Người dân khổ vì quản lý đất đai, xây dựng mỗi nơi một kiểu

18:17' - 20/04/2018
BNEWS Tình trạng chưa giải quyết tách thửa, chuyển mục đích sử dụng nông nghiệp còn phổ biến, số lượng hồ sơ tồn đọng nhiều… tạo nhiều bức xúc trong nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Các quận huyện không thống nhất trong quản lý, cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tách thửa cho người dân. Tình trạng chưa giải quyết tách thửa, chuyển mục đích sử dụng nông nghiệp còn phổ biến, số lượng hồ sơ tồn đọng nhiều… tạo nhiều bức xúc trong nhân dân.

Trưởng ban Đô thị HĐND Thành phố Hồ Chí Minh Trương Trung Kiên phát biểu. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN

Tại các quận huyện được Ban Đô thị HĐND Thành phố Hồ Chí Minh khảo sát, diện tích đất hỗn hợp, đất dân cư xây dựng mới còn chiếm tỷ lệ lớn, như quận 3 chiếm hơn 20% tổng diện tích đất; huyện Bình Chánh đất hỗn hợp là 40,86 ha và đất dân cư xây dựng mới là 1.812 ha; huyện Hóc Môn đất hỗn hợp là 475 ha và đất dân cư xây dựng mới là 1.104 ha…
Ông Trương Trung Kiên, Trưởng Ban Đô thị HĐND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, việc giải quyết các thủ tục xây dựng, đất đai trong khu vực này (đất hỗn hợp và đất dân cư mới) vẫn chưa được thống nhất giữa 24 quận huyện.

Việc cấp phép có thời hạn (cấp phép tạm) cũng như không giải quyết các thủ tục đất đai gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người dân.

Nếu không giải quyết sớm sẽ dẫn đến tình trạng khó khăn trong quản lý cũng như tạo bức xúc cho một số lượng lớn người dân bị ảnh hưởng.
Qua khảo sát của Ban Đô thị, việc hướng dẫn 24 quận huyện chưa được thực hiện một cách đồng bộ; thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn để tham mưu UBND Thành phố giải quyết dứt điểm các vướng mắc về thủ tục xây dựng, đất đai tại các khu đất có chức năng quy hoạch, đất hỗn hợp và dân cư xây dựng mới.
Theo đó, đa số các quận huyện đều cấp phép xây dựng có thời hạn trong hai khu vực có chức năng quy hoạch này.

Một số quận huyện áp dụng việc cấp phép chính thức và tách thửa theo quy định hiện hành như: quận 9 (chỉ cấp phép xây dựng chính thức trong khu dân cư xây dựng mới thấp tầng); quận Bình Thạnh, Gò Vấp.

Trong khi, các quận huyện còn lại cấp phép có thời hạn gây nhiều bức xúc trong nhân dân do hạn chế về tầng cao, không được công nhận tài sản gắn liền với đất… ảnh hưởng đến quyền lợi trong quá trình chuyển nhượng, bồi thường.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND Tp. Hồ Chí Minh đặt vấn đề, cũng là cấp phép xây dựng, nhưng mỗi quận giải quyết một kiểu, thậm chí trong một khu vực nhưng xử lý khác nhau.

Không thể chấp nhận chuyện có những nhận thức và cách làm khác nhau ở trong cùng một thành phố. Quy hoạch để phát triển bền vững là một yêu cầu thực tế, không thể không làm, nhưng vấn đề là cách làm quy hoạch.
Theo bà Tâm, cách làm hiện nay chưa ổn, chưa rạch ròi. Nhu cầu nhà ở của người dân rất bức bách.

Người dân cả đời tích cóp xây được cái nhà, nhưng vì nhà đất họ rơi vào tình cảnh quy hoạch “treo”, rồi thành phố buộc họ cam kết là sẽ tháo dỡ và không được yêu cầu đền bù, là gây thiệt thòi cho người dân.

Do vậy, cần điều chỉnh chức năng đất khi thực hiện quy hoạch; trong đó, phải làm cho người dân ở trong loại đất đó là có quyền gì, được làm gì.
* Tạo điều kiện giải quyết chỗ ở cho người dân
Đại biểu Nguyễn Văn Đạt cho biết, qua giám sát thực tế tại huyện Hóc Môn và Bình Chánh, việc cấp phép xây dựng hiện nay đối với quy hoạch trong hai khu vực đất này làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân.

Đơn cử như quy hoạch khu dân cư xây dựng mới ở xã Tân Kiên và thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh), hai bên đường nhà dân dày đặc, dân cư hiện hữu chiếm hơn 50% mà vẫn cấp phép xây dựng tạm.

Đại biểu Nguyễn Văn Đạt đặt vấn đề tại Phiên giải trình. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN

Người dân không được cập nhật công trình khi xây dựng xong, hạn chế các quyền lợi khác trong xây dựng.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Đạt, đối với quy hoạch đất hỗn hợp, đây là khu vực cương quyết không cấp phép xây dựng nhà ở, chuyển mục đích sang đất ở và tách thửa đất là đất hỗn hợp không có chức năng đất ở.

Tuy nhiên, qua khảo sát các khu vực này, hiện dân cư rất nhiều và nếu không giải quyết quyền của người dân sẽ ảnh hưởng.

Sở Quy hoạch và Kiến trúc cần làm rõ hơn một số nội dung để thống nhất hướng dẫn 24 quận huyện tới đây thực hiện tốt hơn việc cấp phép xây dựng, cũng như tách thửa trong hai khu vực quy hoạch đất dân cư xây dựng mới, cũng như quy hoạch đất hỗn hợp.
Từ thực tiễn địa phương, ông Nguyễn Cư, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hóc Môn cho biết, vấn đề này ở cấp huyện vướng mắc nhiều hơn.

Ngoài quy hoạch 1/2.000, huyện còn có quy hoạch xây dựng nông thôn mới 1/5.000. Người dân chuyển mục đích thành đất ở, cần giải quyết căn cứ theo quy hoạch 1/5.000 và hướng dẫn thực hiện cho đúng.
Theo ông Nguyễn Cư, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất nông nghiệp thành đất ở là giải quyết nhu cầu nhà ở chính đáng cho người dân, nên phải xem xét giải quyết cho dù có quy hoạch đi nữa (nơi chưa có quy hoạch 1/2.000).

Tùy theo tính chất, hiện trạng quy hoạch, cần giải quyết nhu cầu chỗ ở chính đáng cho dân, chứ không phải chuyển mục đích sử dụng đất để kinh doanh, phân lô bán nền.
Cùng quan điểm trên, Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu cho biết, một số địa phương như quận 12, về quy hoạch đất hỗn hợp trong khu dân cư còn rất nhiều và cũng gặp khó khăn khi thực hiện.

Theo quy định, đất hỗn hợp phải lập dự án; đối với đất có diện tích nhỏ của người dân, phải chuyển mục đích sử dụng thì mới cấp phép được.

Ông Hiếu kiến nghị, nếu người dân có nhu cầu về nhà ở thì có thể chuyển mục đích sử dụng thành đất ở cho người dân 20%. Đối với khu đất tiếp giáp với khu vực hạ tầng kỹ thuật, nếu có nhu cầu tạo điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất cho người dân.
Trước những vướng mắc hiện nay, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh đề xuất, sẽ lập điều chỉnh quy hoạch phân khu (cục bộ hoặc tổng thể), trong đó điều chỉnh các khu vực quy hoạch sử dụng đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới chưa có kế hoạch thực hiện, thiếu tính khả thi, ảnh hưởng lớn đến quyển và lợi ích hợp pháp của người dân thành quy hoạch đất dân cư hiện hữu (hoặc dân cư hiện hữu chỉnh trang) để trình UBND Thành phố xem xét phê duyệt.

Trong đó, các khu vực có nhiều phản ánh, bức xúc của người dân sẽ ưu tiên thực hiện trước./.
Xem thêm:

>>>Thuế tài sản ở một số nước Đông Nam Á

>>>Nguy cơ tái diễn “sốt ảo” giá đất nền tại Tp. Hồ Chí Minh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục