Phát triển hợp tác xã kiểu mới - Bài 2: Còn nhiều "nút thắt"

08:01' - 17/01/2018
BNEWS Qua 5 năm thực hiện Luật Hợp tác xã 2012 trên bình diện chung cho thấy đã đạt được những kết quả khả quan, mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao hơn cho các thành viên tham gia hợp tác xã.

Thế nhưng, trong quá trình hoạt động của hợp tác xã, đã có nhiều bất cập về cơ chế chính sách so với thực tế cần phải điều chỉnh để phù hợp hơn, tạo điều kiện cho hợp tác xã kiểu mới phát triển đi vào chiều sâu.

Qua 5 năm thực hiện Luật Hợp tác xã 2012 trên bình diện chung cho thấy đã đạt được những kết quả khả quan. Ảnh minh họa: TTXVN

* Nhiều quy định "lệch" thực tiễn

Luật Hợp tác xã 2012 dù có sửa đổi cho phù hợp với xu thế phát triển kinh tế hiện nay, nhưng ngay trong những quy định của Luật cũng còn nhiều điều khác xa so với thực tiễn như: quy định về huy động vốn điều lệ, phải có vốn điều lệ tương ứng với số thành viên mới được hoạt động, các khoản vay tín dụng và hưởng lãi suất ưu đãi lại bị khống chế bởi tài sản tín chấp, nhưng chỉ trong giới hạn tín chấp là bất động sản, thế nhưng đất đai lại là của các hộ xã viên.
Qua trao đổi thông tin hoạt động sản xuất của hợp tác xã, ông Nguyễn Thiều Thanh Thế, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Thạnh (xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, An Giang) cho biết, theo quy định của luật, hợp tác xã phải cung ứng 70% dịch vụ của hợp tác xã cho các thành viên, tỷ lệ còn lại mới phục vụ cho các hộ sản xuất ngoài hợp tác xã.

Thế nhưng, đến cuối năm 2017, số lượng thành viên của Hợp tác xã Vĩnh Thạnh chỉ có 53 thành viên, trên diện tích sản xuất là 400 ha. Như vậy, tỷ lệ dịch vụ cung ứng ra bên ngoài là hơn 30%, vượt chỉ tiêu so với quy định.
Mặt khác, theo quy định, các thành viên được góp vốn tối đa không quá 20% vốn điều lệ. Khi có ít thành viên tham gia hợp tác xã thì sẽ không đủ vốn cho hợp tác xã hoạt động. Không những vậy, nhiều hợp tác xã rơi vào vòng luẩn quẩn thiếu vốn nhưng không có tài sản là văn phòng (bất động sản) để thế chấp, không có tài sản thì lại thiếu vốn…

Mỗi hợp tác xã hoạt động với mô hình đặc thù riêng, nhưng Luật Hợp tác xã lại áp dụng chung cho nhiều loại hình cùng lúc, nên gây ra bất cập trong hoạt động và xử lý vấn đề này sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từng đánh giá, hiện nay, nhiều hợp tác xã đã thực hiện đổi mới và chủ động nguồn vốn, đề ra chiến lược sản xuất, kinh doanh hiệu quả cho hợp tác xã, nhưng cũng có nhiều hợp tác xã chưa đổi mới triệt để, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước trong khi thiếu chiến lược kinh doanh rõ ràng, đảm bảo có lợi nhuận để có thể tiếp cận nguồn vốn vay.

Nếu người đứng đầu hợp tác xã chỉ động viên các thành viên bên ngoài tham gia vào hợp tác xã sẽ khó giải quyết được những khó khăn mà hợp tác xã mắc phải. Vì vậy, ban quản trị hợp tác xã phải có quyết sách về nguồn vốn hiện có sao cho hiệu quả. Có như vậy, các hợp tác xã mới nâng cơ hội mở rộng nguồn vốn hoạt động.

*Nhân lực vừa thiếu vừa yếu

Một trong những khó khăn nữa là thiếu nguồn nhân lực để vận hành Hợp tác xã hiệu quả. Qua khảo sát, hầu hết các Hợp tác xã chia sẻ, cán bộ của hợp tác xã còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, đa số từ nông dân đi lên, chưa có năng lực quản lý, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường.
Theo ông Sử Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, Cà Mau thì trên thực tế, nhiều chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc hợp tác xã đều xuất phát là nông dân.

Để có thể quản trị hợp tác xã, họ chỉ được đào tạo ngắn hạn từ 3 đến 5 ngày, có cán bộ chưa tốt nghiệp trung học phổ thông và không có kiến thức khoa học cụ thể về nông nghiệp, tất cả chỉ quản lý theo kinh nghiệm sản xuất nhiều năm.

Không những vậy, nhiều hợp tác xã vì không thể trả lương nên còn thiếu kế toán để quản lý thu, chi, lập kế hoạch tài chính cụ thể. Vị trí kế toán chỉ huy động theo thời điểm cần thiết như mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
Cũng có nhiều hợp tác xã đủ kinh phí để trả lương cho vị trí kế toán, nhưng hầu như các kế toán viên chưa đạt đến trình độ đại học.

Thậm chí chính hợp tác xã cũng phải cố gắng tạo điều kiện cho kế toán viên hợp tác xã học liên thông lên đại học, để quay về phục vụ cho Hợp tác xã. Nhưng quá trình này thường kéo dài từ 3 đến 4 năm.

Trong thời gian chờ đợi, chính Hợp tác xã cũng phải xoay xở để giải quyết vị trí kế toán cho hợp tác xã.

Điều này vô tình làm cho hợp tác xã mất một nguồn kinh phí hoạt động, nảy sinh thêm một vị trí giải quyết tạm thời, ông Hoàng Phúc Hậu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Hùng Hậu (Tây Ninh) chia sẻ.
Trước những khó khăn này, việc tìm giải pháp tháo gỡ, giúp các hợp tác xã có thêm động lực, điều kiện để hoạt động sản xuất, kinh doanh là vấn đề được các nhà chức năng quan tâm hơn hết.
Bài cuối: Động lực thúc đẩy các hợp tác xã "chuyển mình"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục