Người chăn nuôi tiếp tục cầm cự, nguồn cung thịt lợn dịp Tết không thiếu

16:05' - 07/12/2017
BNEWS Từ đầu năm 2017 đến nay, tại thủ phủ chăn nuôi lợn ở Đồng Nai, giá lợn hơi luôn dưới giá thành sản xuất khiến người chăn nuôi điêu đứng, rơi vào cảnh thua lỗ, bỏ đàn, treo chuồng.
Người tiêu dùng chọn mua thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng tại Siêu thị Co.op mart Foodcosa, Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại nhiều hộ chăn nuôi vẫn cố gắng cầm cự tổng đàn lợn với mục đích cung cấp thịt lợn cho thị trường dịp Tết Nguyên đán 2018. Đây được xem là cứu cánh cho các hộ chăn nuôi vì là thời điểm thị trường tiêu thụ mạnh nhất các sản phẩm từ thịt lợn.
Bà Nguyễn Thị Mai (ấp Võ Dõng 3, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) cho biết, sau gần tròn một năm giá lợn hơi nằm dưới giá thành sản xuất khiến gia đình thua lỗ, vay nợ hàng trăm triệu đồng.

Trước đó, dù đã nhiều lần có quyết định “treo chuồng” để tránh thua lỗ thêm nhưng với áp lực nợ nần, kèm theo gần 20 năm các thành viên trong gia đình chỉ gắn bó với nghề chăn nuôi lợn không làm thêm nghề khác nên buộc gia đình vẫn phải chăn nuôi cầm cự để chờ trong thời gian tới hy vọng giá lợn hơi sẽ tốt hơn, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.
Theo bà Nguyễn Thị Mai, do không còn nhiều vốn để duy trì đàn, gia đình đã phải huy động vay vốn từ tất cả các nguồn, giảm 50% tổng đàn so với trước đây và cố gắng “đon” thời điểm lợn xuất chuồng vào đúng dịp Tết. Hiện, gia đình bà đang có hơn 200 con lợn thịt khoảng gần 2 tháng nữa là đến thời điểm xuất chuồng, vừa đúng vào dịp Tết Nguyên đán 2018.
Cùng quan điểm trên, hộ chăn nuôi ông Nguyễn Văn Vang (xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) cho biết, thay vì chọn giải pháp tạm ngưng chăn nuôi thì gia đình vẫn cố gắng cầm cự và tìm cách giữ đàn để chờ giá.

Ông Vang cho hay, dịp Tết Nguyên đán người tiêu dùng sẽ tiêu thụ mạnh các sản phẩm từ thịt lợn nên hy vọng giá sẽ khởi sắc hơn, đây cũng là thời điểm các hộ chăn nuôi đặt nhiều kỳ vọng để “gỡ gạc” vốn cho khoảng thời gian thua lỗ trong năm.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nhiều năm nay, người chăn nuôi lợn đã không còn chăn nuôi theo kiểu tập trung dồn lực cho thị trường Tết như trước, thay vào đó các lứa lợn được rải đều và xuất bán liên tục trong năm.

Nhưng năm nay, giá lợn giảm sâu, người chăn nuôi thua lỗ, nhiều hộ phải dừng chăn nuôi một thời gian và chọn đầu tư cho thị trường Tết nhằm gỡ lại chút vốn.
Bên cạnh đó, người chăn nuôi thua lỗ do giá thành giảm sâu chỉ gây ảnh hưởng lớn đến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, còn những trang trại lớn, các doanh nghiệp và tập đoàn chăn nuôi do có chuỗi liên kết tốt nên không chịu tác động lớn, tình hình chăn nuôi của họ vẫn hoạt động bình thường.

Do vậy, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định, giữ ở mức gần 2 triệu con, tương đương với cùng kỳ năm 2016 nên sẽ không có tình trạng khan hiếm thịt lợn cho thị trường Tết.
Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai), hiện nay, bình quân mỗi ngày, Đồng Nai xuất bán gần 9.000 con lợn, theo tính toán, lượng lợn xuất bán trong những ngày giáp Tết có thể sẽ tăng lên, nhưng tổng đàn hiện tại vẫn sẽ đảm bảo được nguồn cung thịt lợn cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh và thị trường Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, dù hiện nay nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã bỏ đàn nhưng thực tế tổng đàn lợn của Đồng Nai vẫn ổn định.

Do đó dịp cuối năm, nhu cầu thịt rất cao nhưng vẫn không thể khan hiếm thịt. Lý giải điều này, ông Nguyễn Kim Đoán cho biết do cán cân cung cầu hiện vẫn đang rất chênh lệch; trong đó, nguồn cung hiện vẫn đang rơi vào cảnh dư thừa so với cầu, bất chấp việc nhu cầu tiêu thụ thịt heo có thể tăng cao vào dịp Tết nên giá lợn hơi cũng sẽ khó có thể tăng đột biến mà có thể chỉ tăng nhẹ.
Bên cạnh đó, dù cố gắng cầm cự, nhưng xu hướng sắp tới, với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chắc chắn sẽ bị đào thải ra khỏi môi trường chăn nuôi và sẽ phải nhường lại cho những trang trại lớn, nhất là những trang trại FDI./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục