Mưa kéo dài ở Tây Nguyên ảnh hưởng đến việc thu hoạch cà phê

19:32' - 04/12/2017
BNEWS Mưa liên tục kéo dài ở các tỉnh Tây Nguyên không những làm chậm tiến độ thu hoạch mà còn dễ dẫn đến tình trạng làm giảm chất lượng cà phê nhân, tăng tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch.
Mưa kéo dài làm chậm tiến độ thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên. Ảnh minh họa: TTXVN

Những năm trước đây, cứ vào giữa tháng 11 hàng năm, các tỉnh Tây Nguyên bước vào vụ thu hoạch cà phê kinh doanh và kéo dài gần đến cuối tháng 12 cơ bản thu hoạch xong toàn bộ diện tích.

Thế nhưng, niên vụ này, mưa liên tục kéo dài không những làm chậm tiến độ thu hoạch mà còn dễ dẫn đến tình trạng làm giảm chất lượng cà phê nhân, tăng tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch.

Hiện Đắk Lắk - vùng trọng điểm cà phê của cả nước đến nay chỉ mới thu hoạch được khoảng 35 đến 40% diện tích.
Gia đình anh Lê Minh Long ở xã Đức Minh, huyện Đắk Mil, anh Hoàng Văn Phú ở xã Nam Dong, huyện Cư Jút (Đắk Nông), cho biết, hai gia đình có gần 6 ha cà phê kinh doanh cho thu hoạch trong niên vụ này.

Các năm trước, vào tầm giữa tháng 12, cơ bản đã thu hoạch xong toàn bộ diện tích nhưng năm nay mưa liên tục nên mới thu hoạch chưa đến 30% diện tích.
Còn gia đình anh Y Hách M’lô, ở xã vùng sâu Cư Đliê M’nông, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) than thở, năm nay mưa nhiều, liên tục lại kéo dài. 2,5 ha cà phê của gia đình đã chín rộ, có cây quả chín rụng đầy gốc.

Các niên vụ trước, đến khoảng thời gian này, gia đình đã thu hoạch được trên 65% diện tích nhưng nay cũng chỉ mới thu hoạch chưa đầy 30%.
Các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất cà phê ở Tây Nguyên tranh thủ khi trời ngớt mưa huy động lao động ra đồng thu hoạch, nhặt cà phê quả tươi chín rụng vận chuyển đưa về sấy quả khô hoặc chế biến theo công nghệ chế biến ướt (chủ yếu ở các doanh nghiệp).

Những nơi chưa có điều kiện sấy cà phê, các đơn vị chức năng hướng dẫn nông hộ hạn chế để cà phê quả tươi lâu trong bao tải mà phơi ngay trên sân gạch, sân bê tông xi măng…

Việc này nhằm hạn chế cà phê quả tươi lên men nấm mốc không những làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cà phê nhân mà còn tăng tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch.
Mặt khác, hiện nay, giá cà phê nhân xô, cũng như cà phê quả tươi đang xuống thấp.

Giá cà phê quả tươi chỉ còn 5.500 đến 6.000 đồng/kg, cà phê nhân 35.900 đến 36.700 đồng/kg, giảm hơn 1.000 đến 2.000 đồng/kg so với đầu niên vụ, trong khi đó, giá nhân công tăng cao từ 170.000 đến 180.000 đồng/lao động/ngày lại khó tìm người thuê để thu hoạch càng gây nhiều khó khăn cho các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên.
Các tỉnh Tây Nguyên hiện có trên 582.000 ha cà phê; trong đó có 548.533 ha cà phê kinh doanh cho thu hoạch, với sản lượng ước đạt trên 1,37 triệu tấn cà phê nhân trong niên vụ này./.
Xem thêm:

>>>PTT Trịnh Đình Dũng chỉ đạo việc tái thiết sau bão lũ cho các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên

>>>Phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp ở Tây Nguyên vẫn chưa được kiểm soát

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục