Ngân hàng trung ương châu Âu: Cú chuyển mình sau thập kỷ đầy sóng gió

05:30' - 22/12/2017
BNEWS Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ chính sách cho vay thế chấp bất động sản dưới chuẩn của các ngân hàng Mỹ đã tạo ra một “cú sốc” mạnh mẽ đến các nền kinh tế thành viên EU.
Trụ sở của ECB ở Frankfurt am Main, Tây Đức ngày 26/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Ở vị trí tâm bão, Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - phải chịu tổn thất nặng nề nhất, tuy nhiên vòng xoáy khủng hoảng đã không “chừa” ra bất kỳ quốc gia nào.

Năm 2008 là năm chứng kiến lần đầu tiên các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng trung ương Anh (BOE) và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), phối hợp chặt chẽ với nhau để bảo vệ hệ thống tài chính toàn cầu bằng cách giảm lãi suất, tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng, mua lại tài sản xấu hay bơm thanh khoản vào nền kinh tế thông qua các chương trình mua lại trái phiếu.

Tại châu Âu, để cứu vãn tình hình, các chính phủ đã phải tăng cường chi tiêu công, biến các khoản nợ tư nhân thành nợ công. Điều này khiến nợ công của EU có xu hướng tăng vọt, điển hình là ở những quốc gia như Hy Lạp và Italia, nơi có tỷ lệ nợ công chiếm đến 115% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2009.

Hậu quả là đến đầu năm 2010, khi cơn bão khủng hoảng tài chính vẫn còn chưa dứt hẳn, thì ở châu Âu lại tiếp tục nổ ra cuộc khủng hoảng mới. Đó là cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, bắt nguồn từ Hy Lạp , sau đó lần lượt lan rộng ra Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và CH Cyprus.

Sự bất lực của châu Âu

Tại thời điểm đó, ECB với một sứ mệnh rõ ràng đó là duy trì sự bình ổn về giá cả. Việc giải cứu các ngân hàng, giải cứu các chính phủ có mức nợ công cao hay đưa ra các yêu cầu cải cách kinh tế mạnh mẽ là trách nhiệm của chính phủ từng quốc gia.

Thực tế là các chính phủ châu Âu cũng đã cố gắng hết sức để kiềm chế cuộc khủng hoảng trước khi phải nhờ đến sự trợ giúp của ECB. Khi tình hình nợ công Hy Lạp ở mức báo động đỏ, hai “đầu tàu” của Eurozone khi đó là Đức và Pháp đã hứa sẽ cùng bắt tay nhau để giải quyết.

Đến khi lần lượt các “anh lớn” khác như Italy, Bồ Đào Nha hay Cộng hòa Ireland đều tỏ ra “run rẩy” cũng là lúc Quỹ bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF) ra đời.

Tuy nhiên, việc giao cho EFSF trọng trách quá lớn là hỗ trợ cho các nước châu Âu ứng phó với khủng hoảng nợ cùng tham vọng tăng số tiền trong quỹ lên thêm 1.000 tỷ euro nữa đã khiến châu Âu gặp khó, vì như vậy sẽ đặt gánh nặng lên vai người nộp thuế ở những nền kinh tế lớn như Đức – nhà tài trợ chính và lớn nhất của quỹ này, đồng thời khiến EFSF trở thành một cỗ máy chuyển hóa nợ từ quốc gia không thể gánh được sang những quốc gia vẫn còn lực để gánh nó. Nói theo cách khác, EFSF đã mầm mống thất bại từ khi còn chưa bắt đầu.

Lần đầu "phá lệ" của ECB

Ngay từ đầu, giải pháp rõ ràng nhất được nhiều chuyên gia kinh tế ủng hộ đó là nhờ cậy đến sự can thiệp của ECB. Với tư cách là một ngân hàng trung ương, ECB có quyền năng tạo ra tiền – điều mà châu Âu đang rất cần vào lúc này.

Cùng với đó, việc ECB hậu thuẫn Italy bằng cam kết sẽ mua lại không giới hạn “núi nợ” của nước này có thể sẽ làm yên lòng giới đầu tư, qua đó phần nào làm dịu đi cơn hỗn loạn đang thống trị khắp thị trường.

Tất nhiên, việc bơm tiền không phải là giải pháp lâu dài để giải quyết triệt để vấn đề mà các nước gặp phải, song quyết định này vẫn sẽ có tác dụng “câu giờ”, từ đó giúp làm hạn chế dòng chảy của khủng hoảng, trước khi nó kịp tạo ra những thiệt hại nặng nề hơn cho nền kinh tế “lục địa Già”.

Kết quả là, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã lần đầu "phá lệ" với tuyên bố sẽ mua lại không giới hạn trái phiếu của một số nước đang gặp nhiều khó khăn tài chính như Tây Ban Nha, Italy…

Đến tháng 1/2015, ECB tiếp tục gây sốc khi tung ra chương trình mua trái phiếu chính phủ khổng lồ trị giá 1.000 tỷ euro nhằm thúc đẩy tăng trưởng và tránh tình trạng giảm phát trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Sau một thời gian thực hiện, chương trình này đã mang lại những tín hiệu tích cực. Tháng 2/2017, các nền kinh tế Eurozone đón nhận tin mừng GDP khu vực đã tăng trưởng 0,5% trong quý IV/2016 so với quý trước đó. Đến tháng 3/2017, lạm phát ở Eurozone đã lần đầu tiên kể từ năm 2013 đạt mức mục tiêu 2% mà ECB đặt ra.

Song song với các chương trình mua trái phiếu, cùng với BoJ, ECB còn thực hiện một chính sách lãi suất âm (đối với tiền gửi của các ngân hàng khác tại ngân hàng trung ương) từng được giới truyền thông ca ngợi là “Biện pháp mang tính lịch sử để chống lại nạn lạm phát thấp”.

Trên lý thuyết, chính sách này có nghĩa là các ngân hàng khác gửi lượng tiền dư thừa ở ngân hàng trung ương sẽ phải trả lãi thay vì nhận được lãi, với mục đích khuyến khích các ngân hàng sử dụng tiền một cách có hiệu quả hơn, cho vay tiêu dùng hoặc cho vay kinh doanh.

Rất nhiều quy định tài chính đã được ban hành kể từ sau cuộc khủng hoảng, và nếu như ở Mỹ có đạo luật Dodd-Frank thì ở châu Âu, giới chức cũng đã tăng quyền lực của ECB trong việc giám sát các ngân hàng. Giờ đây, các ngân hàng sẽ phải trải qua bài kiểm tra áp lực định kỳ để ngăn các cuộc khủng hoảng trong tương lai và tăng tính minh bạch với các công cụ phái sinh phức tạp.

Cơ chế Giám sát Chung (SSM), cơ quan giám sát mới của ECB có trụ sở tại Frankfurt (Đức), sẽ là một trong ba trụ cột chính của liên minh ngân hàng châu Âu trong tương lai, và một cột trụ khác là Cơ chế Xử lý chung (SRM) - có quyền hạn để giải thể hoặc tái cơ cấu bất kỳ ngân hàng nào bị phá sản.

Bên cạnh đó, các quy định mới của châu Âu cũng được điều chỉnh để chặt chẽ hơn. Tháng 7/2017, sự kiện ngân hàng Santander mua lại ngân hàng đối thủ Banco Popular với giá mua tượng trưng chỉ 1 euro, là trường hợp giải cứu ngân hàng theo các quy định mới đầu tiên của các nước châu Âu kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhằm ngăn chặn những ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế khu vực.

Theo đó, chính phủ các quốc gia không được bơm tiền đóng thuế của người dân vào một ngân hàng nếu ngân hàng đó mất khả năng thanh toán mà cổ đông và chủ sở hữu trái phiếu sẽ chịu trách nhiệm tài chính.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục