Nghịch lý Bệnh viện Y học cổ truyền Cao Bằng phải nhập khẩu thuốc bắc từ Trung Quốc

08:05' - 23/09/2017
BNEWS Tiềm năng lớn nhưng tại Cao Bằng ngay cả Bệnh viện Y học cổ truyền Cao Bằng - cơ sở chữa bệnh bằng y học cổ truyền lớn nhất tỉnh cũng nhập khẩu thuốc từ Trung Quốc để điều trị cho bệnh nhân
Giờ đây, ở Cao Bằng, đông y không được quan tâm, nhiều cây thuốc đã bị tận diệt. Ảnh minh họa: Hoàng Nguyên - TTXVN

Địa bàn tỉnh Cao Bằng có nhiều cây dược liệu quý hiếm bậc nhất cả nước. Bên cạnh đó, ở Cao Bằng cũng có nhiều thầy lang, lương y với những bài thuốc dân gian phong phú. Thế nhưng, những tiềm năng quý đó chưa được quan tâm bảo tồn, khai thác hợp lý.
Thầy thuốc ưu tú, Bác sỹ đông y Đàm Đình Đắc, nguyên Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Cao Bằng nay đã hơn 80 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh hoạt bát, minh mẫn vì biết cách dùng cây thuốc để phòng và chữa bệnh.

Nhắc đến câu chuyện về y học cổ truyền, ông chia sẻ: Giai đoạn 1960 - 1980 là thời kỳ y học cổ truyền ở Cao Bằng phát triển rực rỡ nhất. Nhà nước kêu gọi các thầy lang ra sức chữa bệnh cho người dân.

Ngày đó, dù nghèo nhưng các lương y dân tộc và người dân biết các bài thuốc chữa bệnh dân gian đều phấn khởi hưởng ứng xây dựng các vườn thuốc nam và tình nguyện chữa bệnh cho người dân.

Thời kỳ đó xuất hiện nhiều thầy lang giỏi với những bài thuốc chữa bệnh cực kỳ độc đáo và hiệu quả. Có người dùng lá thuốc đắp vào vết thương của thương binh mà viên đạn tự đùn ra ngoài, vết thương tự lành không cần mổ. Nhưng giờ đây, Đông y không được quan tâm, nhiều cây thuốc đã bị tận diệt.
Từ năm 1969 đến 1973, Cao Bằng có trên 600 cây thuốc được phát hiện và đưa vào sử dụng; trong đó có nhiều cây thuốc quý đạt tiêu chuẩn về hàm lượng, công dụng y học và có giá trị kinh tế cao, thuộc các nhóm thuốc điều trị ngoại khoa, nội khoa, sản khoa; nhóm kháng sinh diệt khuẩn, điều trị vi rút; điều trị và hỗ trợ điều trị ung thư..; nhóm bồi dưỡng nâng cao thể trạng cơ thể...

Ngoài ra, địa bàn tỉnh còn có nhiều loài cây dược liệu quý chưa được nghiên cứu để ứng dụng trong điều trị bệnh hiểm nghèo, phòng bệnh, nâng cao tuổi thọ con người...
Tiềm năng lớn là vậy nhưng thực tế tại Cao Bằng ngay cả Bệnh viện Y học cổ truyền Cao Bằng - cơ sở chữa bệnh bằng y học cổ truyền lớn nhất tỉnh cũng nhập khẩu thuốc từ Trung Quốc để điều trị cho bệnh nhân.

Lý giải nghịch lý này, bác sỹ Lê Thị Tuyết Chinh, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Cao Bằng cho biết: Nhiều năm nay, bệnh viện không dùng cây dược liệu trên địa bàn tỉnh mà chỉ dùng thuốc bắc (cây thuốc Trung Quốc).

Nguyên nhân là vì thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế phải có hóa đơn, chứng từ nguồn gốc, xuất xứ cây dược liệu. Chỉ có đơn vị đấu thầu bán thuốc đủ tư cách pháp nhân, điều kiện kinh doanh dược liệu (có kho tàng, bảo quản…) mới có chứng từ hóa đơn.

Bệnh viện rất muốn mua dược liệu của Cao Bằng nếu có cơ chế vì việc sử dụng nguồn dược liệu ngay tại Cao Bằng giá thành rẻ hơn, đồng thời tạo nguồn thu cho đồng bào vùng đặc biệt khó khăn, kích thích người dân trồng và thu hái có kế hoạch, bảo tồn và phát triển cây dược liệu.
Đối với đội ngũ thầy thuốc đông y, vào những năm 1980, tỉnh Cao Bằng có hơn 800 thầy lang, lương y cơ sở và hàng nghìn người dân biết sử dụng cây thuốc để chữa bệnh. Tỉnh đã cử nhiều cán bộ sang Trung Quốc để nghiên cứu, học tập về y học cổ truyền.

Những cán bộ này sau khi về nước đều trở thành những danh y nổi tiếng, có nhiều đóng góp quan trọng cho y học nước nhà, như Đại tá, Giáo sư, Bác sỹ, Thầy thuốc Nhân dân Bành Khìu - một trong những bác sỹ đi đầu trong lĩnh vực khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền.
Số thầy thuốc hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền ở Cao Bằng cũng ngày càng hiếm, nhiều bài thuốc quý bị thất truyền.

Nguyên nhân là vì những bài thuốc quý thường không được truyền bá rộng rãi mà chỉ truyền cho người trong gia đình, gia tộc. Nhiều lương y dân tộc thiểu số không biết chữ nên không thể ghi chép, truyền bá lại bài thuốc của mình cho thế hệ sau.

Trong khi đó, các quy định của Nhà nước về hành nghề lương y ngày càng chặt chẽ, những lương y có bài thuốc độc đáo muốn hành nghề phải đăng ký bảo hộ trí tuệ. Những điều này đối với nhiều lương y người dân tộc thiểu số là rất khó bởi nhiều người không biết chữ, không hiểu các quy trình, thủ tục đăng ký.
Kiến thức về y học cổ truyền là tinh hoa văn hóa của dân tộc đã được cha ông đúc kết qua hàng nghìn năm, thế nhưng ở một số địa phương vì nhận thức chưa đúng và cách quản lý chưa phù hợp đã dẫn đến việc bỏ quên kho tàng kiến thức đông y.

Về mặt kinh tế, nếu phát triển được đội ngũ lang y, thầy thuốc dân tộc sẽ tiết kiệm được số tiền khám chữa bệnh rất lớn. Cùng với đó, nếu y học cổ truyền được quan tâm bảo tồn người dân ở Cao Bằng có cơ hội phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bằng nghề trồng, thu hái và chế biến cây dược liệu./.

>>> Giảm phụ thuộc vào dược liệu nhập khẩu: Bài toán khó cho ngành y tế

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục