Ngành nào có thêm cơ hội việc làm mới từ cách mạng công nghiệp 4.0

07:02' - 10/05/2018
BNEWS Trong 5 đến 10 năm tới, sẽ có khá nhiều nhân lực làm trong ngành sử dụng nhiều lao động bị ảnh hưởng. Nhưng ngược lại, một số lĩnh vực sẽ có cơ hội tạo ra việc làm mới.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có tác động không nhỏ đến thị trường lao động của Việt Nam. Vậy thế nào để tận dụng cơ hội, giảm thiểu những tác động tiêu cực từ cách mạng công nghiệp 4.0?

Bên lề hội thảo "Khoa học để phát triển" tại Quy Nhơn, Bình Định, phóng viên BNEWS/TTXVN đã phỏng vấn ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xoay quanh vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Quân. Ảnh: Anh Dũng/TTXVN


Phóng viên (PV): Xin ông cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động thế nào đến thị trường lao động của Việt Nam?
Ông Lê Quân: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có ảnh hưởng sâu rộng tới tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội, đặc biệt là lĩnh vực lao động và việc làm chịu tác động rất lớn trên nhiều góc độ khác nhau.
Ở góc độ thị trường, công nghệ sẽ làm thay đổi phương thức sản xuất dẫn đến nguồn nhân lực phải có sự thay đổi để triển khai phương thức sản xuất đó. Có những công việc mất đi nhưng cũng có những công việc đòi hỏi phải có sự thích ứng để đáp ứng yêu cầu mới.
Như vậy, cách mạng 4.0 sẽ làm cho thị trường lao động phải có sự thay đổi về cơ cấu lao động, cơ cấu nguồn lực, cơ cấu về trình độ lao động, có những yêu cầu về kỹ năng lao động khác nhau. Đặc biệt, người lao động phải có sự thích ứng cao hơn để đáp ứng những công việc mới và tránh bị đào thải.
Ngoài ra, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng ảnh hưởng đến lĩnh vực đào tạo và đào tạo lại. Với cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta sẽ thay đổi dần phương thức đào tạo truyền thống để sang những phương thức đào tạo linh hoạt, chú trọng đào tạo các kỹ năng, chú trọng đào tạo lại, đào tạo ngắn hạn và gắn bó với văn hóa học tập suốt đời.

Việc đào tạo phải dựa vào nền tảng công nghệ để làm sao khi đào tạo lại ứng dụng được nhiều nhất các công nghệ mới vào đổi mới phương thức đào tạo.
Thêm vào đó, lĩnh vực công nghiệp 4.0 cũng là lĩnh vực khởi nghiệp quan trọng bởi nhân lực là nguồn lực rất lớn cho phát triển kinh tế xã hội. Việc kết nối, phát triển các nguồn lực đó dựa trên nền tảng công nghiệp 4.0, nền tảng công nghệ kết nối là lĩnh vực mà rất nhiều nhà doanh nghiệp, nhà khởi nghiệp có thể tham gia vào để đưa ra giải pháp kết nối cung cầu lao động, phát triển nguồn nhân lực.
Tất cả những điều này cho chúng ta thấy cách mạng 4.0 vừa tạo ra cơ hội vừa tạo ra thách thức nhưng chúng tôi nhìn nhận cơ hội nhiều hơn thách thức.

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Quân trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Ảnh: Quốc Dũng/BNEWS/TTXVN

PV: Ông có thể nói thêm, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động nhiều hơn ở những ngành, lĩnh vực cụ thể nào?
Ông Lê Quân: Điểm quan trọng nhất là cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp chúng ta ứng dụng công nghệ để tăng năng suất lao động. Dần dần doanh nghiệp sẽ ứng dụng công nghệ để giảm bớt chi phí nhân lực.

Như vậy, với trí tuệ nhân tạo, với kết nối, với tự động hóa sẽ có rất nhiều lĩnh vực dựa vào lao động thủ công sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt, những lĩnh vực như dệt may, da giày, điện tử hay những lĩnh vực mà chúng ta sử dụng nhiều lao động sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Trong 5 đến 10 năm tới, sẽ có khá nhiều nhân lực làm trong ngành sử dụng nhiều lao động bị ảnh hưởng, phải đào tạo lại, thích ứng để có công việc mới. Nhưng ngược lại, một số lĩnh vực sẽ có cơ hội tạo ra việc làm mới.

Đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, tự động hóa, nông nghiệp công nghệ cao, chăm sóc sức khỏe sẽ có nhu cầu lao động rất lớn mở ra cơ hội việc làm cho thanh niên ở cả trong nước và quốc tế.

Những lĩnh vực như dệt may, da giày, điện tử hay những lĩnh vực mà chúng ta sử dụng nhiều lao động sẽ bị ảnh hưởng lớn từ cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN

PV: Có thể thấy, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đòi hỏi lực lượng lao động phải có những kỹ năng mới. Vậy những kỹ năng đó là gì thưa ông?
Ông Lê Quân: Đối với người lao động khi đối mặt với cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề lớn nhất đó là khả năng thích ứng và khả năng học tập.

Nếu có khả năng thích ứng và khả năng học tập tốt, người lao động sẽ nhanh chóng nắm bắt kỹ năng mới từ đó sẽ có khả năng chuyển đổi nghề nghiệp rất nhanh. Còn nếu không thay đổi kịp khi nhu cầu trên thị trường lao động biến động thì chúng ta sẽ rất khó khăn.
Chính vì vậy, chúng tôi đang đẩy mạnh yếu tố giáo dục nghề nghiệp để giúp cho người học nghề ra có được kỹ năng thích ứng nhanh.

Thứ nhất là phải đẩy được tư duy khởi nghiệp cho sinh viên.

Thứ hai là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để cho người học nắm bắt được kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin và khả năng thích ứng với công nghệ mới.

Thứ ba là đẩy mạnh đào tạo ngoại ngữ giúp người học có nền tảng tốt, có thể nắm bắt kỹ năng mới và thay đổi nghề nghiệp nhanh để có thể đào tạo và đào tạo lại nhanh hơn. Làm được điều này sẽ tránh được trường hợp thất nghiệp gặp khó khăn trong đào tạo lại.
PV: Ông có thể nói cụ thể hơn về định hướng của ngành lao động trong việc đào tạo cung cấp những kỹ năng cho người lao động để thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0?
Ông Lê Quân: Chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang triển khai hai đề án lớn.

Đề án thứ nhất về vấn đề việc làm trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 để nhận diện ra sự thay đổi, biến động của thị trường lao động và vấn đề việc làm trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Đề án thứ hai là đào tạo và đào tạo lại nhân lực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 để chúng ta nhận diện ra những nghề nào cần đào tạo để chuẩn bị nhân lực; những ngành nghề và con người nào cần đào tạo và đào tạo lại để chuẩn bị nhân lực.

Đây là hai đề án trọng tâm của ngành lao động xã hội trong năm nay phải triển khai. Chúng tôi kỳ vọng vào việc triển khai hai đề án này đi liền với đó là sự thay đổi, điều chỉnh chính sách để chúng ta phát triển thị trường lao động đáp ứng yêu cầu mới.
PV: Hội thảo "Khoa học để phát triển" tại Quy Nhơn, Bình Định từ ngày 9/5 đến 10/5 có phần nội dung thảo luận rất quan trọng về tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 với thị trường lao động. Theo ông, những phân tích khoa học sẽ giúp gì cho việc tận dụng những cơ hội tốt từ cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như giảm thiểu các tác động?
Ông Lê Quân: Hội thảo quốc tế “Khoa học để phát triển” nằm trong khuôn khổ Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 14 quy tụ rất nhiều nhà khoa học uy tín cả trong nước và quốc tế. Chúng ta cũng biết rằng làm chính sách nếu không dựa trên khoa học thì không có căn cứ và dễ rơi vào chủ nghĩa kinh nghiệm và duy lý trí.

Hiện nay, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, bối cảnh hội nhập quốc tế và khi chúng ta đang cố thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, có rất nhiều vấn đề mới về lao động xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chính sách cho người cao tuổi cho đến đào tạo, đào tạo nghề, bảo hiểm xã hội, thất nghiệp được đặt ra.
Rất nhiều vấn đề nếu không dựa vào nghiên cứu khoa học thì sẽ thiếu căn cứ, thiếu luận cứ và thiếu tính dự báo. Dựa trên nền tảng khoa học công nghệ sẽ giúp cho chúng ta có chính sách tốt.
Chính vì vậy, chúng tôi đang chỉ đạo mạnh xây dựng chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp quốc gia về lao động xã hội trong giai đoạn 2020 - 2025.

Chương trình sẽ huy động chất xám của các nhà khoa học trong và ngoài nước cùng vào cuộc giúp chúng tôi nhận diện đánh giá tác động, dự báo vấn đề và đề xuất các giải pháp chính sách để chúng ta hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan đến lao động xã hội trong thời gian sắp tới.

Đi trước để đưa ra những
Đi trước để đưa ra những "sản phẩm" thị trường cần

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục