Nestlé Việt Nam vươn ra thị trường miền Bắc

09:05' - 25/03/2016
BNEWS Triển khai xây dựng nhà máy mới tại Hưng Yên là một phần trong chiến lược của Nestlé Việt Nam, nhằm tạo ra một dấu ấn tại miền Bắc.
Lễ động thổ nhà máy của Nestlé ở Hưng Yên. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Nestlé là công ty 100% vốn nước ngoài chuyên về thực phẩm và đồ uống, năm 1995 Nestlé Việt Nam chính thức ra mắt và khởi công xây dựng nhà máy tại tỉnh Đồng Nai, từ đó đến nay Nestlé Việt Nam không ngừng phát triển và trở thành thương hiệu lớn, uy tín trên thị trường Việt Nam.

Trong vòng 20 năm qua, Nestlé đã tăng đáng kể khoản đầu tư tại Việt Nam từ 24 triệu USD năm 1995 lên hơn 520 triệu USD năm 2016. 

Hàng năm, công ty luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng mức khá, đặc biệt năm 2015 công ty đạt mức tăng trưởng 15%.

Về chiến lược kinh doanh của Nestlé tại Việt Nam trong thời gian tới, ông Ganesan Ampalavanar- Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam cho biết, tăng trưởng là mục tiêu quan trọng của Nestlé Việt Nam, bởi có tăng trưởng thì mới có cơ hội đầu tư mở rộng các dự án sản xuất hay đầu tư phát triển cho con người của Nestlé Việt Nam.

Do vậy, Nestlé không ngừng nâng cao năng suất và chất lượng điều này thể hiện qua việc đầu tư xây dựng mở rộng các nhà máy.

Cụ thể, năm 2001, tập đoàn Nestlé đã liên doanh với Công ty thương mại Long An, thành lập Công ty TNHH La Vie xây dựng nhà máy nước khoáng La Vie tại thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên với số vốn đầu tư đăng ký trên 10,3 triệu USD.

Mới đây Nestlé Việt Nam xây dựng nhà máy mới tại Hưng Yên, với số vốn 70 triệu USD nhằm phát triển những dòng sản phẩm thực phẩm và đồ uống của công ty như: sữa, cà phê, bánh kẹo, sản phẩm dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu trong nước.

Chia sẻ về việc lựa chọn tỉnh Hưng Yên để xây dựng nhà máy ở phía Bắc, ông Ganesan Ampalavanar nói, Hưng Yên là tỉnh có nhiều lợi thế như vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào… triển khai xây dựng nhà máy mới tại Hưng Yên là một phần trong chiến lược của Nestlé Việt Nam, nhằm tạo ra một dấu ấn tại miền Bắc. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa vị trí hàng đầu đối với các sản phẩm đồ uống dinh dưỡng.

Nhà máy mới sẽ đi vào hoạt động năm 2017 để sản xuất sản phẩm dinh dưỡng dạng nước uống liền, sẽ tạo việc làm cho khoảng 300 lao động (dự kiến tăng lên 600 lao động vào năm 2020) đáp ứng nhu cầu của thị trường miền Bắc về các sản phẩm dinh dưỡng uống liền.

Nhà máy được đầu tư công nghệ và kỹ thuật hiện đại, không chỉ đảm bảo sản xuất ra những sản phẩm chất lượng mà còn giảm thiểu những tác động tới môi trường, tối ưu hóa trong việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên. Cụ thể, tại Việt Nam nước thải trong nhà máy cà phê của Nestlé tại Việt Nam được lọc và tái sử dụng.

Năm 2015, nhà máy đã tái sử dụng 7,7 triệu m3 nước trong toàn bộ hoạt động sản xuất, tương đương với 5,5% lượng nước giảm trên toàn cầu của Nestlé.

Nhà máy mới cũng góp phần đưa các sản phẩm của Nestlé tới gần hơn với người tiêu dùng phía Bắc, cho phép công ty đẩy mạnh hơn nữa chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo độ tươi mới của sản phẩm tới người tiêu dùng. Đây là nhà máy thứ 6 của tập đoàn Nestlé tại Việt Nam.

Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phát biểu tại lễ khởi công nhà máy. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, nhu cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm dinh dưỡng uống liền ngày càng lớn và đa dạng.

Đây chính là những cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn và sản phẩm dinh dưỡng uống liền nói chung và Nestlé nói riêng mở rộng đầu tư sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tại thị trường Việt Nam.

Các sản phẩm của Nestlé không chỉ nổi tiếng tại Thụy Sỹ mà được người tiêu dùng khắp toàn cầu sử dụng; trong đó, nổi trội hơn cả là Milo, Nescafé và Maggi. Nestlé tự hào được góp phần vào thành tích xuất khẩu hàng năm chiếm 20-25% tổng sản lượng xuất khẩu của cả nước.

Tuy nhiên, với cà phê của Việt Nam chưa được đánh giá tương xứng với vị thế và tiềm năng của nó như Brazil đã làm với cà phê Arabica. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến giá cả của mặt hàng, cũng như khó cải thiện đời sống của nông dân trồng cà phê vốn còn nhiều khó khăn.

Để giải quyết vấn đề này, trước mắt, Nestlé tham gia Dự án hợp tác công tư (PPP) về nông nghiệp, trực thuộc nhóm phát triển cà phê bền vững. Hoạt động của nhóm dự án tác động tích cực và góp phần cải thiện phương thức sản xuất cà phê của nông dân Việt Nam theo hướng bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.

Với mong muốn cải thiện, nâng cao cuộc sống của hàng triệu người tiêu dùng thông qua các sản phẩm tốt nhất về dinh dưỡng, Nestlé , đang và tiếp tục đi theo triết lý kinh doanh này.

Nhãn hàng MILO hợp tác với Viện Dinh dưỡng Việt Nam thực hiện chương trình cung cấp kiến thức và giải pháp đối với tình trạng thiếu hụt vi chất sắt, một trong những vi chất mà người Việt Nam, đặc biệt trẻ em, bị thiếu hụt nhiều nhất, có khả năng gây tác động xấu đến sự phát triển về thể chất của trẻ.

Nestlé có chung mục tiêu cùng với cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong ngành dinh dưỡng, cùng tuyên truyền và giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam nhận thức được và xây dựng một cuộc sống cân bằng giữa các yếu tố dinh dưỡng và hoạt động thể chất.

Hiện toàn tập đoàn có 447 nhà máy thành viên tại 86 quốc gia, có 339.000 nhân viên, sở hữu hơn 2.000 thương hiệu với 10.000 sản phẩm. Mỗi ngày, có khoảng 1 tỷ sản phẩm Nestlé được bán ra trên toàn cầu. Năm 1995, Nestlé Việt Nam ra đời, với tổng vốn đầu tư hơn 520 triệu USD, sử dụng khoảng 2.000 lao động và điều hành 5 nhà máy tại Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục