Mô hình hợp tác xã kiểu mới: Chung sức cùng thành công

14:10' - 16/12/2017
BNEWS Quá trình triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012 vẫn còn khăn vướng mắc, khiến các mô hình hợp tác xã chưa phát huy hết tiềm năng của mình.

Với phương châm "chung sức cùng thành công", mô hình hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác năm 2012 đã có những phát triển về số lượng và hiệu quả hoạt động với nhiều hình thức kinh doanh thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Có nhiều tổ chức kinh tế vươn lên đủ lớn mạnh, khẳng định được uy tín và vị thế trên thương trường.

Hợp tác xã Tân Tiến tại thành phố Đà Lạt là đơn vị liên kết sản xuất các loại rau với nông dân theo quy trình sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Từ chỗ làm ăn nhỏ lẻ, những người nuôi trồng thủy sản, tiên phong là anh Nguyễn Đức Văn, xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng đã liên kết với nhau thành lập Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Mắt Rồng theo Luật Hợp tác xã năm 2012 nhằm xây dựng thương hiệu cá vược. Sau 3 năm thực hiện, hợp tác xã đã có được những hiệu quả kinh doanh tích cực.

Mục tiêu ban đầu khi mới thành lập hợp tác xã, các thành viên chỉ mong sản lượng đạt 10 tấn/ha, nhưng nay kết quả bình quân đạt 30 tấn/ha. Hợp tác xã hiện đang mở rộng ngành nghề kinh doanh, liên danh, liên kết với nhiều đơn vị tiêu thụ sản phẩm, xây dựng chuỗi các cửa hàng giới thiệu sản phẩm, kỹ thuật chế biến cá vược tại một số điểm du lịch tại Hải Phòng.

Ông Nguyễn Đức Văn, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Mắt Rồng, cho biết: "Sau 2 năm thành lập hợp tác xã, chúng tôi cùng thực hiện phương châm "chung sức cùng thành công". Đến nay năng suất nuôi cá đạt cao hơn gấp đôi trước đây. Bên cạnh đó, hợp tác xã đã tiếp cận được nguồn vốn theo Nghị định 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhờ đó, các thành viên có nguồn tài chính, tập trung cùng nhau mua vật tư đầu vào với giá tốt, giảm được chi phí đầu vào sản xuất khoảng 390 triệu đồng/ha".

Khác với Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Mắt Rồng, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thiên Hương (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) được thành lập từ năm 1999 theo mô hình cũ, hoạt động không thực sự hiệu quả, chưa phát huy được hết năng lực các thành viên. Thế nhưng, sau khi chuyển đổi sang mô hình mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012, hiệu quả kinh doanh tăng lên rõ rệt.

Cụ thể, doanh thu tăng đều hàng năm từ 10,7 tỷ đồng (năm 2013) lên 15,6 tỷ đồng (năm 2016). Thu nhập bình quân người sản xuất từ 3,3 triệu đồng/người/tháng, đến năm 2016 đã tăng lên 5,8 triệu đồng/người/tháng. Năm 2016, hợp tác xã đã được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tặng bằng chứng nhận đơn vị điển hình tiên tiến toàn quốc.

Ông Nguyễn Bình Lừng - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh danh dịch vụ Thiên Hương cho hay: "Từ khi chuyển đổi sang mô hình hợp tác xã kiểu mới, chúng tôi nhận thấy, vai trò thành viên hợp tác xã có khác so với trước đây. Các thành viên được đóng góp cổ phần nên có trách nhiệm cao hơn trong việc thay đổi phương pháp làm việc, từ đó hợp tác xã hoạt động hiệu quả hơn, doanh thu cũng tăng lên".

Hai hợp tác xã kể trên là những điển hình trong hàng nghìn hợp tác xã trên cả nước đang có những kết quả kinh doanh tốt, kể từ khi thực hiện theo mô hình mới. Điều này đã được thể hiện qua sự ghi nhận về tính hiệu quả của Luật Hợp tác xã năm2012.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua gần 5 năm thực hiện Luật Hợp tác xã kiểu mới, các hợp tác xã nông nghiệp đã có sự chuyển biến tích cực. Hiện đã có trên 90% số hợp tác xã đã chuyển đổi mô hình kiểu mới. Những hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả, tại các địa phương đã tổ chức giải thể; đồng thời, số hợp tác xã mới vẫn tăng lên.

Trong 4 năm qua, số hợp tác xã mới đã đăng ký là 2.600 hợp tác xã. Ngoài ra, số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả cũng tăng lên rõ rệt. Riêng lĩnh vực nông nghiệp, số hợp tác xã hoạt động hiệu quả tăng lên 33% trong năm 2016, trong khi ban đầu thực hiện Luật Hợp tác xã 2012 con số này chỉ là 11%.

Mặc dù vậy, trong thực tiễn, các hợp tác xã vẫn gặp không ít khó khăn, do đó chưa thể phát huy hết tiềm năng; trong đó phải kể đến thiếu các cơ chế chính sách văn bản dưới luật.

Ông Nguyễn Phú Hoàng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Thuận cho hay, mô hình hợp tác xã cũ vẫn còn tồn tại nặng nề trong tư duy, tư tưởng của người dân. Khi chuyển sang hoạt động theo mô hình mới thì vấn đề tài chính còn lúng túng; trình độ quản lý của hội đồng quản trị chưa thích ứng kịp...

Ông Nguyễn Văn Kiểm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Hải Phòng cho biết, các hợp tác xã đang thiếu về cơ sở vật chất, hiện hầu như đều có trụ sở nhưng tại UBND các xã chứ không có trụ sở độc lập, nếu có thì rất ít. Do không có tài sản nên việc thế chấp để vay vốn rất khó khăn. Người dân có đóng cổ phần vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng số vốn đó cũng không đủ đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh đó, hiểu biết về cơ chế chính sách của cán bộ, nghiệp vụ hạch toán kinh tế, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh còn yếu...

Để khắc phục tồn tại trên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giải pháp trước mắt là tuyên truyền và coi đây là giải pháp cốt lõi. Bên cạnh đó, cầntiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách. Hiện các văn bản quy định dưới luật như thông tư hướng dẫn, cơ chế chính sách, vẫn chưa hoàn thiện. Đây là nguyên nhân không nhỏ tác động đến việc chuyển đổi mô hình và phát triển các hợp tác xã..

Theo ông Nguyễn Văn Đoàn, Cục trưởng Cục phát triển Hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), để phát triển hợp tác xã đòi hỏi tất cả các bộ ngành, địa phương phải cùng chung tay vào cuộc.

Cụ thể, tăng cường tuyên truyền về Luật Hợp tác xã kiểu mới, đây là giải pháp quan trọng nhất. Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mới điểm, cho bà con tham quan học hỏi. Đồng thời, rà soát các cơ chế chính sách quy phạm pháp luật về hợp tác xã, cái nào không phù hợp thì loại bỏ, xây dựng các cơ chế chính sách khác cho phù hợp. Cùng với đó, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trước đây chưa được hướng dẫn.

"Ngoài ra, cần tăng cường quản lý Nhà nước, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Nâng cao năng lực của hợp tác xã hiện nay, bởi hợp tác xã hiện còn yếu kém. Với các giải pháp trên cùng sự nỗ lực của cả hệ thống từ Trung ương đến địa phương thì kinh tế hợp tác xã mới có sự bứt phá", ông Nguyễn Văn Đoàn khẳnh định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục