PDVSA trong vòng xoáy khủng hoảng

10:46' - 18/01/2018
BNEWS Trong những năm gần đây, dầu mỏ là một trong những mặt hàng biến động sâu nhất, kéo theo số phận của các công ty trong ngành.

Là tập đoàn dầu khí quốc gia của Venezuela, đất nước có trữ lượng dầu mỏ lớn hàng đầu thế giới, Petróleos de Venezuela S.A. (PDVSA) không tránh khỏi việc bị hút xuống những vòng xoáy không mong muốn.
Nguồn gốc của PDVSA gắn liền với lịch sử của ngành dầu mỏ Venezuela. Công ty dầu mỏ đầu tiên được "thành hình" tại Venezuela là Compañia Nacional Minera Petrólia del Táchira, thành lập vào tháng 10/1878 và phải đến năm 1908, quá trình khai thác có hệ thống trữ lượng dầu mỏ của Venezuela mới bắt đầu.

Nguồn gốc của PDVSA gắn liền với lịch sử của ngành dầu mỏ Venezuela. Ảnh: Reuters

Bước đi quan trọng giúp Caracas toàn quyền kiểm soát nguồn “vàng đen” của đất nước là vào tháng 4/1960, khi Corporación Venezolana de Petroleo (CVP) được thành lập với tư cách là công ty dầu mỏ quốc gia.

Quá trình quốc hữu hoá ngành dầu mỏ yêu cầu tạo ra một cơ cấu cho phép ngành tiếp tục vận hành bình thường dưới cơ chế mới, đây chính là lý do PDVSA được thành lập vào năm 1976, để điều phối, giám sát, kiểm soát và lên kế hoạch cho các công ty con.
Dầu của PDVSA được tiếp thị thông qua các công ty dầu mỏ quốc tế lớn như Exxon Corporation (Mỹ), Royal Dutch Shell (Anh-Hà Lan), Gulf (Mỹ), giúp duy trì thị phần của PDVSA.

Bắt đầu từ ngày 1/3/1978, PDVSA đứng ra "gánh vác" ngành hoá dầu của đất nước, khi Chính phủ Venezuela trao cho công ty quyền sở hữu Petroquímica de Venezuela SA (Pequiven), gồm hai khu liên hợp hoá dầu tại bang Carabobo và bang Zulia, Venezuela.
Trong năm 1989, PDVSA sản xuất khoảng 1,6 triệu thùng dầu và khí ngưng tụ mỗi ngày, bên cạnh việc sở hữu 12 nhà máy lọc dầu với tổng công suất xử lý lên tới 1,75 triệu thùng dầu/ngày.

PDVSA cung cấp cho thị trường nội địa khoảng 335.000 thùng các chế phẩm dầu mỏ/ngày. Thông qua việc sở hữu tập đoàn dầu mỏ CITGO, PDVSA còn sở hữu các nhà máy lọc dầu tại Lake Charles, Louisiana, và tại Corpus Christi, Texas, Mỹ.
Hiếm doanh nghiệp nào phát triển mà không qua thâu tóm, PDVSA cũng không ngoại lệ. Công ty con Propernyn PDVSA ban đầu mua 50% cổ phần của CITGO từ tay Southland Corporation, đến năm 1990 trở thành chủ sở hữu duy nhất của CITGO. PDVSA còn mua tài sản của Unocal (Mỹ), qua đó giành quyền tiếp cận một nhà máy lọc dầu gần Chicago, cũng như tiếp cận các cơ sở phân phối và tiếp thị tại Illinois, Michigan, Iowa, Ohio và Wisconsin.

Mỹ từng là thị trường chính của PDVSA, chiếm 54% tổng xuất khẩu của PDVSA trong năm 1988, tương đương 891.000 thùng dầu/ngày, trong lúc châu Âu đứng ở vị trí thứ hai với 205.000 thùng/ngày, tương đương 12,4% tổng xuất khẩu.

Trữ lượng dầu mỏ kiểm chứng của PDVSA tăng từ 18,2 tỷ thùng dầu trong năm 1976 lên 58,35 tỷ thùng trong năm 1989, một phần nhờ nỗ lực gia tăng hoạt động thăm dò của tập đoàn. Năm 1987, PDVSA bắt đầu xuất khẩu than đá, với lượng xuất khẩu ban đầu đạt 500.000 tấn. PDVSA đạt 825,6 triệu USD lãi ròng trong năm đầu hoạt động 1976 và một năm sau, con số này tăng thành 1,88 tỷ USD.
Những năm gần đây, hoạt động của PDVSA bị đình trệ và gián đoạn ở vùng Caribê, một trong những khu vực quan trọng nhất của doanh nghiệp này, do những khoản nợ chồng chất. Và tình trạng này như “đổ thêm dầu” vào cuộc khủng hoảng của PDVSA, vốn phải vật lộn với sản lượng giảm, giá dầu thấp và suy thoái kinh tế chưa từng có tại Venezuela.

Ngày 23/11/2016, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro thông báo quyết định “tái cơ cấu hoàn toàn” PDVSA.

Tháng 11/2017, Hiệp hội Hoán đổi quốc tế và Sản phẩm phái sinh (ISDA) cho rằng PDVSA đã không trả được nợ, sau khi một ủy ban bao gồm 15 công ty tài chính thuộc ISDA đã xem xét kỹ ba khoản thanh toán trái phiếu chưa thực hiện của PDVSA theo yêu cầu của các nhà đầu tư. Nợ của PDVSA tính đến cuối năm 2016 lên đến gần 42 tỷ USD.
Tình hình thêm nghiêm trọng khi PDVSA hồi cuối tháng 11/2017 đã phải đón nhận "tin dữ": 65 quan chức và doanh nhân cấp cao của tập đoàn này đã bị bắt vì cáo buộc dính líu tham nhũng. Hiện tương lai vẫn là một màu u ám đối với "cỗ máy kiếm tiền" của Venezuela, khi ngành công nghiệp dầu khí vốn đem về 96% nguồn ngoại tệ cho quốc gia Nam Mỹ này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục