Những mối quan tâm của Canada đối với hiệp định CPTPP

05:30' - 14/03/2018
BNEWS Sau khi ký CPTPP, dù không đưa ra thời điểm cụ thể nhưng Bộ trưởng Thương mại Quốc tế và vấn đề toàn cầu Canada Francois-Philippe Champagne khẳng định Canada sẽ khẩn trương phê chuẩn hiệp định này.
Hiệp định CPTPP chính thức được ký kết tại Chile. Ảnh: THX/ TTXVN

Tuy nhiên trong bài viết mới được đăng trên trang web iPolitics của Canada, nhà đàm phán về nông nghiệp Canada Frédéric Seppey cho biết Nhật Bản có thể phê chuẩn thoả thuận vào đầu tháng Tám tới, trong khi Canada có thể sẽ muộn hơn vì cần được cả Hạ viện và Thượng viện thông qua. 

Hiện Quốc hội Canada do đảng Tự do chiếm đa số nên việc thông qua sẽ không gặp trở ngại gì. Thời gian phê chuẩn chậm nhất có thể vào cuối năm 2019. “Chúng tôi hy vọng rằng việc 11 nước thông qua sẽ được tiến hành nhanh chóng”, ông Seppey nói. “Trong trường hợp của Canada, theo ý nguyện của Quốc hội, có thể có cơ hội để hoàn thành quá trình phê chuẩn càng nhanh càng tốt vào cuối năm 2019”.

Hiện Chính phủ Canada bị áp lực ngày càng tăng từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và một số nhóm ngành công nghiệp, nông nghiệp để thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Chính phủ Canada mong muốn là một trong sáu nước thành viên ban đầu phê chuẩn hiệp định thương mại này và đưa nó vào hiệu lực.

Nhiều ngành công nghiệp phụ thuộc vào xuất khẩu của Canada, bao gồm cả ngành nông nghiệp, đều coi Hiệp định là một giải pháp an toàn cho nền kinh tế trong bối cảnh các cuộc tái đàm phán NAFTA gặp bế tắc và Canada đang bị ép trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ. 

Bộ trưởng Champagne cho rằng Canada phải nỗ lực để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và quan hệ thương mại. Chính vì thế, ngành nông nghiệp của Canada ngay lập tức lên tiếng hoan nghênh CPTPP vừa mới được ký kết tại Chile.

Trong các nước tham gia ký kết CPTPP, hiện Canada mới có các thoả thuận thương mại tự do (FTA) với ba quốc gia là Chile, Mexico và Peru. CPTPP sẽ giúp Canada có thương mại tự do với thêm bảy nước khác ở châu Á - Thái Bình Dương, gồm Australia, Brunei Darussalam, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Singapore và Việt Nam. 

Sau khi được phê chuẩn và có hiệu lực, CPTPP sẽ mở ra những thị trường mới cho các sản phẩm dầu cải canola. Theo tính toán của Chủ tịch Hội đồng Canola Canada Jim Everson, khi thuế nhập khẩu được loại bỏ hoàn toàn tại Nhật Bản và Việt Nam trong 5 năm, xuất khẩu dầu canola và bột mì có thể tăng lên đến 780 triệu đôla Canada (CAD, khoảng 604 triệu USD)/năm. 

Hiện nay, hơn 90% sản phẩm cải dầu canola của Canada được xuất khẩu, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc.

Theo ước tính của Hiệp hội Chăn nuôi gia súc Canada, tổng giá trị xuất khẩu thịt bò của Canada sang Nhật Bản sẽ tăng lên 200 triệu CAD/năm, so với 115 triệu CAD như hiện nay. 

Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, là thị trường nhập khẩu lúa mì mới trị giá 598,6 triệu CAD mỗi năm đối với Canada sau khi CPTPP có hiệu lực. Chính vì thế, Hiệp hội những người trồng lúa mì ở Tây Canada (WCWG) tỏ ra rất hài lòng về việc ký kết CPTPP, đồng thời kêu gọi Canada cần phải là một trong số những người đầu tiên phê chuẩn và đưa CPTPP có hiệu lực.

Sau khi CPTPP được ký kết, mặc dù hầu hết các ngành nghề phụ thuộc vào xuất khẩu của Canada đều hoan nghênh bày tỏ lạc quan về tiến trình thực thi Hiệp định cũng như những lợi ích mà CPTPP mang lại nhưng vẫn có những tổ chức ở Canada lo ngại những tác động tiêu cực của hiệp định này. Unifor - Liên đoàn doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Canada - nói sẽ chống lại việc phê chuẩn CPTPP. 

Trong vài tuần tới, liên minh này sẽ huy động nhân viên khắp Canada phản đối mạnh mẽ thỏa thuận này và sẽ tích cực vận động các nghị sĩ Quốc hội Canada bỏ phiếu chống lại việc thực hiện. Theo lời ông Jerry Dias, Chủ tịch Unifor, CPTPP chỉ là TPP 2.0 mà “không có gì toàn diện hoặc tiến bộ”.

Sự vội vã của Chính phủ Trudeau trong việc ký một thoả thuận không tiến bộ “sẽ làm tổn thương những người lao động Canada”.Một trong những mối quan tâm chính là các quy tắc mới của CPTPP sẽ làm giảm rào cản cho các nhà sản xuất ô tô nước ngoài, nhất là Nhật Bản, khi đầu tư vào Canada mặc dù đã có thoả thuận giữa Canada và Nhật Bản đảm bảo rằng xuất khẩu ô tô của Canada phải được Nhật Bản đối xử công bằng. Nhật Bản là một trong những thị trường đóng cửa nhất trên thế giới về nhập khẩu ô tô. 

Năm 2017, Canada chỉ xuất khẩu được khoảng 42 triệu CAD mặt hàng ô tô và phụ tùng ô tô sang Nhật Bản, trong khi đó Nhật Bản xuất khẩu đến hơn 6 tỷ CAD sang Canada. “Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản sẽ tổ chức lễ kỷ niệm ngày hôm nay”, ông Dias nói và bày tỏ lo ngại rằng Canada ký kết CPTPP với những điều khoản tác động tiêu cực đến ngành sản xuất ô tô trong nước sẽ tạo ra tiền lệ xấu khi đồng thời tiếp tục tái đàm phán NAFTA.

Một lĩnh vực khác khiến Unifor cam kết chống lại việc phê chuẩn CPTPP là về quyền của người lao động. Unifor cho rằng CPTPP không thực hiện bất kỳ tiến bộ nào có ý nghĩa về quyền của người lao động để đảm bảo tuân thủ và có thể thực thi được. 

Chương trình lao động về cơ bản không thay đổi so với hiệp định ban đầu, với các điều khoản bắt nguồn từ mẫu đàm phán ban đầu của Mỹ, mà các điều khoản này đã được thử nghiệm trong các hiệp định thương mại toàn cầu khác và được chứng minh là không có hiệu quả trong việc giải quyết các vi phạm lao động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục