Nở rộ cơ sở mua bán nông ngư cơ cũ, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

17:42' - 26/07/2017
BNEWS Hàng trăm chiếc máy nông ngư cơ cũ bày bán tại đây bị rỉ sét, nhếch nhác. Thậm chí, máy móc cũ bày “tràn” ra ngoài đường gây ô nhiễm.

Hiện nay, dọc theo tuyến Quốc lộ 1A trên địa bàn Long Hiệp huyện Bến Lức- giáp ranh Tp. Hồ Chí Minh đến huyện Thủ Thừa, thành phố Tân An, hàng trăm cơ sở, doanh nghiệp mua bán nông ngư cơ đã hình thành. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan cũng như tiềm ẩn nguy cơ từ nước thải.

Phần lớn nông ngư cơ đã cũ kỹ, rỉ sét.... nằm phơi nắng, phơi mưa trong nhiều ngày qua, tập trung nhiều nhất là Quốc lộ 1 A đoạn qua xã Mỹ Yên, Phước Lợi và Long Hiệp. Không biết tự bao giờ, địa bàn này đã trở thành chợ máy nông ngư cơ cũ.

Không có gì đáng nói nếu những cửa hàng này chỉ đơn thuần là bán máy móc phục vụ nông nghiệp. Bởi hiện nay, hàng trăm chiếc máy nông ngư cơ cũ bày bán tại đây bị rỉ sét, nhếch nhác. Thậm chí, máy móc cũ bày “tràn” ra ngoài đường gây ô nhiễm.

Theo ông Đỗ Văn Út, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cửu Long, đặt tại xã Mỹ Yên, hàm lượng rỉ mangan và sắt có trong máy nông ngư cơ ít không đáng kể chỉ đáng sợ là hàm lượng chì thải ra môi trường. Tuy nhiên, máy nông ngư cơ lại không có hàm lượng này.

Ngày nào cũng có vựa đến thu gom đem về tái xuất, nên không ảnh hưởng đến môi trường. Chỉ có vấn đề là diện tích chất hẹp nên việc bày bán lấn chiếm lòng lề đường của người đi bộ, ông Út cho biết.

Ông Nguyễn Hiếu Kỳ, Giám đốc Công ty TNHH Hiếu Kỳ cho biết, thời gian qua, các ngành chức năng cũng đã đi kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu các cơ sở kinh doanh mặt hàng nông ngư cơ phải xây dựng các hầm chứa dầu nhớt, có qua hệ thống lọc.

Theo quan sát tại những cơ sở mua bán nông ngư cơ, để cho một máy cũ thành mới, điều trước tiên họ rửa sạch bằng nước tẩy. Đây là chất có độ axít cao nhằm làm trôi đi sét đã hoen ố trong thân máy. Đối với việc sửa chữa, thay thế phụ tùng, dầu chảy từ máy chảy xuống mặt đất, đọng lại thành những vết đen kịt. Qua quá trình lâu dài sẽ tích tụ vào lòng đất, thấm vào mạch nước là điều không thể tránh khỏi.

Toàn huyện Bến Lức có khoảng 109 cửa hàng bán nông ngư cơ cũ; trong đó, có hơn 20 cửa hàng không có giấy phép. Trung bình, mỗi cửa hàng có khoảng trăm chiếc máy. Được biết, những chiếc máy nông ngư cơ cũ khi nhập về, ngoài số ít cơ sở được trưng bày, thì phần lớn còn lại chủ cửa hàng phải "rã" từng món và “tân trang” lại để bán cho khách hàng.

Theo ông Lê Thành Út, Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Lức, thực trạng hình thành chợ nông ngư cơ đóng trên địa bàn huyện, đoạn qua Quốc lộ 1A đã gây ảnh hưởng lớn tới môi trường. Các cơ sở vừa xả dầu, vừa để máy móc ảnh hưởng đến hành lang lộ giới, an toàn giao thông; đồng thời, mỹ quan, cảnh quan rất lộn xộn, không được đẹp. UBND huyện thường xuyên chấn chỉnh, kiểm tra và giao lại địa phương quản lý.

Tính từ đầu năm 2017 đến nay, huyện đã ra quân kết hợp với xử lý lấn chiếm lòng lề đường, trật tự đô thị. Qua các đợt kiểm tra đột xuất, chuyên đề và thường xuyên này, huyện đã xử phạt hành chính hàng chục cơ sở không phép và gây ô nhiễm với số tiền gần 100 triệu đồng.

Về lâu dài, huyện Bến Lức định hướng qui hoạch một khu chợ nông ngư cơ khoảng 80 ha tại xã Thanh Phú, tạo điều kiện thu hút các cơ sở mua bán nông ngư cơ vào mua bán tập trung. Hiện nay, huyện đang vận động và thu hút các nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để hoàn thiện cơ sở mua bán nông ngư cơ tập trung. Đây là giải pháp căn cơ nhất để trả lại mặt bằng Quốc lộ 1A.

Theo ông Quách Cao Minh, Chi Cục trưởng, Chi cục Bảo vệ môi trường, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An, ngành đã nhận thấy việc này từ năm 2013, đã có rất nhiều cơ sở nông ngư cơ tập trung về huyện Bến Lức. Điều này ảnh hưởng đến mỹ quan vốn là cửa ngõ của Tp.Hồ Chí Minh. Từ những năm đó, ngành thanh tra môi trường và huyện cũng có kế hoạch kiểm tra, nhắc nhở. Trong tương lai, các cửa hàng này sẽ dời đến một chợ mới để bán theo qui hoạch của huyện Bến Lức.

Trong quá trình kiểm tra, ông Quách Cao Minh cho biết thêm, thực tế không phải tất cả các cửa hàng đều đem những máy móc, thiết bị về là phải tháo ra hết. Có cái tháo ra, có cái vẫn để bán. Qua quá trình theo dõi, khoảng 50% cơ sở có dịch vụ sửa chữa máy móc. Trong quá trình sửa chữa có phát sinh dầu thải và giẻ lau dính dầu nhớt. Ngành cũng đã nhắc nhở, xử lý theo qui định.

Trong khi chờ những giải pháp căn cơ của địa phương và ngành chức năng thì sự uy hiếp về ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị sẽ còn kéo dài. Quan trọng nhất vẫn là ý thức của các chủ cửa hàng, bởi ngoài việc kinh doanh, thì cần phải gắn trách nhiệm và ý thức công dân. Từ đó, tránh nguy cơ tiềm ẩn, gây tác hại đến môi trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục