Nhận định chứng khoán tuần từ 7- 11/5: Chờ lời giải từ ẩn số dòng tiền

09:52' - 06/05/2018
BNEWS Giới phân tích cho rằng, tuần giao dịch vừa qua cũng chưa có đủ cơ sở để xác định được đâu là đáy của thị trường.
Theo giới quan sát, thị trường chứng khoán Việt Nam đã suy giảm rất mạnh trong tháng 4 và nối dài sang tuần đầu tiên của tháng 5. Ảnh minh họa: TTXVN

Bởi rất khó để xác định xu hướng của thị trường khi thanh khoản không được cải thiện nhiều trong những phiên thị trường giảm mạnh và thanh khoản càng suy giảm nghiêm trọng trong những phiên thị trường tăng điểm.
Thực tế, tuần qua (từ 2- 4/5), áp lực bán tiếp tục gia tăng mạnh mẽ khiến thị trường chứng khoán ngập trong sắc đỏ, đi cùng với đó là việc thanh khoản giảm mạnh trước sự e ngại giao dịch của nhà đầu tư và khối ngoại bán ròng hàng nghìn tỷ đồng.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 23,46 điểm xuống 1.026,8 điểm; HNX-Index giảm 0,07 điểm xuống 122,57 điểm. Thanh khoản sụt giảm và ở mức thấp với chỉ hơn 6.400 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn.
Theo giới quan sát, thị trường chứng khoán Việt Nam đã suy giảm rất mạnh trong tháng 4 và nối dài sang tuần đầu tiên của tháng 5. VN- Index giảm liên tục từ đỉnh cao 1211,34 điểm (phiên giao dịch ngày 10/4) xuống mức 1.026,80 (chốt phiên giao dịch ngày 4/5). Như vậy, chỉ số VN- Index đã mất gần 200 điểm chỉ trong vòng 3 tuần.
Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số VN- Index vẫn tăng nhẹ. Chỉ số này đã tăng từ 995,77 điểm (phiên giao dịch ngày 2/1) lên 1.026,80 điểm. Như vậy VN- Index đã tăng hơn 3 % so với hồi đầu năm, trong khi chỉ số VN- Index trong cùng kỳ năm 2017 có mức tăng tới hơn 6,9%.
Thực tế, năm nay có rất nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường khi hoạt động kinh tế duy trì đà tăng trưởng khả quan. Những doanh nghiệp niêm yết trên sàn hiện đã đại diện được một tỷ trọng khá lớn so với nền kinh tế khi có rất nhiều doanh nghiệp đầu ngành đã niêm yết.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh Quý 1 của nhiều doanh nghiệp niêm yết cho thấy, lợi nhuận chung của các doanh nghiệp cũng tăng trưởng mạnh, đặc biệt là ở nhóm ngân hàng, chứng khoán và bất động sản và nhiều doanh nghiệp đầu ngành.
Tuy nhiên, theo giới phân tích và giới đầu tư chứng khoán, những thông tin này không phải là mới, nhà đầu tư đã có thể đoán biết trước được những thông tin này, giúp cho nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và nhiều mã trong nhóm bất động sản tăng trưởng giai đoạn trước đó. Hiện, những thông tin này không có nhiều tác dụng hỗ trợ thị trường.
Thực tế, giảm mạnh nhất thị trường trong thời gian vừa qua lại là những mã cổ phiếu thuộc các nhóm vốn hóa lớn, ngân hàng, chứng khoán và bất động sản.
Mặc dù liên tục giảm sâu, nhưng tuần qua, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn chưa dừng giảm. Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn tuần qua đồng loạt giảm mạnh, điển hình như: GAS giảm tới 16,8%, HSG giảm 15,3 %, VIC giảm 2%, NVL giảm 16,4%, BVH giảm 5,2%, VJC giảm 5,4%,…
Giới phân tích cho rằng, sau đợt thị trường điều chỉnh mạnh nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã trở lại vùng định giá khá hấp dẫn. Tuy nhiên, rõ ràng là nhà đầu tư vẫn chưa hào hứng mua vào cổ phiếu nhóm vốn hóa lớn khiến cho nhiều mã cổ phiếu nhóm này ngày càng giảm sâu, có những phiên hàng loạt mã cổ phiếu còn giảm sàn.
Khi cổ phiếu vốn hóa lớn giảm mạnh thì có lẽ nhóm cổ phiếu nhỏ cũng chẳng có cơ hội tăng trưởng. Thực tế, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chi phối nhiều nhất đến thị trường chung nên các mã cổ phiếu vừa và nhỏ cũng bị ảnh hưởng ít nhiều theo xu thế của nhóm vốn hóa lớn.
Một nhóm cổ phiếu quan trọng nữa là nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm này cũng có sức mạnh dẫn dắt thị trường, nhưng trong thời gian gần đây, sức mạnh này đã yếu đi rõ rệt. Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh cả về thị giá và giá trị giao dịch.
Tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục “rơi” với các mã tiêu biểu như: VCB giảm 1,7%, CTG giảm 2,7%, BID giảm tới 10%, VPB giảm 2,1%, SHB giảm 4,4%, ...
Mặc dù nhóm ngân hàng có nhiều yếu tố hỗ trợ như: tăng trưởng lợi nhuận cao của ngành ngân hàng, hay P/E (Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) đã trở về mức hợp lý, hấp dẫn nhà đầu tư hơn, nhiều ngân hàng chuẩn bị niêm yết trong thời gian tới.
Có lẽ, cũng chính vì những thông tin này mà nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tăng trưởng quá mạnh trong thời gian trước khi điều chỉnh giảm.

Trong ngắn hạn, cụ thể là trong tuần giao dịch sắp tới, nhiều khả năng nhóm cổ phiếu ngân hàng chưa thể tăng trưởng trở lại khi nhà đầu tư vẫn còn ngập ngừng, chưa thực sự quyết đoán giải ngân vào nhóm cổ phiếu này.
Một nhóm cổ phiếu quan trọng cần nhắc đến là nhóm cổ phiếu dầu khí. Tuần qua, nhóm dầu khí diễn biến khá đặc biệt khi cổ phiếu trụ cột PLX tăng tới 6%, trong khi các mã còn lại đa số đều giảm như: PVD giảm 13,2%, PVS giảm 5,5%, PVB giảm 5%, PVC giảm 3,2%...
Diễn biến của thị trường cho thấy, sự biến động của giá dầu thế giới có tác động lớn đến giá cổ phiếu của ngành dầu khí.
Theo giới phân tích, mặc dù sản lượng dầu đá phiến của Mỹ đang tăng mạnh hơn dự đoán, với mức tăng ước gần 10% (1,4 triệu thùng/ngày) trong năm nay, song con số đó vẫn chưa làm chệch đà tăng của giá dầu trong năm nay, giữa bối cảnh nhu cầu dầu đang tăng mạnh.
Nhìn về dài hạn, giá dầu tăng sẽ giúp giá cổ phiếu ngành dầu khí tăng trưởng, nhưng trong ngắn hạn, nhóm cổ phiếu dầu khí nhiều khả năng vẫn chưa thể hồi phục.
Dòng tiền đổ vào nhóm cổ phiếu này trong tuần qua cũng rất yếu. Ngay cả trong những phiên cổ phiếu đầu ngành PLX tăng trần, thanh khoản của cổ phiếu này cũng rất thấp.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán và bất động sản cũng vậy, thanh khoản của nhóm này cũng rất thấp.
Vì vậy, có lẽ chưa có cơ sở vững chắc để tự tin rằng thị trường có thể đảo chiều tăng điểm nếu không có sự ủng hộ của dòng tiền.
Điều lo ngại nhất hiện nay vẫn là thanh khoản thấp. Diễn biến các phiên giao dịch cho thấy, trong những phiên thị trường tăng, thanh khoản lại sụt giảm nghiêm trọng. Đặc biệt khi thị trường giảm thì lực cầu bắt đáy lại rất yếu ớt. Nhà đầu tư vẫn tỏ ra đặc biệt thận trọng và không có đủ niềm tin vào việc thị trường phục hồi.
Diễn biến tuần giao dịch qua cho thấy, chưa thể xác định được đâu là đáy của thị trường và cũng rất khó để xác định xu hướng của thị trường khi thanh khoản không được cải thiện.
Bên cạnh đó, tuần qua, khối ngoại bán ròng hàng nghìn tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại bán ròng mạnh ngay cả trong những phiên thị trường tăng điểm. Đặc biệt, khối này bán ròng rất mạnh những mã cổ phiếu bluechip (cổ phiếu có tính dẫn dắt thị trường), khiến thị trường bị ảnh hưởng mạnh.
Cụ thể, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng tại sàn HOSE với giá trị 1.780 tỷ đồng (gấp 2,6 lần so với tuần trước), tương ứng khối lượng bán ròng gần 30 triệu cổ phiếu.
Tại sàn HNX, khối ngoại bán ròng nhẹ 16,6 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng 1,2 triệu cổ phiếu.
Dưới góc nhìn của nhiều công ty chứng khoán, nhiều khả năng xu hướng chính trong ngắn hạn của thị trường vẫn là điều chỉnh giảm.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt: “Chúng tôi để ngỏ khả năng chỉ số có thể xuất hiện một vài phiên “bulltrap” (Bẫy tăng giá) trước khi tiếp tục suy giảm về vùng hỗ trợ sâu hơn nằm tại quanh 970 điểm trong ngắn hạn. Vùng kháng cự gần của chỉ số nằm tại 1.060-1.070 điểm và 1.125-1.135 điểm. Vùng hỗ trợ gần của chỉ số nằm tại 994- 1.010 điểm.”
Công ty cổ phần chứng khoán Phú Hưng- PHS cho rằng: “Xu hướng chính trong ngắn hạn của thị trường vẫn là điều chỉnh, phiên tăng điểm 4/5 có thể chỉ mang tính kỹ thuật. Do đó, nhà đầu tư nên tận dụng đợt điều chỉnh này để đưa tỷ trọng danh mục về mức an toàn.”
Với diễn biến khó lường của thị trường, Công ty Chứng khoán Vietcombank – VCBS đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư: "Nhìn chung, ưu tiên trong giai đoạn này đối với nhà đầu tư nên là quản trị rủi ro hơn là tìm kiếm lợi nhuận. Theo đó, nhà đầu tư ưa thích "lướt sóng" chỉ nên ưu tiên giải ngân có chọn lọc vào một số cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt ở những vùng giá chiết khấu.
Trong khi đó, nhà đầu tư dài hạn cần chú ý đánh giá lại và cập nhật triển vọng kinh doanh và tiềm năng tăng trưởng của các cổ phiếu trong danh mục qua từng quý để có thể kịp thời tái cơ cấu lại danh mục khi cần thiết"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục