Ngành thương mại TP.HCM đổi mới để hội nhập - Bài 3: Đi đầu phát triển thương mại điện tử

14:54' - 01/05/2018
BNEWS Thị trường mua sắm trực tuyến hiện nay trở nên sôi động hơn khi người tiêu dùng trẻ tham gia vào việc mua bán trên mạng xã hội ngày càng nhiều.
Theo đó, một thị trường mang tính tương tác cao, kết nối rộng, thuận tiện trong giao thương... đang dần hình thành xu hướng tiêu dùng mới - mua bán online, đồng thời, tạo nên "miếng đất" màu mỡ và giàu tiềm năng để các doanh nghiệp, nhà bán lẻ khai thác và mang đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.

Trong xu thế đó, với những lợi thế về sự năng động, tiềm năng của mình, Tp.Hồ Chí Minh được xem là địa phương nắm bắt và luôn đi đầu trong làn sóng phát triển mới này.
Bắt nhịp bán hàng online
Ghi nhận trên thị trường, sự ra đời của hàng loạt các website thương mại điện tử gồm Sendo, Adayroi, Lazada, Tiki, Shopee… việc mua sắm online và trải nghiệm ngày càng nhiều tiện ích tích hợp đã không còn mấy xa lạ với người người tiêu dùng Việt.

Bên cạnh đó, thị trường mua sắm trực tuyến trở nên sôi động hơn khi người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng việc mua bán trên mạng xã hội như Facebook, Zalo… Những thị trường mang tính tương tác cao, kết nối rộng, thuận tiện trong giao thương… đang dần hình thành xu hướng tiêu dùng mới và thu hút lượng khách hàng lớn dần hình thành thói quen mua bán online.
Theo Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, trên địa bàn có có khoảng 127.100 website hoạt động; trong đó có 8.910 website thương mại điện tử trên địa bàn thành phố đã thông báo, đăng ký với Bộ Công Thương gồm: 8.519 website thương mại điện tử bán hàng và 391 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. Trong số này, 36 ứng dụng thương mại điện tử (apps) đã thông báo, đăng ký với Bộ Công Thương với 12 ứng dụng bán hàng và 24 ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
Mặt khác, xu hướng bán hàng xuyên biên giới, khách hàng không biên giới là một sự thay đổi rất lớn và chưa từng xảy ra từ trước đến nay đang diễn ra mạnh mẽ ở các nước. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Dự báo xu hướng này sẽ làm thay đổi mạnh mẽ môi trường kinh doanh và ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều doanh nghiệp cũng như thị trường bán lẻ Việt Nam khi nền kinh tế nội địa ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường thương mại tự do.
Nhận định về xu hướng phát triển thương mại điện tử, ông Liêu Hưng Tiến - Giám đốc Kinh doanh Công ty Haravan cho rằng, ngoài việc mở ra những cơ hội kinh doanh, hành vi mua sắm của khách hàng cũng đang thay đổi nhanh chóng theo xu hướng công nghệ số. Điển hình, người mua hàng rất dễ dàng tìm kiếm được thông tin người bán hoặc nhà cung cấp trên internet, kênh mua sắm online, với những mô tả chi tiết về sản phẩm, nguồn gốc, giá cả và thậm chí còn có thể tương tác giải đáp các vấn đề thắc mắc.
Thêm vào đó, người mua có thể đặt hàng từ bất cứ nhà cung cấp nào trên đất nước thậm chí mua hàng ở các quốc gia khác, hàng cũng sẽ ship được đến tận nhà… Vì vậy, lợi thế cạnh tranh về mặt địa lý hay giá cả của nhà bán lẻ cũng như doanh nghiệp đều giảm mạnh vì khách hàng rất dễ dàng tìm được nhà cung cấp giá tốt hay chất lượng rẽ hơn.
Ghi nhận ý kiến nhiều người tiêu dùng cho hay, mua sắm trực tuyến tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh và đang định hình để thay thế việc mua sắm tại cửa hàng trong tương lai gần. Trong đó, những nỗ lực giúp cho việc mua sắm trực tuyến trở nên dễ dàng hơn và giải quyết những lo ngại của khách hàng trong thời gian qua, như cải thiện độ an toàn của giao dịch, chính sách đổi/trả hàng, đưa ra mức chi phí gửi hàng thấp hay miễn phí… là những lý do góp phần thúc đẩy sự bùng nổ tiếp tục việc mua sắm trực tuyến.
Anh Nguyễn Thy Thơ - quận Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, trong nhịp sống hiện đại, nhất là ở những thành phố lớn, người dân có yêu cầu tiết kiệm thời gian, mua sắm hàng hóa có truy xuất nguồn gốc… nên việc mua sắm qua kênh thương mại điện tử đáp ứng được nhu cầu thực tế này. Nhằm đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng, các nhà bán lẻ, doanh nghiệp ngày càng đa dạng nguồn cung hàng hóa, chủng loại sản phẩm, cũng như triển khai nhiều chương trình hậu mãi và tiện ích kích cầu mua sắm trực tuyến.
Mở rộng dịch vụ tiện ích
Hiện mạng lưới phân phối trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh có 239 chợ, gồm 3 chợ đầu mối, 14 hạng I, 54 hạng II, 168 hạng III và chợ tạm. Riêng hệ thống siêu thị, thành phố có 207 siêu thị gồm: 66 siêu thị hạng I, 64 hạng II, 77 hạng III; tương đương 96 siêu thị chuyên ngành và 111 siêu thị tổng hợp. Trung tâm thương mại có 43 điểm gồm: 15 trung tâm hạng I, cùng 4 hạng II và 24 hạng III; trong đó, hầu hết các đơn vị kinh doanh, bán lẻ đều đang nỗ lực tăng cường nhiều hoạt động thiết thực để giữ chân khách hàng cũng như thị phần trước sức ép cạnh tranh gay gắt trên thị trường.
Khảo sát thực tế cho thấy, mô hình "one stop shop” hướng đến “giải quyết” triệt để các yêu cầu phát sinh thêm trong cuộc sống hàng ngày hay hỗ trợ các dịch vụ cơ bản dành cho gia đình. Khi đến mua sắm tại các hệ thống bán lẻ như Co.opmart, Big C, Thegioididong.com, FPT Shop... tất cả khách hàng từ bình dân đến cao cấp đều được hỗ trợ phổ biến các dịch vụ thanh toán tiền điện, nước, truyền hình cáp, internet, điện thoại, thẻ cào điện thoại...
Chị Ái Vân (quận 8, Tp. Hồ Chí Minh) cho hay, hiện nay vào bất cứ cửa hàng Thegioididong.com nào, ngoài việc mua sắm hàng hóa, hỗ trợ kỹ thuật, người tiêu dùng còn được hỗ trợ thanh toán tiền điện, nước… Điều này, giúp người dân giải quyết các khó khăn trong việc không sắp xếp được thời gian nhận giấy báo và thanh toán trực tiếp với nhân viên thu tiền của đơn vị kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ. Nhất là gần đây, một số dịch vụ như điện thì Công ty Điện lực Tp. Hồ Chí Minh không thực hiện thu tiền trực tiếp của người dân và cũng điều chỉnh ngày ghi số điện.
Ở góc độ nhà bán lẻ hàng tiêu dùng, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã tăng tốc hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ khách hàng, bằng việc tiên phong chọn hình thức thanh toán thu hộ các hóa đơn hàng tháng. Đặc biệt, trước nhu cầu mở rộng đối tượng hỗ trợ thanh toán và nhiều nhà cung cấp dịch vụ hơn, cùng với các dịch vụ đã có, bắt đầu từ những tháng cuối năm 2017, hệ thống Co.opmart với dịch vụ Co.op+ đã bổ sung thêm các tiện ích mới dành cho khách hàng và nhận sự hưởng ứng tích cực từ người tiêu dùng.
Điển hình, khách hàng sẽ được phục vụ thêm các dịch vụ như thu hộ các hóa đơn hàng tháng tiền bảo hiểm, vay tiêu dùng… Ngoài ra, Saigon Co.op đã ký kết hợp tác toàn diện với Ngân Hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank), cung cấp các dịch vụ thanh toán hiện đại của ngân hàng Vietinbank như thanh toán online, SMS Banking…
Không dừng lại ở các sản phẩm, dịch vụ cộng thêm và những tiện ích, người tiêu dùng, nhất là người dân tại các khu vực thành thị còn có thể trải nghiệm những không gian mua sắm tại các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi… được đầu tư hiện đại. Các quầy hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ tiện ích hay địa điểm cung cấp giải pháp trợ giúp khách hàng luôn được các nhà bán lẻ ưu tiên tăng cường sự nhận diện, tính tương tác và đội ngũ nhân viên thân thiện với khách hàng. Đồng thời, xem đây là chiến lược giữ chân khách hàng cũng như thị phần trên thị trường bán lẻ./.

>>> Bài 1: Điểm sáng trong kích cầu tiêu dùng

>>> Bài 2: Sức bật từ động lực cạnh tranh


>>> Bài cuối: Hoàn thiện bệ đỡ chính sách và tăng cường kết nối toàn diện

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục