Niềm tin từ tư duy điều hành chủ động thay vì thụ động

18:48' - 13/10/2017
BNEWS Trong những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc đổi mới và cải cách các chính sách điều hành kinh tế với tinh thần kiến tạo và đồng hành cùng doanh nghiệp.

Mỗi doanh nghiệp đều có chung sự lạc quan, tin tưởng về tương lai đầy triển vọng và tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.

Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ông Hồ Hoàng Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phú Thành đã trả lời phỏng vấn BNEWS/TTXVN về những suy nghĩ của mình đối với những tác động chính sách mà Chính phủ kiến tạo và hành động mang lại.

Đây là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực thiết bị chiếu sáng dân dụng và công nghiệp.

Ông Hồ Hoàng Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phú Thành. Ảnh: Kiều Hưng

BNEWS: Với chủ trương xây dựng một Chính phủ kiến tạo và hành động vì doanh nghiệp, ông bình luận gì về điều này?

Ông Hồ Hoàng Hải: Thực sự là ấn tượng bởi cách đây 70 năm, trong bức thư Bác viết vào ngày 13/10/1945 đã khẳng định vai trò của doanh nhân: "Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng, nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng"; "Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết" và "Tôi mong giới công thương... hãy cùng đem vốn vào làm công cuộc ích nước, lợi dân".

Đáng mừng là việc làm đầu tiên của Chính phủ mới là tổ chức ngay hội nghị đối thoại giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Tiếp đến là giải quyết một số những khó khăn, vướng mắc với doanh nghiệp mà điển hình là vụ quán Cà phê Xin chào.

Thực tâm, tôi đánh giá cao về điều này, cho dù là việc nhỏ và chưa đem lại tác động to lớn hay hiệu quả tích cực cho số đông doanh nghiệp. Song đã thể hiện một tinh thần quyết liệt đổi mới, một thái độ tích cực "biết lắng nghe" và "nói đi đôi với làm"; một tư duy điều hành chủ động thay vì sự thụ động và quan liêu như trước...

Vượt lên trên tất cả, Chính phủ đã giúp củng cố niềm tin trong mỗi doanh nghiệp chúng tôi để giữ vững nhiệt huyết trong kinh doanh; can đảm tiến lên trên con đường đã chọn, dù trước mắt còn biết bao khó khăn, thách thức và rủi ro đang chờ đợi hay nói khác đi doanh nghiệp càng lớn thì rủi ro trong kinh doanh càng nhiều. Đó thực sự là tâm trạng chung mà mỗi người làm chủ doanh nghiệp đều xác định phải trải qua.

Cũng cần nói thêm và rất đáng mừng là sự quan tâm của Chính phủ không chỉ dành cho các doanh nghiệp hiện hữu mà cả những doanh nghiệp tương lai (doanh nghiệp khởi nghiệp).

Điều đó được thể hiện qua việc có rất nhiều hội nghị, hội thảo, chương trình và chính sách thúc đẩy, khuyến khích tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp, nơi ươm mầm và hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

BNEWS: Vẫn có ý kiến cho rằng, các cuộc đối thoại chính sách giữa doanh nghiệp với chính quyền và các cơ quan, ban, ngành cần đi vào thực chất hơn nữa, thay vì chỉ lắng nghe, xem xét như phản ánh của một số doanh nghiệp và Hiệp hội. Ông nghĩ sao về điều này.

Ông Hồ Hoàng Hải: Tôi xác nhận điều đó là có. Đâu đó còn nhiều điều không hài lòng ở một bộ phận doanh nghiệp, một số lĩnh vực đòi hỏi được ưu tiên hơn những lĩnh vực khác. Nhiều người vẫn mang tư duy mình hay lĩnh vực của mình là quan trọng hơn và thiếu nhận thức đúng đắn, đầy đủ về những nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua.

Bạn thử hình dung việc tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, sẵn có và lãi suất thấp hiện nay đã dễ dàng hơn nhiều so với trước đây. Lúc đó, mỗi khi gần cuối năm, các doanh nghiệp như chúng tôi thường "chạy" lo ngoại tệ, nội tệ để thanh toán hay trả nợ... Hay như việc nộp thuế cũng vậy, hầu như mọi công đoạn đến nay đều được dịch vụ hoá và doanh nghiệp có thể chủ động, giảm nhiều tốn phí và thời gian...

Nói như vậy không có nghĩa là mọi thứ đều đã hoàn hảo và thực tế có thể làm tốt hơn rất nhiều như tình trạng "trên nóng dưới lạnh" hay "trên bảo dưới không nghe" vẫn phổ biến ở nhiều lúc, nhiều nơi.

Thực tiễn cho thấy, cải cách hay đổi mới không chỉ đòi hỏi ở Chính phủ hay lãnh đạo các bộ, ngành, chính quyền các địa phương mà nếu muốn hiệu quả thì từng cán bộ công chức, cá nhân đều phải nỗ lực thực thi với sự thống nhất ở mọi cấp trong việc điều hành và triển khai chính sách.

BNEWS: Là một doanh nhân và điều hành một doanh nghiệp có thương hiệu, bề dày uy tín trên thị trường, ông thấy doanh nghiệp của mình cần gì?

Ông Hồ Hoàng Hải: Cái cần thì vô cùng, nhưng điều khiến doanh nghiệp tâm tư nhiều nhất hiện nay là tại sao đi đến đâu, chạm vào dự án nào hầu như đã thấy "đặt gạch".

Đó là sự bất công, sự cạnh tranh không bình đẳng khiến thị trường bị bóp méo. Các doanh nghiệp không phải đua nhau đầu tư vào công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm hay hạ giá thành, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Nhiều doanh nghiệp lại đầu tư mạnh tay vào những "góc khuất" để mua dự án và sau đó có thể nhượng lại hoặc thuê đối tác khác làm. Mặc dù họ không đủ năng lực triển khai và cũng không đủ tầm để kiểm soát quá trình triển khai hay chất lượng sản phẩm...

Thiết nghĩ, muốn có được đội ngũ các doanh nghiệp tư nhân lớn, mạnh và giỏi giang, Đảng và Nhà nước cần tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng và "không ai bị bỏ lại phía sau".

Nói khác đi là là năm 2017 và những năm tới đây được coi là thời kỳ của khu vực kinh tế tư nhân mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ không được trao cờ vào tay thì lấy gì mà phất.

BNEWS: Trân trọng cảm ơn ông!

>>>Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chính phủ luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục