Ngân hàng lớn nhất Australia lên kế hoạch tái cơ cấu

14:28' - 25/06/2018
BNEWS Ngày 25/6, ngân hàng lớn nhất Australia, Commonwealth, thông báo kế hoạch tách mảng quản lý tài sản và môi giới tín dụng, trong nỗ lực hợp lý hóa các hoạt động và tập trung vào mảng kinh doanh chính.

Giám đốc điều hành Commonwealth, Matt Comyn, cho biết thông báo trên nằm trong ưu tiên của Commonwealth, nhằm đơn giản hóa và tăng tính hiệu quả của ngân hàng.

Giải pháp này cũng nhằm đối phó với những thay đổi của môi trường bên ngoài và làm dịu bớt những lo ngại liên quan đến những ngân hàng sở hữu mảng quản lý tài sản. Theo ông Comyn, ngân hàng này sẽ gia tăng giá trị cho các cổ đông.

Các đơn vị được chia tách sẽ bao gồm Colonial First State, Colonial First State Global Asset Management (CFSGAM), Count Financial, Financial Wisdom và Aussie Home Loans. Dự kiến, các đơn vị được chia tách sẽ được niêm yết trên sàn chứng khoán Australia vào năm tới.

Bên cạnh đó, ngân hàng đang gặp khó khăn nói trên cũng đang cân nhắc bán đi mảng kinh doanh bảo hiểm CommInsure.

Động thái này diễn ra giữa bối cảnh các ngân hàng Australia đang chịu sức ép trước những cáo buộc về gian lận tài chính. Hồi tháng Hai, Chính phủ Australia đã cho thiết lập một ủy ban để điều tra những sai phạm liên quan.

Đầu tháng Sáu, Commonwealth đã chấp nhận khoản tiền phạt lên tới 700 triệu AUD (530 triệu USD) để giải quyết những khiếu nại liên quan đến việc ngân hàng này vi phạm các luật tài chính về chống khủng bố và chống rửa tiền.

Tháng 8/2016, Cơ quan Tình báo Tài chính Australia (AUSTRAC) cáo buộc CBA đã có hơn 53.000 lần vi phạm các luật về chống rửa tiền và ngăn chặn tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố.

Những cáo buộc đối với CBA được cơ quan trên đưa ra sau một cuộc điều tra về việc ngân hàng này cho phép các máy rút tiền tự động ATM chấp nhận các giao dịch lên đến 20.000 AUD (khoảng 15.000 USD).

Theo AUSTRAC, kể từ giữa năm 2015, CBA có thể đã "vô tình tiếp tay" cho các hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Xem thêm:

>>>Mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án tại Ngân hàng Xây dựng VNCB

>>>Trung Quốc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại một số ngân hàng lớn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục