Những "cánh tay nối dài" trong hành trình dẫn vốn đến với người nghèo

19:23' - 06/09/2017
BNEWS Chiều 6/9, tại Hà Nội, Ngân hàng Chính sách Xã hội tổ chức tọa đàm trực tuyến Hoạt động ủy thác vốn tín dụng chính sách – Cánh tay nối dài trong hành trình dẫn vốn đến với người nghèo.
Một buổi giao dịch giải ngân vốn vay tại điểm giao dịch xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội, trong suốt cuộc hành trình 15 năm hoạt động tín dụng chính sách, phương thức ủy thác vốn tín dụng qua các hội, đoàn thể đã góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, nguồn vốn tín dụng chính sách được giải ngân nhanh chóng, kịp thời, đến đúng đối tượng thụ hưởng; giúp hàng triệu người nghèo và các đối tượng chính sách có vốn sản xuất kinh doanh, tạo thêm được việc làm, tăng thêm thu nhập, cải thiện và dần ổn định cuộc sống.

Thông qua việc thực hiện dịch vụ ủy thác, các hội, đoàn thể có điều kiện củng cố tổ chức và thu hút hội viên; tham gia giám sát đảm bảo chính sách tín dụng được thực hiện công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả trong sử dụng nguồn lực của nhà nước cho mục tiêu giảm nghèo...

Tính đến hết tháng 7/2017, 4 tổ chức chính trị xã hội đang quản lý trên 187 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách Xã hội đạt gần 164 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, Hội Phụ nữ quản lý trên 71 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ gần 65 nghìn tỷ đồng; Hội Nông dân quản lý trên 60 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ gần 53 nghìn tỷ đồng; Hội Cựu chiến binh quản lý trên 31 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ gần 26 nghìn tỷ đồng; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quản lý trên 24 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn, với dư nợ là gần 21 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh việc phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng, tổ chức chính trị xã hội đã động viên hội viên dành dụm chi tiêu, hăng hái thực hành tiết kiệm được 6.107 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn cho vay tại Ngân hàng Chính sách Xã hội. Đồng thời, thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn với số tổ có chất lượng hoạt động khá, tốt chiếm trên 96%.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, trưởng ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội nông dân Việt Nam khẳng định, tác động của tín dụng chính sách đối với công cuộc giảm nghèo bền vững trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn hơn 10 năm qua là hết sức khả quan.

Nhờ có nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời, các hộ nghèo nói chung, hội viên nông dân nghèo nói riêng có điều kiện để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đây là nhân tố tích cực nhất góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 22% năm 2005 xuống dưới 10% năm 2016.

"Có lẽ, kỳ tích giảm nghèo của Việt Nam thời gian qua là nhờ giải pháp riêng có này. Đối với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số..., việc triển khai hoạt động tín dụng chính sách còn có tác động quan trọng khác nữa như góp phần ổn định an ninh, trật tự ở nông thôn, gìn giữ đất đai, làng bản, biên cương, biển đảo của Tổ quốc...", ông Nguyễn Xuân Thắng nói.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng cho biết, nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách rất lớn. Cụ thể hộ cận nghèo và vay vốn giải quyết việc làm của người khuyết tật, hộ gia đình bị thu hồi đất sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế tại các làng nghề, hội viên có hoàn cảnh khó khăn thuộc hội phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên, Hợp tác xã khu vực nông nghiệp nông thôn đều đang "khát" vốn ưu đãi.

Ông Thắng phân tích, hội viên muốn thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới thì phải có thu nhập, mà muốn có thu nhập thì phải thực hiện sản xuất kinh doanh, có việc làm. Sản xuất kinh doanh trong đó việc trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ đều phải mua giống, phân bón, thức ăn hay vật tư khác.

Hộ nghèo, hộ chính sách phần nhiều rất thiếu tiền từ chi tiêu thiết yếu đến sinh hoạt thường nhật, do đó vốn để mua giống, vật tư cho trồng trọt chăn nuôi … lại càng thiếu. Họ rất khó khăn trong việc vay vốn ở cộng đồng.

Bà Hồ Lan Hương, Phó Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo Ngân hàng Chính sách xã hội khẳng định, quy trình quản lý tín dụng theo mô hình Tổ Tiết kiệm và vay vốn và ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội phù hợp với đặc thù của việc cấp tín dụng chính sách. Đây là cách làm mới, cách làm sáng tạo, chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam.

Bà Hương cũng cho biết, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội trong tham mưu cho các tổ chức hội đẩy mạnh thực hiện và nâng cao chất lượng ủy thác, thông qua công tác giao ban hàng tháng giữa Ngân hàng Chính sách Xã hội và hội cấp xã; hội cấp huyện là 2 tháng/lần; cấp tỉnh là 3 tháng/lần và cấp trung ương là 6 tháng/lần.

Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách Xã hội thường xuyên phối hợp với hội các cấp tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo nghiệp vụ ủy thác cho cán bộ hội, đồng thời tổ chức nhiều hội thảo theo nhóm tỉnh, khu vực về chất lượng ủy thác của hội để tìm giải pháp đẩy mạnh và nâng cao chất lượng tín dụng./.

>> Hết tháng 7, trên 2,1 triệu hội viên được vay vốn chính sách

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục