Nhận định về việc tiền ảo Bitcoin “lên sàn” giao dịch Chicago

05:30' - 21/12/2017
BNEWS Việc tiền ảo Bitcoin chính thức “lên sàn” đánh dấu cột mốc quan trọng cho đồng tiền kỹ thuật số đang gây nhiều tranh cãi trên thế giới này.
Nhận định về việc tiền ảo Bitcoin “lên sàn” giao dịch Chicago. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo Jakarta Post đăng bài phân tích với tựa đề “Tiền ảo nguy hiểm đối với thị trường chứng khoán” với nội dung đề cập đến việc đồng tiền điện tử Bitcoin ngày 10/12 chính thức “lên sàn” tại một sàn giao dịch lớn là CBOE Futures Exchange (CFE) ở Chicago.
Việc này đánh dấu cột mốc quan trọng cho đồng tiền kỹ thuật số đang gây nhiều tranh cãi trên thế giới này, khiến nhiều nhà đầu tư phấn khích song ngược lại cũng có nhiều người cảm thấy lo lắng.
Sàn giao dịch CFE đã bắt đầu cho phép nhà đầu tư tiến hành giao dịch các hợp đồng tương lai của đồng Bitcoin kể từ 23:00 GMT ngày 10/12 (6:00 sáng ngày 11/12 giờ Việt Nam). Sàn giao dịch lớn khác là Chicago Mercantile Exchange (CME) được dự đoán cũng sẽ thực hiện động thái tương tự một tuần sau đó.
Giá Bitcoin đã thay đổi trong khoảng 15.000-16.000 USD/Bitcoin, thấp hơn rất nhiều so với mức 17.000 USD/Bitcoin trên các nền tảng trực tuyến khác không được quy định vào tuần trước. Hợp đồng tài chính này có thể cho phép các nhà đầu tư có thêm lựa chọn và làm ảnh hưởng đến các giao dịch truyền thống.
Bob Fitzsimmons, một nhà quản lý các hợp đồng tương lai tại Wedbush Securities mô tả việc “lên sàn” của Bitcoin là khá "yên tĩnh" về số lượng giao dịch, mặc dù vậy, ông chưa đoán được nó có phải là xu hướng tài chính trong tương lai hay không.
Tuy nhiên, sự kiện này đã đánh dấu cơ hội đầu tiên cho các nhà kinh doanh chuyên nghiệp đầu tư vào Bitcoin, ngay cả đối với nhiều nhà đầu tư khác thiếu các quy định liên quan đến hoạt động giao dịch truyền thống. Nick Colas, chuyên gia nghiên cứu ở Data Trek, cho rằng việc này tạo ra tính hợp pháp của giao dịch Bitcoin, và cho phép nhà đầu tư coi đồng tiền kỹ thuật số này là một tài sản mà họ có thể giao dịch.
Trong số những người ủng hộ việc ra mắt Bitcoin trên sàn CFE là anh em nhà Winklevoss, những người được gọi là các tỷ phú Bitcoin đầu tiên. Các nhà phê bình bao gồm nhà bình luận tài chính Jim Cramer, người cảnh báo rằng giá Bitcoin có thể giảm xuống một khi hoạt động giao dịch mở rộng cho các đối tượng “bán khống” (short-selling).
Trên thị trường chứng khoán, bán khống là việc nhà đầu tư mượn cổ phiếu của người khác để bán đi, sau đó phải mua lại để trả và chịu thêm một khoản phí. Những người này đặt cược vào xu hướng giá xuống của thị trường.
Trước đó, Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) của Mỹ đã “bật đèn xanh” cho hai sàn giao dịch nói trên tiến hành các giao dịch tương lai đối với đồng Bitcoin, tuy vậy cơ quan này cũng cảnh báo về  “mức độ biến động và rủi ro cao trong việc kinh doanh các hợp đồng tài chính dưới dạng này".
Sự hào hứng đối với sự kiện này đã là chất xúc tác đẩy giá Bitcoin tăng mạnh trong những tuần gần đây. Bitcoin khởi đầu năm 2017 ở mức khoảng 1.000 USD, vượt qua mức 10.000 USD lần đầu tiên vào tháng trước và đã tăng lên đến 16.777 USD/Bitcoin vào hôm 7/12 trước khi giảm dần.
Việc Bitcoin chính thức “lên sàn” ở CBOE, một sàn giao dịch điện tử, được dự đoán chỉ là sự khởi đầu và chưa có nhiều tác động mạnh. Tuy nhiên, đây đang là vấn đề khiến các chuyên gia tài chính phải đầu tư thời gian và công sức nghiên cứu về nó.
Việc nắm giữ các giao dịch tương lai của Bitcoin khiến nhiều người lo ngại nó có thể bị sử dụng để buôn bán ma túy và các hoạt động bất hợp pháp khác. Tuy nhiên, các nhà kinh doanh thuộc CBOE cho biết họ đã có biện pháp phòng ngừa để giải quyết các giao dịch bất hợp pháp.
Ví dụ như giao dịch sẽ bị đình chỉ trong vòng hai phút nếu giá Bitcoin tăng lên hoặc giảm xuống 10%. Đại diện CBOE cho biết họ cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với CFTC để theo dõi hoạt động giao dịch và thúc đẩy sự phát triển của thị trường hợp đồng tương lai của Bitcoin một cách minh bạch và hợp lý.
Tuy nhiên, hiện có rất nhiều chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư vẫn có quan điểm thận trọng đối với Bitcoin, bởi nó không có ngân hàng trung ương “chống lưng” và không có tỷ giá hối đoái chính thức.
Hiệp hội các công ty giao dịch hợp đồng tương lai (Futures Industry Association), bao gồm một số công ty môi giới phái sinh lớn nhất thế giới, đã chỉ trích việc CFTC cho phép Bitcoin hoạt động quá sớm mà không cân nhắc đúng rủi ro.
Theo nguồn tin, một số công ty tài chính hàng đầu vẫn đang nghiên cứu về Bitcoin và chưa cung cấp dịch vụ làm trung gian tài chính. Nhóm này bao gồm JPMorgan Chase, Bank of America Merrill Lynch, Citigroup, Barclays, Morgan Stanley và Societe Generale.
Trong số các ngân hàng lớn hơn, chỉ có Goldman Sachs và ABN Amro là có cung cấp dịch vụ làm trung gian cho các giao dịch liên quan đến Bitcoin. Điều đó có nghĩa là hầu hết các giao dịch về đồng tiền ảo này bị chi phối bởi các chủ thể nhỏ mà họ thường bị yêu cầu ký quỹ lớn hơn bình thường (dùng để thế chấp trong trường hợp thua lỗ).
Công ty tư vấn Wedbush Securities đã nâng các yêu cầu ký quỹ và chỉ cho phép các giao dịch của những khách hàng trên cơ sở "được lựa chọn", mà chủ yếu là những người có kinh nghiệm về Bitcoin.
Bitcoin được coi là bước đột phá mới nhất cho xu hướng đồng tiền điện tử mà được các nhà ủng hộ gọi là "thời đại vàng của kỹ thuật số", bắt đầu vào năm 2009 dưới dạng một phần mềm mã hoá được viết bởi một người Nhật Bản.
Đồng tiền ảo này ban đầu được một số chuyên gia máy tính và chuyên gia tài chính sử dụng với mong muốn tìm kiếm giải pháp thay thế cho các khoản đầu tư truyền thống. Giờ đây Bitcoin có thể được sử dụng để thanh toán cho một ly rượu tại một quán rượu ở London hay đầu tư tài chính cũng như cung cấp vốn cho các dự án khởi nghiệp và giá trị của nó đã tăng mạnh trong những tuần gần đây.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục