Những quan điểm khác nhau về thượng đỉnh Mỹ-Triều (Phần 2)

06:30' - 25/06/2018
BNEWS Hội nghị thượng đỉnh Singapore sẽ mở đường cho Hàn Quốc thúc đẩy các dự án đầu tư với Triều Tiên, cũng như tạo điều kiện cho các nguồn viện trợ quốc tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc gặp ở Singapore. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Trung Quốc, Nhật Bản và Nga đang thúc đẩy các cuộc gặp song phương với nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhằm giành giật ảnh hưởng với Bình Nhưỡng.

Những kết quả này chắc chắn sẽ củng cố địa vị và chính quyền do ông Kim Jong-un lãnh đạo ở Triều Tiên. Quan trọng nhất, sự tiếp đón nồng ấm của Tổng thống Mỹ đã giúp ông Kim bình thường hóa, chứ không phải là hợp pháp hóa, tư cách của Triều Tiên như là một cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân. Ông Kim Jong-un không quan tâm đến hình mẫu Libya nhưng lại quan tâm đến hình mẫu Pakistan.
Mặc cho những cam kết mới, kho vũ khí của ông Kim Jong-un vẫn không thu hẹp hơn so với hồi tháng 11 năm ngoái, thời điểm Triều Tiên thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng bắn tới Mỹ.

Câu hỏi hiện nay là sau hội nghị Singapore, ông Trump có đạt được thỏa thuận “thẩm tra” các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên hay không. Yêu cầu thanh sát là “ngưỡng cửa” mà Triều Tiên chưa bao giờ đồng ý trước đây, nhưng nó là cánh cổng dẫn tới phi hạt nhân hóa một cách hòa bình và ổn định ở Đông Bắc Á.
Trong khi đó, John Nilsson-Wright, giảng viên cao cấp của trường Đại học Cambridge, cho rằng hai nhà lãnh đạo chắc hẳn nghĩ rằng hội nghị thượng đỉnh đã đáp ứng được mọi kỳ vọng của họ, và có thể được coi là thành công.

Tuy nhiên, cần phân biệt rõ giữa những kỳ vọng - vốn đầy tham vọng - với việc đem lại tiến bộ thực sự, rõ ràng, có thể đo lường được. Sự kiện này giống việc đức tin chiến thắng thực tế, cộng thêm cách quảng bá để tăng cường vị thế của ông Trump trong mắt những người ủng hộ ở nước nhà.

Trong khu vực, các đồng minh của Mỹ sẽ cảm thấy bất ổn bởi những tuyên bố của ông Trump dường như ám chỉ đến việc giảm sự có mặt của lực lượng Mỹ tại khu vực vào một thời điểm nào đó, nhắc lại quan điểm về việc chia sẻ gánh nặng phòng thủ quen thuộc.

Ngay cả nếu không dính dáng đến Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, tuyên bố này - cùng với việc đình chỉ các cuộc tập trận quân sự chung - sẽ tạo nguy cơ gây mất ổn định cho những mối quan hệ liên minh quan trọng, có thể gây rắc rối hơn nữa cho cuộc cạnh tranh quân sự và chạy đua vũ khí trong khu vực.
Ankit Panda, Biên tập viên cao cấp của báo Diplomat, nhận định những nhượng bộ mà Triều Tiên đưa ra cho các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân - cho đến giờ, bao gồm việc thông báo lệnh cấm kiểm tra tên lửa đạn đạo liên lục địa và việc đóng cửa (có thể đảo ngược) của địa điểm thử nghiệm hạt nhân tại Punggye-ri vào cuối tháng 4 - chẳng mấy liên quan đến hoạt động ngoại giao đang diễn ra.

Trong định nghĩa của Triều Tiên, đây là những hành động được thực hiện vì đất nước này đã hoàn thành việc ngăn chặn hạt nhân và bây giờ muốn báo hiệu với thế giới rằng Triều Tiên sẽ tiếp tục tồn tại như một cường quốc có vũ khí nguyên tử đã trưởng thành và có trách nhiệm.
Nhà nghiên cứu Andrea Berger của Trung tâm nghiên cứu James Martin cũng có chung quan điểm tương tự với ông Daniel Russel khi cho rằng tuyên bố chung Mỹ-Triều tại Singapore giống các thỏa thuận trước đây, thậm chí ở một số điều khoản còn mơ hồ hơn.

Tuy nhiên, bất chấp tuyên bố chung lần này chỉ là "bình mới, rượu cũ", có thể ý định mới là điều quan trọng. Bà Andrea Berger nhận xét cuộc họp ở Singapore đã tạo ra không gian chính trị và đà hướng tới các cuộc đàm phán trực tiếp hơn, thích hợp hơn.
Trên thực tế, cuộc họp báo của ông Trump cho thấy các cam kết bằng lời có thể đã được thực hiện. Cùng với các tiết lộ khác, ông Trump tuyên bố kế hoạch hủy các cuộc tập trận quân sự chung của Mỹ-Hàn, vốn từ lâu đã khiến Triều Tiên "dị ứng".

Cộng đồng quốc phòng Mỹ chắc chắn sẽ phản đối việc hủy các cuộc tập trận phòng thủ hợp pháp. Tuy nhiên, có thể việc dừng các cuộc tập trận chung này sẽ giúp cho tình hình với Bình Nhưỡng tiến triển tốt hơn nữa, như khi các cuộc tập trận “Tinh thần đồng đội” được đình chỉ vào đầu những năm 1990.
Theo nhà nghiên cứu Berger, ông Kim Jong-un hẳn đã rất hài lòng với hình ảnh đã được "đánh bóng" của mình trong vai trò là một chính khách quốc tế có trách nhiệm.

Lãnh đạo Triều Tiên chắc chắn cũng sẽ được khuyến khích bởi thông báo bất ngờ của ông Trump rằng các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn sẽ kết thúc. Mỹ cần phải duy trì động lực đằng sau các cuộc thảo luận này và phải nhanh chóng mang lại những tiến bộ có ý nghĩa.
Giám đốc Nghiên cứu và Chiến lược Liberty ở Triều Tiên, Sokeel Park nhận xét hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim, vốn khá rầm rộ, chỉ tạo ra được một thỏa thuận rất nhẹ nhàng và theo khuôn mẫu. Thỏa thuận này thực sự có thể chỉ cần sao chép từ các thỏa thuận khác trước đây với Triều Tiên.

Đây là một khởi đầu không ấn tượng, người ta cũng chỉ kỳ vọng cuộc gặp gỡ này là phát súng bắt mở màn cho một hành trình dài mà chúng ta sẽ phải chờ 1-2 năm mới có thể phán xét./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục