Nhật ký Trường Sa - Viết từ Đảo Đá Tây

16:45' - 13/01/2018
BNEWS Thời tiết nơi đây rất khắc nghiệt, khi thì sóng gió bão bùng, lúc lại hạn hán. Tuy nhiên, cán bộ chiến sỹ nơi đây vẫn rất kiên cường, kiên trì bám đảo, vững chắc tay súng bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.

Sau vài ngày trời yên bể lặng, từ hôm qua tới nay, "Mẹ Biển Đông" nổi sóng gió ầm ầm. Tàu hành trình lớn như vậy mà cũng nghiêng ngả, trong đoàn một số người đã bị say sóng!

Đoàn phóng viên đi từ tàu ra đảo Đá Tây bằng ca nô, gió cấp 6 cấp 7, giật cấp 8 làm ca nô nghiêng ngả, sóng biển táp rát mặt, những cột sóng lớn như những sô nước dội vào người ướt sũng.

Sóng lớn khiến ca nô tiếp cận đảo vô cùng khó khăn. Hơn nữa, đây là điểm đảo chìm nên người điều khiển ca nô phải rất thông thạo luồng lạch nơi đây, nếu không rất dễ bị mặc kẹt ở các rạn san hô đang ẩn mình dưới làn nước xanh ngắt, đẹp tới mê hồn.

Nhà báo Đức Hùng tại Đảo Đá Tây, Trường Sa. Ảnh: NVCC

Khi ca nô tiến gần tới đảo, các cán bộ chiến sỹ đã chờ sẵn ở cầu cảng, ai cũng phấn khởi, nụ cười luôn thường trực trên môi vì đã lâu lắm rồi đảo mới lại được đón đoàn công tác tới thăm. Khoảng 5-6 chiến sỹ trầm mình dưới biển bắt lấy dây thừng từ ca nô ném ra để kéo ca nô vào bờ.

Ngay khi lên bờ, mặc cho áo quần sũng nước, ai cùng hồ hới bắt tay ngay vào tác nghiệp, quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn, cảm giác say sóng đã biến mất từ lúc nào.

Đá Tây là cụm đảo chìm, chia làm 3 điểm: Đá Tây A, Đá Tây B, Đá Tây C. Đá Tây A còn có âu tàu là nơi tránh trú bão an toàn cho ngư dân và các tàu đi ngang qua đây. Đây là điểm cứu hộ và tiếp dầu cho các tàu cá Việt Nam. Đặc biệt, Đá Tây B còn có trạm Hải đăng, giúp ngư dân và các tàu di chuyển qua đây được an toàn.

Thời tiết nơi đây rất khắc nghiệt, khi thì sóng gió bão bùng, lúc lại hạn hán. Tuy nhiên, cán bộ chiến sỹ vẫn rất kiên cường, kiên trì bám đảo, vững chắc tay súng bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.

Trở lại tàu, tiếp tục hành trình đúng giờ ăn cơm, sóng lớn làm tàu chòng chành, bát đũa, thức ăn rơi loảng xoảng, một số người tới ăn muộn mất bữa cơm, phải ghép chung với bàn khác.

Giờ mới thấy Trường Sa gần gũi hơn bao giờ hết! Những khó khăn trong tác nghiệp của đoàn báo chí chúng tôi, không thể so sánh được so với những hy sinh của các cán bộ chiến sỹ nơi đây.

Đó là Đại uý Trần Văn Trung, đã 6 lần ra công tác tại quần đảo Trường Sa. Từ 6 năm nay, anh chưa một lần được ăn tết tại đất liền. Là anh Trịnh Văn Nguyên, trạm trưởng trạm Hải Đăng Đá Tây, 16 lần ăn tết ngoài đảo, anh đã qua 6 trong số 9 trạm Hải đăng ở Trường Sa.

Là chiến sỹ trẻ Đinh Văn Chức, 20 tuổi, quê Hà Nội, em rời Thủ Đô và gia đình để đón tết trên đảo xa với đồng chí, đồng đội tại Trường Sa Đông. Còn là chị Nguyễn Thị Tuyết Trinh, người dân trên đảo Trường Sa, coi Trường Sa là quê hương thứ 2 của mình, coi bộ đội là người nhà của mình....

Còn rất nhiều, rất nhiều tấm gương hy sinh khác nữa mà tôi chưa được gặp! Tôi mới thấm thía cái vất vả của các cán bộ, chiến sỹ, người dân nơi đầu sóng ngọn gió!

Cảm ơn các anh, các chị, các em những người lính Cụ Hồ, những người dân bình dị, kiên cường bám trụ vùng đất sóng gió này, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc!

Đảo Đá Tây, Trường Sa, ngày 10/1/2018

>> Lần đầu câu cá ở Trường Sa

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục