địa phương khác trong khu vực phía Nam.

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, ngành công thương Tp. Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh Chương trình hợp tác thương mại với các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ.

Thông qua đó, các nhà bán lẻ của Tp. Hồ Chí Minh đã có điều kiện thuận lợi kết nối trực tiếp với doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tại các tỉnh, thành bạn, nhằm hạn chế các khâu trung gian trong chuỗi cung ứng hàng hóa, giảm giá thành sản phẩm đến tay người dân, góp phần kích cầu tiêu dùng hàng hóa.

Chương trình hợp tác thương mại này cũng hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối, đại lý tìm kiếm được nhiều nguồn hàng dồi dào, chất lượng cao và giá cả phù hợp tại các địa phương; đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa cho người dân thành phố. Đặc biệt là các mặt hàng lương thực – thực phẩm trong điều kiện tình hình thiên tai, thời tiết có xu hướng diễn biến bất thường, phức tạp.

Quy hoạch hệ thống phân phối nội địa

Theo báo cáo của ngành công thương khu vực phía Nam, trong thời gian qua các địa phương đã không ngừng nỗ lực thực hiện các giải pháp định hướng phát triển hệ thống phân phối theo quy hoạch, nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hóa, đảm bảo cung - cầu, bình ổn thị trường và phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại.

Qua đó, hệ thống phân phối đã có những thay đổi đáng kể, các mô hình kinh doanh văn minh, hiện đại không ngừng phát triển, thay thế dần các chợ tự phát, các điểm bán lấn chiếm lòng lề đường làm ảnh hưởng đến mỹ quan chung của các địa phương.

Trong đó, có thể kể đến các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà bán lẻ, nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển hệ thống trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, mạng lưới chợ... theo quy hoạch đồng bộ, đáp ứng nhu cầu mua sắm, giao dịch hàng hóa của người dân và cung ứng các loại hình dịch vụ hỗ trợ.

Cụ thể, mạng lưới chợ truyền thống từng bước được cải tạo, nâng cấp và đầu tư mới, mở rộng theo hướng hiện đại, nhất là chợ đạt tiêu chí nông thôn mới. Đồng thời, ý thức của thương nhân và năng lực quản lý của cán bộ trong lĩnh vực quản lý chợ cũng được cải thiện và nâng cao, thực hiện tốt quy định pháp luật về an toàn thực phẩm.

Thống kê trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, có hơn 2.555 chợ; trong đó, có hơn 63 chợ hạng I, 318 chợ hạng II, 1.954 chợ hạng III, 17 chợ đầu mối và 203 chợ tạm. Ngoài ra, toàn khu vực phía Nam có gần 340 siêu thị, hơn 70 trung tâm thương mại.

Đặc biệt, nhiều nhà bán lẻ đang tiếp tục mở rộng mạng lưới phân phối và phủ sóng địa điểm bán lẻ khắp khu vực phía Nam như Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (Satra), Big C, Aeon, LOTTE Mart...

Các hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng này đã góp phần tích cực vào sự phát triển kênh phân phối hiện đại trong khu vực.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp của thành phố phát triển hệ thống phân phối, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, trong giai đoạn 2017 – 2020, Tp. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư; đồng thời kết nối các địa phương trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng tiêu thụ hàng hóa...

Song song đó, Tp. Hồ Chí Minh cũng tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp các địa phương đầu tư, kinh doanh trên địa bàn thành phố và ưu tiên khuyến khích doanh nghiệp ở Tp. Hồ Chí Minh tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam../.

Bài 2: Gia nhập thị trường bán lẻ nước ngoài

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục