Pháp chia sẻ kinh nghiệm phát triển chính phủ điện tử với Việt Nam

07:37' - 20/04/2018
BNEWS Thành công của Pháp trong việc triển khai chính phủ điện tử và khả năng hợp tác song phương như trao đổi chuyên gia giỏi để chia sẻ các giải pháp, góp phần phát triển chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Pháp và Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng chính phủ điện tử. Ảnh: Linh Hương/TTXVN

Đó là hai trong những nội dung các cuộc làm việc, ngày 19/4 tại Paris, giữa Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng với Tổng Thư ký Chính phủ Pháp Marc Guillaume, Quốc vụ khanh phụ trách số hóa Mounir Mahjoubi và các doanh nghiệp Pháp.

Pháp là một nước phát triển về kinh tế-xã hội nói chung cũng như về công nghệ thông tin nói riêng. Theo xếp hạng chính phủ điện tử của Liên hiệp quốc năm 2016, Pháp đứng thứ 2.

Mặc dù tụt một bậc so với năm 2014 nhưng trên thực tế, Pháp đã triển khai xây dựng chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp từ rất lâu.

Bài học thành công của Pháp xuất phát từ chiến lược đúng đắn về xây dựng chính phủ điện tử gắn với cải cách hành chính nhà nước. Điều này cho thấy vai trò thiết yếu, không thể tách rời của ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phục vụ hoạt động cải cách.

Hiện nay, Việt Nam cũng đang thay đổi theo định hướng này. Tại các buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và các chuyên gia Pháp đã trao đổi những vấn đề về Chiến lược phát triển chính phủ số và dữ liệu mở gắn với cải cách hành chính nhà nước, cũng như về xuất phát điểm xây dựng chiến lược, nhu cầu quản lý và lộ trình thực hiện.

Các chuyên gia Pháp đã giới thiệu các chính sách phi giấy tờ và giao dịch trực tuyến, đơn giản hóa các văn bản trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp.

Bên cạnh đó, việc tổ chức số hóa các văn bản, giấy tờ để lưu trữ, sử dụng trong các cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành của các cơ quan nhà nước các cấp cũng rất quan trọng.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tại Việt Nam, các cơ quan nhà nước tuy đã triển khai số hóa tài liệu nhưng gặp nhiều khó khăn vì số lượng lớn các văn bản, giấy tờ cần số hóa. Trong khi đó Việt Nam chưa có những giải pháp công nghệ thực sự phù hợp và hiệu quả.

Những chia sẻ từ các chuyên gia Pháp sẽ giúp Việt Nam có thêm kinh nghiệm để xây dựng những chính sách quan trọng liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử toàn diện và hiệu quả tại Việt Nam./.
Xem thêm:

>>>Giao cụ thể nhiệm vụ trong Nghị quyết 19 tới từng bộ, ngành, địa phương

>>>Thủ tướng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về xây dựng Chính phủ điện tử

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục