Nhiều khó khăn bủa vây nhà nông trồng mía và doanh nghiệp sản xuất

16:19' - 20/02/2018
BNEWS Giá đường thấp, tiêu thụ chậm, giá mía nguyên liệu thấp, đường nhập lậu tràn lan, vùng nguyên liệu mía đang “teo” dần… là những khó khăn đang bủa vây cả nhà nông trồng mía và doanh nghiệp sản xuất.
Nhiều khó khăn đang bủa vây nhà nông trồng mía và doanh nghiệp sản xuất mía đường. Ảnh minh họa: TTXVN

Vụ mía đường 2017-2018 đã bắt đầu được khoảng 2 tháng. Giá thu mua mía của các nhà máy ở nhiều nơi bị giảm từ 100.000 – 200.000 đồng/tấn so với vụ trước. Nhiều vùng mía trọng điểm đang có xu hướng giảm diện tích do người dân không mặn mà với cây mía.

Điển hình, diện tích mía của tỉnh Sóc Trăng giảm tới 6% so với niên vụ mía trước; nông dân tỉnh Tây Ninh thu hoạch mía tới đâu phá bỏ mía gốc (vụ ba) tới đó để chuyển sang trồng sắn hoặc các loại cây trồng khác…
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên bởi giá đường đang xuống mức rất thấp. Giá bán buôn đường kính trắng tại nhà máy dao động ở mức 13.000 đồng/kg. Lượng đường tồn kho các nhà máy khoảng 280.000 tấn.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện giá đường đang ở mức rất thấp, nhiều nhà máy đã phải bán bằng giá đường nhập lậu. Để quay vòng vốn, một số nhà máy bán dưới giá thành nhưng tiêu thụ vẫn rất khó khăn, thậm chí có nhà máy đã phải tạm ngừng sản xuất.
Tiêu thụ đường trong nước chậm, trong khi đó, lượng đường tạm nhập tái xuất còn khoảng 40.000 tấn. Để khơi thông trước mắt cho mặt hàng đường, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, cần tiếp tục xuất khẩu để giải quyết hết số lượng đường tạm nhập tồn này.

Nhưng đề nghị tạm ngưng bổ sung tạm nhập vì đường trong nước đang rất thấp, có thể cạnh tranh trong xuất khẩu.
Hiện đã có một vài doanh nghiệp xuất khẩu được đường, nên cần khuyến khích doanh nghiệp thu mua đường trong nước để đẩy mạnh xuất khẩu, kích thích tiêu thụ đường trong nước. Với giá đường này, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể cạnh tranh để xuất khẩu sang Trung Quốc mà không cần tạm nhập, tái xuất, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay.
Đó là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, để sản xuất, kinh doanh đường bền vững, ngành mía đường cần nỗ lực khi hội nhập, thực hiện các biện pháp để hạ giá thành sản phẩm, nâng năng lực cạnh tranh.

Theo đó, cần tập trung giải quyết vấn đề cây mía để giảm chi phí đầu vào của chế biến đường, tức là nâng cao năng suất mía và chữ đường trong cây mía.
Theo ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đầu tiên phải đảm bảo chi phí đầu vào thấp nhất để giá đường đạt thấp nhất. Như vậy phải nâng cao năng suất mía, chữ đường mía. Theo đó phải có giải pháp đồng bộ từ giống, quy trình canh tác, đẩy mạnh cơ giới hóa…

Đây được coi là những giải pháp quan trọng nhất để giảm chi phí, bởi nguyên liệu mía chiếm 70% giá thành đường.
Để làm được những điều trên cần có sự vào cuộc của cả nông dân, địa phương, chứ không chỉ có sự nỗ lực của nhà máy. Cần phải có những cánh đồng mía lớn.

Ngành mía đường và địa phương sẽ tổ chức, vận động đưa nông dân vào hợp tác xã để tạo cánh đồng lớn, từ đó có những hỗ trợ nông dân về tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa…. Đến năm 2020, ngành mía phấn đấu có khoảng 100 hợp tác xã.
Để tăng năng suất, chữ đường thì giống là khâu quyết định, thực trạng hiện nay phần nhiều vẫn là nông dân tự sản xuất. Theo ông Phạm Quốc Doanh, cần thay đổi căn bản quy trình làm giống hiện nay.

Hiệp hội sẽ phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nhân giống mía. Các doanh nghiệp sẽ tập trung đầu tư hình thành trung tâm giống của họ. Nơi nào không có quỹ đất thì sẽ lựa chọn nông dân sản xuất giỏi, khá làm hạt nhân, nhân giống cho doanh nghiệp.
“Như vậy mới có thể có lượng giống lớn với chất lượng tốt, chấm dứt tình trạng nông dân tự để giống để trồng. Phấn đấu đến năm 2020 giống mía được trồng là mía từ cơ sở sản xuất đưa ra”, ông Phạm Quốc Doanh nhấn mạnh.
Một vấn đề nữa được ông Doanh đưa ra đối với các doanh nghiệp là công nghệ chế biến. Các nhà máy cần rà soát lại toàn bộ để thay đổi cơ cấu sản phẩm trong chế biến đường.

Các nhà máy cũng đã nhận thấy nếu sản xuất đường luyện thì vẫn có lãi, nếu chỉ sản xuất đường trắng (RS) sẽ khó khăn. Do đó, cần nâng dần tỷ lệ đường luyện, tiến tới không sản xuất đường RS, cùng với đó là đa dạng sản phẩm đường như đường nước, đường hữu cơ…
Brazil được xem như là quốc gia hàng đầu thế giới trong ngành mía đường. Trước tình hình giá đường vẫn còn ở mức thấp, giá ethanol tăng cao, các nhà máy đường Brazil đã tăng lượng mía dùng cho sản xuất loại nhiên liệu sinh học này và giảm lượng mía dùng để sản xuất đường. Có khoảng 56% sản lượng mía của Brazil dùng cho sản xuất ethanol.
Ở Việt Nam, với thị trường xăng E5 đang được “kích hoạt”, đây cũng được xem là cơ hội cho ngành mía đường tăng lượng ethanol. Như vậy không chỉ tận dụng mật rỉ để sản xuất ethanol mà các nhà máy thậm chí có thể đầu tư sản xuất mía sang ethanol như Braxin, Thái Lan đang triển khai rất hiệu quả.
Ông Phạm Quốc Doanh mong muốn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có đề án tái cơ cấu ngành mía đường, có văn bản quy phạm pháp luật để có hành lang pháp lý cho ngành mía đường để có những định hướng lâu dài cho ngành mía đường phát triển.

Đến năm 2030, sản phẩm bên cạnh đường sẽ gấp đôi giá trị của đường thì ngành đường mới phát triển bền vững trong hội nhập.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng cho rằng, không chỉ ứng phó với tình hình hiện nay mà với việc hội nhập, trước hết là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) giải pháp đầu tiên là phải giảm giá thành sản xuất mía.

Do đó cần tiếp tục xây dựng vùng nguyên liệu gắn chế biến, đẩy mạnh cơ giới hóa để giảm chi phí sản xuất; triển khai mô hình nhân rộng sản xuất giống mía để nâng cao chất lượng giống mía, đảm bảo chữ lượng đường./.
Xem thêm:

>>>Kết quả đấu giá bán cổ phần của Tổng Công ty Mía đường II

>>>Nhà máy đường Bình Định được hoạt động thử nghiệm trước niên vụ mới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục