Nâng cao hiệu quả công tác giám sát vốn, tài sản tại doanh nghiệp Nhà nước

12:46' - 19/07/2018
BNEWS Hiện nay, trong hoạt động quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, công tác giám sát hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước đã và đang bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
 Công tác giám sát hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước đã và đang bộc lộ một số tồn tại.Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Sáng 19/7, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo Đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước.
Phát biểu tại hội thảo, Viện trưởng CIEM, ông Nguyễn Đình Cung cho biết, trong hoạt động quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, công tác giám sát hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước đã và đang bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, gây ra sự bất cập cũng như vô tình tạo lỗ hổng làm lãng phí, thất thoát nguồn lực Nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước. Hiện nay, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã được thành lập và dự kiến sẽ quản lý một nguồn lực rất lớn, gồm 820 tỷ đồng vốn cùng 1,5 triệu tỷ đồng tài sản nhà nước.
Theo báo cáo của CIEM, tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước giảm liên tục, ở mức 39% từ năm 2011 - 2016. Tỷ trọng doanh nghiệp thua lỗ không giảm, trong khi vẫn còn 23 Tập đoàn, Tổng công ty làm ăn thua lỗ, với tổng lỗ lũy kế trên 17 nghìn tỷ đồng. Việc hỗ trợ, xử lý các dự án kém hiệu quả chưa đạt được như mong muốn...
Hiện nay, nhiều Bộ, ngành, cơ quan, chính quyền địa phương tham gia giám sát và là đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp Nhà nước, nhưng không cơ quan nào có đủ thẩm quyền và khả năng theo dõi, đánh giá doanh nghiệp một cách đầy đủ, hiệu quả và toàn diện.
Đại diện Ban cải cách và phát triển doanh nghiệp, CIEM cho biết, nguyên nhân là do không có tính thống nhất về nội dung giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu; thiếu quy định cụ thể, nội dụng giám sát bị chia cắt theo lĩnh vực; trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan chưa rõ ràng, đặc biệt là thiếu trách nhiệm giải trình. Quá trình triển khai thực hiện cũng bộc lộ những tồn tại như thiếu thông tin đủ tính xác thực và cập nhật về tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, sự né tránh của lãnh đạo doanh nghiệp... dẫn đến hệ quả là không bảo đảm yêu cầu “thường xuyên, liên tục” của hoạt động giám sát.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, vấn đề và yêu cầu đặt ra là làm sao nghiên cứu, áp dụng đầy đủ quy định, hành lang pháp lý phù hợp để doanh nghiệp Nhà nước hoạt động tốt, có hiệu quả. Đồng thời phát huy được tính năng động, nhưng vẫn bảo đảm mục đích là cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước luôn “nhìn” thấy và quản lý được. Vấn đề nhân sự cũng rất quan trọng và CIEM đưa ra khuyến nghị nên sử dụng các cá nhân có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, trách nhiệm và biết kinh doanh thay vì tuyển người theo tiêu chuẩn công chức - viên chức thuần túy để bảo đảm yêu cầu bảo toàn, phát triển vốn.
Theo khuyến nghị của CIEM, việc giám sát phải thường xuyên, kịp thời phát hiện vấn đề nảy sinh, cảnh báo doanh nghiệp hoạt đồng đúng hướng, đúng quy định cũng như siết chặt kỷ luật, kỷ cương và có chế tài đủ sức răn đe những trường hợp vi phạm.
Ông Raymond Mallon, chuyên gia kinh tế của chương trình Austraylia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) cho rằng, các cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu, ban hành quy định pháp lý một cách đồng bộ, phù hợp cũng như đẩy mạnh hoạt động kiểm tra để kiểm soát tốt tình hình. Đồng thời, tạo điều kiện “thoáng, nhưng chặt” nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động dễ dàng, hiệu quả...
Ngoài ra, CIEM cũng đề xuất việc nghiên cứu, ban hành cơ chế rõ ràng, công khai hiệu quả, mức độ hoàn thành trách nhiệm trong hoạt động của cơ quan là chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp..../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục