Phát triển chợ đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và tiểu thương

14:59' - 18/07/2018
BNEWS Hiện nay, hệ thống chợ truyền thống của Hà Nội xuống cấp nghiêm trọng. Ngành công thương Hà Nội đã triển khai các dự án cải tạo, xây dựng mới một số chợ nhưng kết quả không như mong muốn.
Người dân chọn mua sản phẩm bánh mứt kẹo truyền thống tại một cửa hàng trên phố Hàng Đường, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Nguyên nhân là do chính sách xã hội hóa cải tạo, xây dựng mới chợ chưa hấp dẫn doanh nghiệp "mặn mà" tham gia. Đồng thời, dự án cũng chưa đảm bảo lợi ích của các tiểu thương đang kinh doanh tại đó.

Do vậy, muốn cải tạo và xây dựng lại chợ truyền thống có hiệu quả, thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, Hà Nội cần cơ chế ưu đãi, đồng thời đảm bảo các yếu tố về văn hóa cũng như quyền lợi của tiểu thương.

Hầu hết các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội đều xuống cấp, không đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, làm mất mỹ quan đô thị.

Nhiều nơi chưa có hoặc thiếu chợ, tổ chức không hợp lý... khiến tình trạng chợ tạm, chợ cóc tồn tại dai dẳng, ảnh hưởng đến diện mạo và trật tự văn minh đô thị.

Điển hình như chợ Ngã Tư Sở được xếp loại chợ hạng 1 của Hà Nội, một thời đông đúc, kinh doanh buôn bán sầm uất.

Thế nhưng, hiện giờ, hàng loạt các kiốt phủ bạt, đóng kín, để trơ những thanh giá treo hàng hóa bị han rỉ, xuống cấp. Do vắng người kinh doanh, chợ Ngã Tư Sở trở nên ẩm thấp, tối tăm, đìu hiu.

Chợ Ngã Tư Sở không phải là nơi duy nhất có hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng. Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, trên địa bàn có 454 chợ các loại, tạo gần 200.000 việc làm cho người lao động là nơi lưu chuyển khoảng 60% lượng hàng hóa trên thị trường.

Tuy nhiên, phần lớn các chợ đều được xây dựng cách đây 20 - 30 năm, giờ đã xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh thương mại, kiểm soát nguồn gốc hàng hóa..., không bảo đảm yêu cầu về an toàn phòng, chống cháy nổ.

Nhưng lâu nay, trên thực tế, việc kêu gọi đầu tư phát triển chợ tại Hà Nội gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn, nhất là ở khu vực nông thôn.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, nguyên nhân là do các dự án kêu gọi đầu tư xây dựng, cải tạo chợ đều có quy mô nhỏ, lợi nhuận ít, việc quản lý phức tạp, trong quá trình triển khai thường gặp phản ứng của cộng đồng tiểu thương.

Một số chợ đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư từ nhiều năm nay như chợ Châu Long, Xuân La... nhưng mô hình không phù hợp thói quen mua bán của người dân, gây tình trạng khiếu kiện, gây mất ổn định, trật tự xã hội... khiến doanh nghiệp nản lòng.

Chưa hết, tại một số chợ đã được cải tạo, xây mới theo mô hình “chợ - trung tâm thương mại” như Cửa Nam, Hàng Da, chợ Bưởi... lại đánh mất không gian chợ truyền thống khi bố trí họp chợ ở khu vực tầng hầm, không phù hợp với thói quen của người dân nên cả người bán và người mua đều không mặn mà vào chợ.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thực trạng chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội đã ở mức “báo động đỏ”, không đủ tiêu chuẩn, không đáp ứng các điều kiện, nhất là công tác phòng cháy chữa cháy.

Do đó, muốn xây mới chợ truyền thống cần có những quyết sách mạnh của thành phố và những giải pháp tháo gỡ nhanh các vướng mắc hiện nay. Trong đó, vẫn phải lấy doanh nghiệp làm động lực phát triển, không thể giữ cơ chế bao cấp mãi.

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về việc cải tạo, xây mới hệ thống chợ truyền thống, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức Hội nghị liên ngành để xem xét, đánh giá đề xuất Dự án Đầu tư hệ thống chợ và thí điểm đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới một số chợ trên địa bàn Hà Nội của Liên doanh 3 doanh nghiệp gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn AMACCAO, Công ty cổ phần Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển hạ tầng Hoàng Thành.

Đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn AMACCAO cho biết, với mục tiêu đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây mới hệ thống chợ trên địa bàn Hà Nội một cách tổng thể, đồng bộ, liên doanh 3 doanh nghiệp đầu tư lập 1 dự án bao gồm toàn bộ 115 chợ có nhu cầu đầu tư xây dựng mới giai đoạn 2018 - 2022.

Đồng thời, đề xuất xây dựng phương án chuyển đổi đối với 120 chợ đầu tư cải tạo, nâng cấp gắn với chuyển đổi mô hình quản lý.

Riêng với dự án Đầu tư hệ thống chợ, các doanh nghiệp không đặt cao mục tiêu lợi nhuận mà mong muốn thông qua dự án sẽ góp phần xây dựng một hệ thống chợ bảo đảm chất lượng cho Thủ đô. Cùng đó, tăng cường uy tín, thương hiệu cho doanh nghiệp.

Theo tính toán của nhà đầu tư, trong 5 năm đầu, nhà đầu tư có thể lỗ, tuy nhiên, tình hình triển khai và hiệu quả của dự án được đánh giá là khả thi.

Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, dự án phù hợp với các quy định hiện hành và mang tính khả thi cao, đem lại lợi ích chung cho thành phố, tiểu thương và doanh nghiệp.

Việc rút ngắn thời gian thi công, đảm bảo vị trí kinh doanh, quyền lợi của tiểu thương là cần thiết và phù hợp, mang tính quyết định hiệu quả của dự án sau cải tạo, xây mới.

Vì vậy, cơ quan thẩm định đề nghị UBND thành phố chấp thuận chủ trương lập dự án theo đề xuất của Liên danh nhà đầu tư.

Đồng thời, giao cho các cơ quan có thẩm quyền và các lĩnh vực liên quan bắt tay thực hiện từng bước dự án đầu tư, xây dựng chợ mới.

Để dự án khả thi, đại diện cơ quan thẩm định đề nghị liên danh nhà đầu tư lập 1 dự án toàn bộ các chợ có nhu cầu đầu tư xây dựng mới giai đoạn 2018 - 2022 (gồm 115 chợ) làm cơ sở để tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định hiện hành.

Đối với các chợ đầu tư cải tạo, nâng cấp gắn với chuyển đổi mô hình quản lý chợ xây dựng từ 4-6 phương án (mỗi phương án tương ứng gồm 20 - 30 chợ, tổng số 120 chợ) làm cơ sở để tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Đối với dự án thí điểm đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây mới một số chợ, liên danh nhà đầu tư cần lập 1 dự án thí điểm đầu tư xây dựng mới chợ với tổng số 7 chợ, bao gồm 2 chợ do nhà đầu tư đề xuất gồm: Chợ Kiều Mai (quận Bắc Từ Liêm) và Chợ Dâu (huyện Đông Anh); bổ sung 5 chợ có nhu cầu cấp bách đầu tư tại huyện Sóc Sơn làm cơ sở để tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định; đồng thời, cần lập phương án chuyển đổi mô hình quản lý 7 chợ đang hoạt động theo danh mục nhà đầu tư đề xuất làm cơ sở để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định./.

Xem thêm:

>>>Khai mạc chuỗi Triển lãm quốc tế công nghệ và sản phẩm năng lượng xanh

>>>Khai mạc Ngày hội Du lịch “Văn hóa chợ nổi Cái Răng” năm 2018

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục