Lương thực thực phẩm là nguyên nhân chính đẩy CPI Hà Nội tăng hơn 3%

21:21' - 29/09/2017
BNEWS Theo Cục Thống kê Hà Nội, tháng 9 chỉ số giá tiêu dùng của thành phố tiếp tục tăng hơn 3% so với tháng trước đó.
Lương thực thực phẩm là nguyên nhân chính đẩy chỉ số giá tiêu dùng tại Hà Nội tăng hơn 3%. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Nguyên nhân khiến chỉ số giá tháng này tăng là do nhóm lương thực thực phẩm là hai nhóm có quyền số lớn nhất trong rổ hàng hóa tăng.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của đợt bão vừa qua các tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nề nên một lượng gạo lớn được chuyển vào miền Trung khiến cho giá gạo tăng lên. Giá gạo tăng khiến cho nhóm lương thực tăng; thêm vào đó là giá sắn cũng tăng do vào cuối vụ.

Mặc dù giá thịt lợn tháng này có dấu hiệu giảm nhưng chỉ số nhóm thực phẩm vẫn tăng do giá các loại tôm, cua, cá, vịt, ngan tăng.

Mặt hàng rau xanh khả năng tiếp tục tăng do ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều khiến rau bị dập, một số loại rau trái vụ như bắp cải, su hào,… tăng mạnh; rau muống, đỗ quả giảm.

Giá xăng dầu tăng khiến cho nhóm giao thông tăng theo. Đối với nhóm vật liệu xây dựng thì thép tiếp tục tăng, đá cát sỏi dự báo sẽ tăng nhẹ do chi phí vận chuyển tăng, gạch giảm nhẹ, các mặt hàng khác đứng giá.

Một số đồ dùng gia đình như ổn áp, giường, tủ,... tăng nhẹ khiến cho nhóm đồ dùng khả năng sẽ có chỉ số tăng nhưng mức tăng không đáng kể.

Vào năm học mới, các trường đại học, cao đẳng đã thu học phí, một số trường áp dụng mức tăng học phí mới nên dự kiến nhóm giáo dục sẽ có chỉ số tăng.

Về thương mại dịch vụ, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 9 tháng trên địa bàn đạt 1.719 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng mức bán lẻ đạt 405 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8%.

Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 8.593 triệu USD, tăng 8,7% so cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu địa phương đạt 7.131 triệu USD, tăng 10,7%.

Nguyên nhân xuất khẩu tháng này tăng cao so với cùng kỳ do có nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng cao như giày dép các loại và sản phẩn từ da tăng 100,9%; hàng điện tử tăng 98,9%; hàng nông sản tăng 64,7% (hàng nông sản tăng do hiện nay nhiều công ty Việt Nam trúng thầu những đơn hàng lớn từ Philippin trong khi đó gạo là mặt hàng chủ lực vừa thu hoạch xong còn đối thủ Thái Lan thì một tháng nữa mới thu hoạch và cà phê trên thị trường thế giới đang được giá).

Đóng góp nhiều nhất vào mức tăng kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng qua là hàng điện tử, xăng dầu, máy móc thiết bị phụ tùng tăng, phương tiện vận tải và phụ tùng.

Bên cạnh sự tăng trưởng ổn định và phục hồi của các đa số mặt hàng xuất khẩu chủ lực thì vẫn còn những ngành hàng gặp nhiều khó khăn như nhóm hàng may và dệt, giảm 0,1% so cùng kỳ do các doanh nghiệp ngành dệt may hiện nay gặp nhiều khó khăn trong việc ký kết các hợp đồng dài hạn; giảm giá thành gia công từ các thị trường Mỹ và EU; đối tác yêu cầu cao hơn về kỹ thuật và khả năng đáp ứng với yêu cầu mới của doanh nghiệp còn hạn chế; giá nhân công tăng, doanh nghiệp gặp khó khăn do giảm nhân sự (công nhân chuyển sang làm tại các nhà máy khác) nên khả năng đáp ứng các đơn hàng bị hạn chế.

Trong 9 tháng qua, du lịch Thủ đô đã khẳng định vai trò, vị trí là ngành kinh tế lớn, tốc độ tăng trưởng ổn định, quy mô hoạt động ngày càng mở rộng, đóng góp có hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố.

Hoạt động du lịch tiếp tục duy trì được nhịp độ phát triển; hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch được mở rộng. Sản phẩm du lịch được chú trọng về chất và lượng, từng bước xã hội hóa, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, thu hút ngày càng nhiều nguồn vốn để phát triển du lịch.

Mặt khác, những năm gần đây Hà Nội luôn được các tạp chí du lịch uy tín hàng đầu thế giới bình chọn là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất châu Á, đặc biệt Hà Nội được Tạp chí Trip Advisor liên tiếp bầu chọn là điểm đến hấp dẫn thứ 2 châu Á và trong top 10 thế giới. Qua đó, khách quốc tế đến Hà Nội liên tục tăng cao trong những năm gần đây.

Khách quốc tế đến lưu trú tại Hà Nội tháng 9 đạt 321 nghìn lượt, tăng 5,9% so tháng trước và tăng 89,2% so cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng, khách quốc tế đến lưu trú tại Hà Nội đạt 2.649 nghìn lượt khách, tăng 27,6% so cùng kỳ.

Khách trong nước đến Hà Nội tháng Chín đạt 829 nghìn lượt khách, tăng 0,7% so tháng trước và tăng 0,9% so cùng kỳ. Tính chung 9 tháng, khách trong nước đến Hà Nội đạt 7.368 nghìn lượt khách, tăng 4,2% so cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tháng Chín đạt 5.280 tỷ đồng, tăng 1,1% so tháng trước và tăng 12,1% so cùng kỳ. Lũy kế từ đầu năm, doanh thu đạt 45.325 tỷ đồng, tăng 9,6% so cùng kỳ./.

>>> Chỉ số giá tiêu dùng tại Tp. Hồ Chí Minh tăng 0,9% tháng 9/2017

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục