Ngành nông nghiệp Hà Nội hướng tới tăng trưởng 2,5% năm 2018

19:43' - 18/01/2018
BNEWS Ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phấn đấu có tốc độ tăng trưởng tăng từ 2% - 2,5%; giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp theo giá cố định tăng 2,7%.

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 của ngành nông nghiệp Hà Nội, tổ chức chiều 18/1, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Nguyễn Văn Sửu cho biết, năm 2018 là năm thứ 3 Hà Nội thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” và "Kế hoạch Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020".

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu trao tặng Cờ thi đua của UBND thành phố cho các tập thể có thành tích xuất sắc. Ảnh: Đỗ Phương Anh - TTXVN.

Vì vậy, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phấn đấu có tốc độ tăng trưởng tăng từ 2% - 2,5%; giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp theo giá cố định tăng 2,7%; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản tăng 5,7%; phấn đấu có thêm 26 xã, 2 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Để đạt được các mục tiêu cơ bản nêu trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Nguyễn Văn Sửu yêu cầu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần phải tập trung chỉ đạo thực hiện việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển nông nghiệp để phù hợp định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Triển khai tốt nhiệm vụ Tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2018-2020 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời phê duyệt và triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội, giai đoạn 2018-2020; triển khai nhân rộng các mô hình đã được tổng kết và khẳng định có hiệu quả trong sản xuất và xây dựng, nhân rộng mô hình “nông nghiệp sinh thái”, “nông nghiệp đô thị".

Tiếp tục đẩy mạnh kết nối cung cầu các sản phẩm nông sản, thực phẩm giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố khác; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, dự báo thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Đặc biệt, cần tiếp tục phát triển các chuỗi liên kết 4 nhà để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng; xây dựng quy định, tiêu chuẩn về chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn và quy trình xác nhận sản phẩm an toàn theo chuỗi.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, năm 2017, ngành nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các địa phương làm tốt việc tuyên truyền, hướng dẫn cho nông dân gieo trồng đúng lịch thời vụ. Đồng thời tập trung chăm sóc để cây trồng sinh trưởng, phát triển nhanh, tăng sức chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh không thuận lợi.

Nhờ vậy, tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2017 đã đạt 2%; tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt hơn 35,1 tỷ đồng, tăng 2,17% so với năm 2016. Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố đến nay đạt 25%, trong đó đối với lúa, ngô, rau, hoa, cây ăn quả, chè đạt 17,9%; chăn nuôi 33,5%; thủy sản 13%.
Bên cạnh đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung có hiệu quả kinh tế cao. Hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trên cơ sở đó xây dựng thương hiệu sản phẩm có chất lượng, đáp ứng cơ bản yêu cầu của nhân dân.

Nhờ đó thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2017 ước đạt 38 triệu đồng/người/năm, (năm 2016 là 36 triệu đồng/người/năm). Tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh là 100%. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 2,5% (năm 2016 là 3,65%).
Tuy nhiên, việc nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất chưa cao.

Đồng thời chưa xây dựng được nhiều cơ sở giết mổ tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm, hiện nay chủ yếu là giết mổ nhỏ lẻ gây khó khăn cho việc thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.../.

>>>Hà Nội phấn đấu giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo tồn đọng trong năm 2018

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục